Friday, August 21, 2009

Lịch sử chùa Xá Lợi

Chùa Xá Lợi - Ngôi chùa danh tiếng ở miền Nam

Chùa Phật học Xá Lợi tọa lạc tại số 89 đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Chùa do Hội Phật học Nam Việt (Hội thành lập ngày 19-9-1950) đứng ra xây cất với sự đóng góp của các Chi hội và Tỉnh hội 21 tỉnh miền Nam.


Chùa khởi công xây dựng vào ngày 05-8-1956 dưới sự đôn đốc của hai kỹ sư Dư Ngọc Ánh và Hà Tố Thuận thi công theo bản vẽ của hai kiến trúc sư Trần Văn Đường và Đỗ Bá Vinh, diện tích hơn 2.500 m2 . Chùa được tổ chBc khánh thành trọng thể vào các ngày 2, 3, 4 - 5 -1958.

Chùa có kiến trúc theo lối mới, xây lầu, trên là bái đường, dưới là giảng đường. Toàn thể ngôi chùa có : cổng quan quan, ngôi chánh điện, giảng đường, tháp chuông 7 tầng, thư viện, phòng đọc sách, khu tăng phòng, nhà trai đường, văn phòng Ban quản trị, phòng khách, đoàn quán gia đình Phật tử, phòng phát hành kinh sách và nhà vãng sanh.

Cổng chính của chùa mở ra hướng Đông Bắc, phía đường Bà Huyện Thanh Quan..

Sau tam quan có tháp chuông 7 tầng cao 32m được khởi công xây dựng ngày 15-12-1960, khánh thành ngày 23-12-1961. Đại hồng chung cân nặng 2 tấn, đường kính 1,2m, cao 1,6m, rót đồng tại phường Phường Đúc, Huế ngày 15-4-1961 (01-3 năm Tân Sửu) theo mẫu của đại hồng chung chùa Thiên Mụ, Huế.

Đại hồng chung được=2 0treo lên tháp ngày 17-10-1961 dưới sự chứng minh của cố Hòa thượng Thích Tịnh Khiết. Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục vào ngày 07-11-2006 : Chùa Xá Lợi - ngôi chùa có tháp chuông cao nhất Việt Nam.

Chánh điện ở lầu 1 được bài trí tôn nghiêm. Tượng đức Phật Thích Ca được tôn trí tại đây là một tác phẩm mỹ thuật bằng đá nhân tạo màu hồng, cao 6,5m do ông Chánh Trí Mai Thọ Truyền đặt họa sĩ, điêu khắc gia Lê Văn Mậu tạc. Tượng đức Phật được làm lễ an vị vào ngày 12-2-1958 (24-12 năm Đinh Dậu). Pho tượng đã được tạp chí ASIA giới thiệu khắp thế giới thời bấy giờ.

Ở trên tường chung quanh chính điện, có 15 bức tranh khổ lớn về sự tích đức Phật Thích Ca từ sơ sinh đến thành đạo, nhập niết bàn do hBa sĩ Nguyễn Văn Long thực hiện vào năm 1958.

Đặc biệt, ở trên cao, ngay trước tượng Phật là nơi tôn thờ ngọc Xá Lợi Phật, đặt trong một bảo tháp nhỏ bằng bạc để trong một ô khám làm theo hình lá bồ đề. Viên ngọc này do ngài Narada Mahathera, tọa chủ chùa Vajirarama ở Srilanka dâng cúng cho Phật giáo Việt Nam.

Trong sách Lịch sử chùa Xá Lợi - văn hóa truyền thống (NXB Tôn Giáo, 2003), tác giả Thích Đồng Bổn cho biết chùa có tôn thờ một pho kinh bối diệp cổ chép bằng chữ Pali trên lá Ô bôi (lá muôn) cách nay trên 1.000 năm, mỗi chiếc lá dài 45cm, ngang 6cm.

Bộ kinh này do Giáo hội Tăng già Tích Lan tặng cho ngài Thích Quảng Liên, và ngài Quảng Liên đã tặng cho Hội Phật học Nam Việt để làm chứng tích pháp bảo thường trụ tại quốc độ này. Bộ kinh chép lời ức Thế Tôn khi Ngài bắt đầu Chuyển pháp luân tại thành phố Ba La Nại. Pháp tạng này được cung thỉnh về chùa Xá Lợi ngày 16-6-1957.

Chùa có cây bồ đề được chiết cành từ cây gốc ở Tích Lan, do Thái tử con vua A Dục đem từ nơi đức Phật Thành đạo sang trồng khi đến truyền bá đạo Phật ở xứ này. Cây được trồng vào ngày 27-12-1958 (17-11 năm Mậu Tuất).

Chùa được Hội Phật học Nam Việt xây dựng để thờ Xá Lợi Phật nên được người dân gọi quen là chùa Xá Lợi. Sau đó, Hòa thượng Khánh Anh, Pháp chủ Giáo hội Tăng già Nam Việt, Chứng minh Đạo sư của Hội Phật học Nam Việt, đặt tên Xá Lợi cho hợp lòng người.

Ngày 31-8-1991, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo và Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam đã tổ chức lễ tiếp nhận và phát hành hai tập kinh đầu tiên của bộ Đại Tạng kinh tại giảng đường Chánh Trí Mai Thọ Truyền.

Cư sĩ Mai Thọ Truyền sinh năm 1905 tại Bến Tre. Ông là công chức, đã làm việc ở nhiều nơi ở Sài Gòn, Trà Vinh, Long Xuyên, Sa Đéc. Năm 1968, ông giữ chức Quốc Vụ Khanh kiêm Viện trưởng Giám sát viện, rồi Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa cho đến năm quy tịch. Ông là đệ tử của Hòa thượng Thích Hành Trụ, được Hòa thượng đặt pháp danh Chánh Trí. Năm 1950, ông vận động thành lập Hội Phật học Nam Việt. Sau đó, ông đã vận động và đứng ra xây dựng chùa Xá Lợi.

Chùa nguyên đặt trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam (văn phòng II) từ khi Giáo hội được thành lập tháng 11-1981. Đến năm 1993, văn phòng được dời sang ThiE1n viện Quảng Đức. Hòa thượng Thích Thiện Hào, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, nguyên Viện chủ chùa.

Hòa thượng Thích Thiện Hào thế danh là Trương Minh Đạt, sinh năm 1911 tại xã An Phú Đông, huyện Hóc Môn. Ngài xuất gia với Tổ Huệ Đăng ở chùa Thiên Thai, Bà Rịa năm 1927. Ngài thuộc đời thứ 42 dòng Thiên Thai Thiền Giáo Tông. Ngài là một vị cao tăng đức độ, một nhà lãnh đạo tài năng của Phật giáo. Ngài viên tịch vào ngày 20-7-1997 (16-6 năm Đinh Sửu).

Chùa tổ chức giảng pháp vào các buổi sáng chủ nhật và sinh hoạt Gia đình Phật tử vào chiều chủ nhật hằng tuần.

Xá Lợi là ngôi chùa danh tiếng ở miền Nam. Chùa đón tiếp đông đảo chư Tăng Ni, Phật tử , sinh viên học sinh và du khách trong nước, nước ngoài đến tham quan, chiêm bái hằng ngày.


Chùa Xá Lợi


Tháp chuông


Đại hồng chung trên tầng 7 của Tháp


Mặt tiền chùa


Ngôi chính điện


Chính điện


Điện Phật


Nơi tôn thờ Xá Lợi Phật


Tượng Bồ tát Quán Thế Âm


Bản kinh Bối diệp cổ


Bàn thờ Tổ


Đại hồng chuông trong chính điện


Bộ tranh Lịch sử Đức Phật bên hông của chánh điện:

Hoàng hậu Ma Gia nằm mộng thấy voi trắng sáu ngà chen vào hông bên phải, sau đó thụ thai


Hoàng hậu hạ sinh Thái tử Tất Đạt Đa tại vườn Lâm Tỳ Ni


Đạo sĩ A Tư Đà đến viếng thăm Thái tử, nhận thấy Thái tử có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, sau sẽ đắc quả Phật


Thái tử đi dạo cửa Đông thành Ca Tỳ La Vệ, gặp cảnh khổ người già


Thái tử đi dạo cửa BA Fc thành Ca Tỳ La Vệ, thấy tư thái giải thoát của một vị Sa môn


Thái tử quyết xuất gia tìm đạo, lần cuối cùng lặng nhìn từ giã vợ con đang yên giấc, trước khi ra đi


Thái tử cùng Xa Nặc cỡi ngựa kiền trắc vượt thành đến bờ sông A Nô Ma, cắt tóc, sống đời tu sĩ, quyết tìm đạo giải thoát khổ đau


Ma Vương sai ba cô công chúa đến khuyến dụ đức Phật bằng sắc đẹp và vũ điệu mê ly, hy vọng làm cho đức Phật say đắm


Ma Vương dùng bạo lực như trời long đất lở, hy vọng làm cho đức Phật sợ hãi


Đức Phật Thành Đạo dưới cội bồ đề


Phật chuyển Pháp luân ở vườn Lộc Uyển, giảng Tứ Diệu Đế cho 5 vị đệ tử đầu tiên là 5 anh em Kiều Trần Như


Nàng Chia A Cha ngoại đạo, giả bụng chửa đến vu khống Phật


Các loài thú như voi, khỉ được cảm hóa thuần tánh dâng trái cây cúng dường đức Phật


Đức Phật cảm hóa tên sát nhân Vô Não và thu nhận làm đệ tử


Đức Phật nhập Niết bàn tại rừng Ta La Song Thọ

Bài và ảnh: Võ Văn Tường
http://phattuvietnam.net/index.php? nv=News&at=article&sid=4803
================================================
Cám on Anh Thanh đã bổ túc như là một nhân chứng:

Cùng các bạn cựu Chánh-Đạo .
Tôi xin bổ túc thêm về cây Bồ-Đề Chùa Xá Lợi .
Thực ra cây bồ đề do ngài Narada tặng và trồng cạnh giảng-đường Chùa Xá-Lợi sau cầu thang phái nữ đi lên Chánh-điện( phía trước đoàn quán GĐPT Chánh-Đạo ) một thời gian sau đã bị chết khô .Khi đó ở nhà cũng đang trồng một cây bồ đề trong chậu được chiết từ chùa Linh Sơn ,đường Cô Giang Sàigon vì lúc đó nhà tôi là nơi các tăng sinh PG từ miền trung và Dalat tạm trú để đi học phổ-thông có Thích Quảng Thành ,Nha Trang,lúc ấy gọi là chú Đường tức Bùi Ngọc Đường trong nhóm Chấn Hưng PG với Trân Quang Thuận ( Thích Trí Không )và bây giờ trong nhóm Về Nguồn ở Mỹ , và Thích Thế Quang là em họ của hòa thượng Thích Chánh Lạc... ( nếu kể thêm lại lạc đề ,có dịp nào ai thích nghe kể chuyện xưa liên quan đến PG vào thập niên 60-70 của thế kỷ trước cứ mail liên-lạc và ghi số điện thoại tôi sẳn sàng gọi trò chuyện )

Cây này do anh Huỳnh-Thanh-Phú < Phú lé> ,trong đội Huyền-Trang ( hy vọng bạn T.V.Trung cùng một số bạn thân lúc đó như HongKong,Hoa Móm cũng biết ) chở bằng xe đạp ra chùa ;Bác Chánh-Trí đã nhờ chuyên viên bộ canh nông đến phân chất đất và bón phân cho thích hợp và trồng xuống đó cho đến giờ .Về hình dáng cây bồ đề bây giờ từ gốc lên độ 2m ( chia thành hai là do khi còn trong chậu cao độ 1m bị con ốc sên ăn và ngay chỗ đó tách ra thêm nhánh )

Sẵn tiện còn thêm chi tiết nữa về chùa Xá Lợi tôi muốn ghi lại đây cho các bạn cùng biết để có dịp về thăm chùa nhớ xem coi còn hay mất . Đó là trước cửa chính vào giảng đường phía trên có treo một bức hoành ,tôi còn nhớ vào khoảng năm 60-61 Bác Chánh Trí cùng các bác trong ban quản trị cùng ngắm và cũng có thằng tôi xớ rớ ở đó !Tôi được bác giải thích vì là chữ Hán đó là :
ĐÔNG THÙY PHÁP VŨ
Đây cũng là tặng vật của PG Trung Hoa ( hình như là do pháp sư DIỂN BỒI mang tặng trong những năm ngài thường xuyên sang thuyết pháp truyền bá đạo Phật tại VN .)

Xin ghi vài chi-tiết với mục-đích để chúng ta cùng biết sự thật cũng như các em thời gian đó còn quá nhỏ ( sen non hay các em oanh vũ nhưng ngoại trừ các oanh vũ Trương thị Hòa ,Bùi thị Sinh ,Dương thị Phú ... nha !
Chúc tất cả một ngày cuối tuần Vui Khỏe ,

thân mến ,
Minh Châu Nguyễn NgọcThanh .

1 comment:

Ha Nguyen Tam said...

cây bồ đề ở chuà Xá Lợi vẫn còn,nhưng bây giờ có thêm tượng bồ tát Quán Thế Âm. Bức hoành trước cửa vào giảng đường đã được thay bằng bảng " GIẢNG ĐƯỜNG CHÁNH TRÌ".Đấy là thông tin mới bổ sung về những gì anh Thanh đã viết. Đoàn quán khi xưa của Chánh Đạo giờ là vãng sanh đường và chỗ gởi xe cho thập phương bá tánh đi lễ vào ngày sóc, vọng đông đúc