Tuesday, October 16, 2012

Lễ 49 ngày kỵ, Cầu Siêu anh Phan Tùng và Điếu Văn



 
Lễ 49 ngày kỵ của anh Phan Tùng tổ chức ở Vietnam, hình do Vũ Tấn Đạt chuyển. Bấm vào hình bìa album để xem hết album hình.


Cám ơn anh Thọ và các bạn Chánh Đạo ở Houston, Texas đã tổ chức lể cầu siêu ở chùa Quang Đức tại Houston .


                 CHƯƠNG TRÌNH LỄ TRUY TIẾN HƯƠNG LINH
                            MINH THÔNG PHAN TÙNG
 Cựu Sĩ Quan QLVNCH - Cựu Liên ĐoànTrưởng GĐPT Chánh Đạo SàiGòn.
     Tổ chức Ngày Thứ Bảy 29 tháng 9 năm 2012 tại Chùa Quang Đức TX.
               Nhằm Ngày Trăng Tròn Tháng Tám Năm Nhâm Thìn.
                                                 *****
   6:00 PM -  Quí Phật Tử và Thân Hửu vân tập Chùa Quang Đức Houston TX.
                             ( 17703 French Road, Houston, TX.77084 ).
    6:15 PM -  Lễ Truy Điệu của Hội Cựu SVSQ Thủ Đức Houston ( Nhạc Chiêu Hồn Tử Sĩ ).
    6:30 PM -  Cung nghinh Chư Tôn Đức quang lâm Chánh Điện cử hành lễ.
    6:35 PM -  Nghi thức Cầu Siêu :
-       Niệm Hương ( Trầm Hương Đốt ).
-       Tụng Niệm.
    6:55 PM - Thỉnh Linh ( Thỉnh Di ẢnhTừ Chánh Điện Phật qua Bàn Linh ).
-       Cúng Linh ( Chư Tôn Đức ).
                    Nghi thức Tưởng Niệm anh Minh Thông Phan Tùng ( GĐPT Việt Nam ) :
-       *Vài nét về Tiểu Sữ của anh Minh Thông Phan Tùng ( Cô Anh Trinh )
-       * Chào Hoa Sen Trắng.( Anh Quãng Hạnh, cựu LĐT/GĐPT Thiên Ân, MN )
-       * Năm Điều Luật của GĐPT.( Anh Quãng Hạnh ).
-       * Bài Cảm Niệm của anh Minh Nhân Hà Ngọc Đường, cựu Liên Đoàn Trưởng     Gia Đình Phật Tử Chánh Đạo Saigon ( Anh Thọ ).
-       * Lời Cảm Tạ ( Cô Anh Trinh ).
-       * Giây Thân Ái ( Anh Thọ & Anh Võ Hiếu )
   7:45 PM – Cơm Chay thân mật.
   8:30 PM -  Hoàn mãn ./-  


Bấm đường link ở dưới để xem youtube video lể cầu siêu.

http://www.youtube.com/watch?v=CkMRP14Jj3Q&feature=youtu.be

Anh Minh Nhân Hà Ngọc Đường đã viết bài điếu văn để tưởng nhớ anh Phan Tùng

Viết về anh, anh Minh Thông Phan Tùng
Đời Phật tử:
Cùng anh ở từ đội viên, từ đoàn Thiếu nam, đội viên đội Nam Phật Tử, đến các khóa huấn luyện Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử, đến buổi tuyên thệ Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam, từ những buổi lễ tổ chức trong khuôn viên gia đình trong những ngày lễ lớn đến những buổi lễ đặc trưng như lễ tiếp đón đoàn ngoại quốc, các buổi lễ quy y, v.v... đến những trại gia đình, trại Liên gia đình, trại họp bạn toàn thể các gia đình, bất cứ những tổ chức nào, dù lớn dù nhỏ, hễ có gia đình Phật Tử Chánh Đạo (mà lúc đó được thân ái gọi là gia đình Phật tử Thủ đô) đều có anh tham dự, anh Minh Thông Phan Tùng.
Sự gắn bó vô cùng mật thiết đến nỗi giữa thời ly loạn, anh em lần lượt lên đường khoác chiến y, thì anh em cũng lần lượt trao lại cho nhau chức vụ Liên Đoàn Trưởng để lèo lái con thuyền Chánh Đạo. Anh em đều một ý với nhau dù chỉ qua một buổi họp ngắn ngủi để đi đến một quyết định quan trọng, như hai lần đã bỏ mái chùa Xá Lợi thân yêu ra đi lưu vong để bày tỏ sự kiên định của một gia đình có tầm vóc lớn nhất trong tập thể Gia Đình Phật Tử. Cũng vẫn đều có sự hiện diện của anh, anh Minh Thông Phan Tùng.
Sau ngày mất nước, anh em cũng vẫn gắn bó với nhau qua màu Áo Lam bất diệt, cùng nhau tổ chức lễ chu niên trong những điều kiện hạn hẹp, một lần ở chùa Xá Lợi (có sự giằng co dữ dội với những người thân chánh quyền, cuối cùng cũng vẫn được tổ chức, kể cả treo hàng chữ “Kỷ niệm Chu niên Chánh Đạo” ), khi thì ở chùa Phước Hải (đích thân Sư Bà Tịnh Nguyện “trông chừng” cho Chánh Đạo tiến hành buổi lễ), khi thì ở tại nhà bác Gia trưởng (cuối cùng bị công an cấm không cho tổ chức nữa, một lần tổ chức tại nhà Hoàng Oanh, một lần tại nhà Hoa Phố (Thủ Đức), còn lại được tổ chức tại nhà Hoa Đường (cái nhà nhỏ xíu bằng cái lỗ mũi mà chứa hơn 40 người tham dự, ca hát những bài ca truyền thống gia đình một cách hăng say). Tất cả, tất cả đều có anh, anh Minh Thông Phan Tùng.
Trong những ngày đen tối của tập thể gia đình Phật Tử nói riêng, và các đoàn thể tôn giáo nói chung, 2 gương mặt cốt cán của gia đình Phật Tử với 2 cách xử lý, 2 lập luận khác biệt, nhưng với tập thể Chánh Đạo đều xem 2 anh là 2 người anh cả. Anh Cầm cho rằng phải cho tập thể Gia Đình sinh hoạt, để nuôi dưỡng phong trào đã có sẵn, cương quyết không để bị mai một, cho nên một đoàn thể “Đoàn cư sĩ Phật Tử ” ra đời. Anh Từ chủ trương “Gia Đình Phật Tử là Gia Đình Phật Tử” cho nên dù bị ngăn cấm, dù bị làm khó dễ đủ điều, anh vẫn chủ trương duy trì “Gia Đình Phật Tử”. Hai anh không tham dự chung bất cứ một buổi lễ chính thức nào trừ những buỗi họp của Chánh Đạo. Chỉ với Chánh Đạo, mà những gương mặt tiêu biểu như anh Minh Thông Phan Tùng, mới đủ tư cách để mời 2 anh cùng tham dự. Một điểm son cho Chánh Đạo, và thực sự cũng là điểm son cho tất cả anh em Chánh Đạo sinh hoạt trong những ngày “dầu sôi lửa bỏng” này, trong đó có anh, anh Minh Thông Phan Tùng.
Tập thể Chánh Đạo cũng đã tham dự vào “đoàn cư sĩ Phật Tử” này, cũng vẫn dưới mái chùa thân yêu Xá Lợi. Dù sinh hoạt dưới danh nghĩa nào, Chánh Đạo vẫn là Chánh Đạo. Thực vậy khi đến chùa Quảng Đức), sau khi nghe giới thiệu “chúng con là đoàn nam nữ cư sĩ Phật Tử chùa Xá Lợi”, hòa thượng Quảng Liên đã chỉ mặt từng huynh trưởng một, rồi nói rằng “Gì mà nam nữ cư sĩ, đây đều là gia đình Phật Tử Chánh Đạo mà”. Ôi sung sướng biết bao nhiêu, dù Chánh Đạo đi đến đâu cũng vẫn rạng danh Chánh Đạo. Cũng nhờ những gương mặt tiêu biểu, trong đó dĩ nhiên vẫn có cả anh, anh Minh Thông Phan Tùng.
Một sự kiện lớn đồi vời Chánh Đạo trong thời gian đang sinh hoạt dưới danh xưng “đoàn nam nữ cư sĩ Phật tử chùa Xá Lợi” là bác Đỗ văn Giu, gia trưởng gia đình Phật tử Chánh Đạo mất.
Nghe hung tin, toàn thể Huynh Trưởng cùng với đoàn sinh, trong đồng phục áo lam đến cữ hành tang lễ. Anh em Chánh Đạo đều đeo băng tang, riêng các đoàn sinh mới (vì không mang danh xưng “Gia Đình Phật Tử Chánh Đạo”) nên không nhất thiết phải đeo băng tang chobác gia trưởng. Tưởng cũng nên nhắc lại hai sự kiện trong tang lễ bác.  Trịnh Công Thành không phải là đoàn sinh Chánh Đạo nhưng khẩn thiết xin được mang băng tang cho bác Giu, nên tập thể Chánh Đạo đồng ý cho phép Thành được làm đoàn sinh gia đình Phật Tử Chánh Đạo kể từ ngày bác Giu mất. Việc thứ hai là anh Nguyễn Ngọc Thọ, anh không phải là thành viên Chánh Đạo, nhưng anh lại là người rất nhiệt thành trong tang lễ, anh lại là người rất gần gũi với hàng giáo phẩm, nhiều hiểu biết về nghi thức, nên anh là người chỉ bảo cho anh em cũng như tang quyến mọi chi tiết để buổi lễ được trọn vẹn theo nghi thức Phật giáo. Anh Thọ cũng là người sát cánh với tập thể Chánh Đạo trong mọi sinh hoạt. Chân thành cám ơn anh.
Trong thời gian này, anh Phan Tùng là Liên Đoàn Trưởng của đoàn nam nữ cư sĩ Phật Tử chùa Xá Lợi, và cũng chính vì việc chúng tôi cử hành tang lễ cho bác gia trưởng một cách quá trang trọng theo lễ nghi chính thức của một đơn vị gia đình đối với Gia Trưởng, nên những người khác không vừa lòng, họ muốn thay đổi người khác đảm nhiệm chức vụ Liên Đoàn Trưởng. Ngay lập tức, toàn thể anh chị em Chánh Đạo rút lui khỏi cái đoàn nam nữ cư sĩ Phật tử chùa Xá Lợi này. Chúng tôi, tất cả, tất cả đều chung một ý với nhau. Chúng tôi tất cả, tất cả đều vì anh, anh Minh Thông Phan Tùng.
Chúng tôi, trong hoàn cảnh khó khăn như thế, vẫn sát cánh bên nhau, và cuối cùng cùng nhau thành lập “Đoàn Phật tử Chánh Đạo”, cùng sinh hoạt, cùng tương trợ lẫn nhau để sống còn. Trong thời gian này, chúng tôi đã hội họp và cùng đi đến quyết định mỗi năm đi hành hương chùa Tường Vân, Đơn Dương, và đến thăm Đà Lạt. Cũng có nhiều ý kiến chống đối, nhưng qua nhiều cố gắng thuyết phục cũng như vận động của người đưa ra sáng kiến, chúng tôi được sự đồng thuận để đi chuyến đầu tiên đến chùa Tường Vân, làm lễ cho anh Tôn Thất Sỹ, đã mất ngay trong những buổi đầu của ngày mất nước. Rất cảm động là buổi lễ có được sự tham dự của chị Sỹ, cùng tang quyến. Buổi lễ được sự chủ trì của thầy Chơn Kim, Cựu Huynh Trưởng Chánh Đạo, và là trú trì chùa Tường Vân. Chùa Tường Vân được lấy tên như Chùa Tường Vân ở Huế, của cố Hòa thượng Tăng Thống Thích Tịnh Khiết. Thầy Chơn Kim là đệ tử của Ôn Tịnh Khiết, và hằng năm thầy vẫn ra chùa Tường Vân, Huế đễ giỗ Ôn. Thầy Chơn Kim vẫn được Phật tử Chánh Đạo gọi thân mật bằng “Thầy”, mặc dầu đối với hàng giáo phẩm, Thầy là một vị Hòa Thượng. Trong chuyến đi đầu tiên này, chúng tôi cũng đem theo danh sách, hình ảnh của các thành viên gia đình Phật Tử Chánh Đạo đã quá vãng, lưu tại chùa để Thầy hằng ngày tụng kinh siêu độ. Từ buổi đầu tiên thành công tốt đẹp này, hằng năm anh em vẫn tiếp tục hành hương chùa Tường Vân, thăm Thầy và viếng thăm Đà Lạt. Chuyến đi nào cũng vẫn có anh, anh Minh Thông Phan Tùng.
Chúng tôi cũng đã thành lập một Gia Đình Phật Tử tại chùa Vạn Thiện. Sinh hoạt theo đúng truyền thống gia đình Phật tử. Về sau, vì chùa có khuynh hướng thân chính quyền, chúng tôi cương quyết rời bỏ. Chúng tôi đồng nhau quyết định giải tán gia đình. Chúng tôi, nghĩa là có cả anh, anh Minh Thông Phan Tùng.
Đời lính:
Những người trong lớp tuổi của chúng tôi, sống giữa thời ly loạn, sao cho khỏi mặc áo treillis.
Chúng tôi phải lần lượt ra đi, nhưng rồi vẫn thỉnh thoảng về thăm lại gia đình. Một kỷ niệm thật khó quên đối với Hà Ngọc Đường là một lần bị một ông Tướng cao nhất nước ra lệnh phải rời khỏi Sài gòn trong vòng 24 giờ đồng hồ, đồng lúc anh Phan Tùng làm sĩ quan quân vận. Và cũng chỉ có sĩ quan Phan Tùng mới dám lưu Hà Ngọc Đường lại thành phố hơn một tuần lễ, trong khi lệnh trên là phải cho đi ngay trong vòng 24 giờ. Những gắn bó trong đời Phật tử đã tạo nên hành động phi thường ấy nơi anh, anh Minh Thông Phan Tùng.
Đời thường:
Anh Tùng làm chủ một cơ sở làm giấy. Chúng tôi thường đến anh để họp bàn, vì anh không thể rời nhiệm sở. Và cũng để có dịp cùng anh ra quán, chi phí do anh đài thọ. Anh vẫn rất vui lòng, anh vẫn là anh của chúng tôi, anh Minh Thông Phan Tùng.
Anh Tùng ơi.
Anh đã ra đi vĩnh viễn. Vẫn biết trong cõi đời, khó ai tránh được cảnh tử biệt sinh ly, nhưng sao chúng tôi vẫn không ngăn được dòng lệ, khi nghĩ về anh, khi nhớ đến anh. Chỉ biết thành tâm cầu nguyện cho anh, anh Minh Thông Phan Tùng.
Qua khói trầm hương tỏa ngát, tưởng như anh hồn anh vẫn phảng phất đâu đây, chúng tôi xin cùng anh “kết dây thân ái”: “Dây thân ái lan rộng muôn nhà, Tay sắp xa nhưng tim không xa. Vui tươi ta biết trong lòng nhớ lòng…..” Theo truyền thống, bài ca thân ái không được ca dứt, để những luyến lưu còn mãi. Chúng tôi sẽ mãi mãi nhớ về anh, anh Minh Thông Phan Tùng.
Nguyện cầu Hồng Ân Tam Bảo thuyền từ gia hộ độ trì cho anh, anh Minh Thông Phan Tùng, cựu đội viên Nam Phật tử, cựu Liên Đoàn Trưởng Gia Đình Phật Tử Chánh Đạo, Cựu Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam, sớm siêu sinh Tịnh độ.
Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ, thọ quang thể tướng vô lượng vô biên, từ thệ hoằng thâm, tứ thập bát nguyện độ hàm linh, đại từ đại bi tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Như Lai, biến pháp giới Tam Bảo
Minh Nhân Hà Ngọc Đường
Cựu Liên Đoàn Trưởng Gia Đình Phật Tử Chánh Đạo
Cựu Ban viên Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử miền Quảng Đức

No comments: