Saturday, July 31, 2010

Thư Ngõ tháng 7/2010 của anh Phan Tùng


Thân mời xem thư ngõ của anh Minh Thông Phan Tùng về Lễ Hiệp Kỳ và cứu trợ của GĐPT Chánh Đạo ở Vietnam.

Monday, July 12, 2010

Chị Phối du lịch ở Mỹ









Cám ơn chị Hoàng đã gởi về một số hình ảnh mới của chị Phối đang du lịch ở Mỹ.
CLICK vào hình để phóng to ra.

Chiếc Áo Lam

Xin gởi đến quý vị một bài đọc hay từ web cuả www.gdptthegioi.org:


CHIẾC ÁO LAM

Nhiều lần tự hỏi: “Màu lam có mặt trong đạo Phật từ khi nào? Và nhân duyên gì màu lam đã trở thành màu áo yêu quý của người con Phật?”, nhưng thật tiếc là chưa bao giờ và có lẽ là mãi mãi, tôi sẽ không tìm thấy câu trả lời hoàn hảo. Chỉ biết, từ ngàn năm nay, màu lam thân thương ấy là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh, là nhựa sống, niềm tin, là nơi nương tựa bình an nhất cho mọi người con Phật để tạm gác lại những khổ đau, lo toan của cuộc đời.

Một đêm kia, trong giờ ngồi thiền tĩnh lặng thật an lạc, tôi chợt cảm thấy thương và biết ơn màu lam vô cùng. Từ lúc lọt lòng mẹ đến nay, hầu như màu lam luôn nhẹ nhàng theo tôi qua từng giai đoạn của cuộc sống. Tình yêu của ba má tôi nảy nở khi hai người còn khoác trên mình màu áo lam Gia Đình Phật Tử (GĐPT). Mới được ba, bốn tuổi, chị và anh tôi đã được má dẫn đến chùa trong bộ đồng phục Ngành Oanh màu lam thân thương. Và tôi, dĩ nhiên cũng như vậy, thuở nhỏ đã cùng má, anh và chị sinh hoạt GĐPT Xuân Hòa. Những chiếc áo hoa màu nổi trội có thể thay phiên nhau cùng tôi đi dự tiệc, vui chơi cùng bè bạn nhưng cứ mỗi chiều chủ nhật, độc tôn duy nhất là một màu lam hiền hòa cùng tôi đến chùa. Vậy mà có những khi tôi nhẫn tâm ruồng bỏ chiếc áo lam để không phải đi chùa sinh hoạt GĐPT. Tôi đáng trách lắm. Nhưng một khi khoác áo lam trên người, tôi chưa bao giờ nghe một lời trách móc nào áo lam giận hờn nói với tôi, trái lại, tôi thấy mình nhẹ người hơn. Áo lam vẫn bình yên, an thường như thuở nào. Dù tôi có ghét, thương thì áo lam vẫn hoan hỷ chờ tôi trở lại. Vậy đó, ngay cả lúc chưa sanh ra, màu lam đã là một nhân duyên xây đắp và nuôi dưỡng gia đình tôi. Màu lam đã trở thành một phần không thể thiếu trong gia đình để rồi từng đứa con chào đời, cho đến khi lớn lên, ai cũng được bảo hộ âm thầm bởi chiếc áo màu lam giản dị.

Khi còn ở nhà, tôi cũng vui chơi, quậy phá như bao đứa trẻ khác. Nhưng khi áo lam đã ở trên người, tôi cảm thấy mình chững chạc hơn và có cảm giác mình không thể nào làm điều sai trái. Chiếc áo lam như nâng tôi lên một tầng cao mới của đạo đức! Tôi không hoàn toàn thay đổi tính cách nhưng áo lam như nhắc nhở tôi rằng mình không được làm việc xấu. Tôi thật sự áy náy, hối lỗi nếu tôi bước vào những nơi vui chơi không lành mạnh mà tôi vẫn còn khoác áo lam sinh hoạt GĐPT. Lúc ở nhà và cho đến bây giờ, tôi luôn thấy hành động đó sẽ làm bẩn đi, làm nhòa đi màu lam trong sạch. Tôi đâu ngờ rằng chỉ ngần ấy suy nghĩ, những hạt giống của tình thương, giải thoát, hạnh phúc đã được gieo cấy và vun gốc trong tâm hồn thơ dại của tôi. Để rồi mỗi khi sinh hoạt GĐPT, mỗi khi khoác áo lam lên người, những hạt giống thiện lành ấy lại có dịp tưới tẩm, đâm chồi và nảy lộc mạnh mẽ nhiều hơn trong trái tim tôi.
Không một thanh thiếu niên nào lựa chọn những chiếc áo màu lam để đi chơi, dự tiệc và dã ngoại! Cũng phải thôi, vì lẽ cũng không một nhà thiết kế thời trang nào sử dụng vải màu lam để đưa lên mẫu thiết kế! Vì màu lam không lòe loẹt, cá tính. Vì màu lam không khiến mọi người chú ý, ấn tượng. Màu lam luôn hiền hòa, thanh đạm, khiêm tốn. Màu lam không phải tượng trưng cho cái giàu hay nghèo, lại càng không phải là nơi để ta thể hiện cái “tôi” giữa bao người. Màu lam mang một ý nghĩa khác, sâu sắc hơn: Màu của sự Giải Thoát”.

“Thân thương chiếc áo màu lam
Mặc vào người thấy tánh tham tan dần
An nhiên đang đến thật gần
Tham si sân hận lần lần ra đi."

Dù anh có là kẻ giàu sang, dù chị có là người bần cùng nhưng khi áo lam đã trên người anh chị, chẳng ai có thể phân biệt được gia thế của mỗi người. Lúc đó, chỉ có một gia thế, chỉ có một tầng lớp có mặt trong anh chị. Gia thế đó là Con Phật. Tầng lớp đó là những người sống hòa hợp, hạnh phúc với nhau trong tinh thần Lục Hòa và Giải Thoát.

Nếu màu nâu tượng trưng cho hạnh Khiêm Cung thì màu lam tượng trưng cho hạnh Giải Thoát. Giải thoát điều gì? Giải thoát khỏi những khổ đau, phiền muộn, lo toan, sợ hãi để ta tự do, tự tại, sống ngày một an lạc, hạnh phúc hơn, và ta có cơ hội đem đến cho đời những niềm vui dù bé nhỏ nhưng thật cần thiết và ý nghĩa.

Trong kinh Phật dạy: “Như trăm sông về một biển, chỉ chung một vị duy nhất là vị mặn. Giáo pháp của ta cũng chỉ có một vị duy nhất. Đó là vị Giải Thoát”. Áo Lam là chiếc áo Giải Thoát và ta đã từng một lần giải thoát, xa rời những khổ đau, u sầu, tham lam, giận hờn mỗi khi mang chiếc áo Giải Thoát chưa? Quay lại với tự thân và trả lời câu hỏi trên. Chắc chắn ta cũng từng hạnh phúc, thậm chí là rất nhiều, khi khoác áo lam và ta cũng không tránh khỏi những lầm phiền muộn khi khoác áo lam trên người. Hãy mỉm cười với câu trả lời và ta tự nhủ với lòng sẽ luôn an lạc mỗi khi mang áo lam. Ta nên từ tốn, khoan thai và trân trọng chiếc áo màu lam thân thương. Thở thật nhẹ, sâu, ý thức từng hạt nút được cài, mỉm cười và thầm đọc bài thơ sau:

"Mặc chiếc áo màu lam
Tâm tư thường khỏe nhẹ
Nguyện sống đời thảnh thơi
Đem vui cho trần thế."

Mặc áo lam trong niềm tỉnh thức và an lạc như vậy, ta mới xứng đáng là con Phật, xứng đáng mang trên mình Chiếc Áo Lam Giải Thoát.
Vài ngày trước khi vào chùa xuất gia, tôi có dự định đem theo bên mình chiếc áo lam để làm vật kỷ niệm, kỷ niệm một thời gian buồn vui cùng GĐPT Xuân Hòa, cũng mong sao mang bên mình chút hơi ấm của quãng thời gian chơi cùng bè bạn, anh chị em. Tôi biết xuất gia có nhiều thử thách, chướng ngại và tôi muốn chiếc áo lam trở thành điểm tựa tinh thần cho tôi mỗi khi gặp khó khăn. Nhưng má tôi lại muốn khác. Người muốn tôi truyền trao bộ đồng phục có chiếc áo lam ấy cho một Đoàn sinh khác. Tôi buồn và thật sự lưỡng lự. Chuyện này khiến tôi ưu tư rất nhiều. Để lại hay mang theo? Và rồi tôi cương quyết: “Đi tu là đã rời xa cha mẹ, người thân, tại sao lại vì một chiếc áo lam mà suy nghĩ nhiều như vậy?”. Dù cương quyết mạnh mẽ như thế, tôi vẫn thấy xót xa, chạnh lòng như mất đi một cái gì thân quen, yêu mến lắm mà từ lâu tôi không thể thiếu.

Thời gian thấm thoát trôi, tôi được xuất gia. Tôi nhớ như in. Ngày xuống tóc, tôi thấy những em Đoàn sinh GĐPT đến chùa với chiếc áo lam mến yêu. Tôi thương lắm. Nhìn những chiếc áo lam mà các em đang mang, tôi chợt nhớ lại chiếc áo lam của tôi. Áo lam ở đâu rồi? Không biết ai đang mang chiếc áo lam đó? Người ấy có hay đến chùa sinh hoạt GĐPT không hay là để chiếc áo lam ấy trong ngõ ngách nào đó của tủ quần áo và vẫn thường lãng quên chiếc áo của tôi? Nhiều lúc buồn khổ, giận hờn huynh đệ trong thiền môn, tôi vẫn hay nhớ về những niềm vui, nụ cười mà mình có được khi còn mang chiếc áo lam đi sinh hoạt mỗi chiều chủ nhật. Tôi không tiếc nuối về quá khứ nhưng mỗi khi nghĩ về áo lam, về Sư Bà Trụ Trì, về GĐPT Xuân Hòa và anh chị em ở quê hương, tôi như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần để “vững bước trên đường đạo”.

Sư phụ tôi, thuở nhỏ cũng từng là Đoàn sinh GĐPT. Người cũng từng vui đùa hồn nhiên như tôi và bao Đoàn sinh khác hồn nhiên trong chiếc áo lam GĐPT hiền hòa. Đôi khi tôi thấy Sư phụ ngồi im lặng, đưa đôi mắt và cái nhìn hiền từ của Người hướng về các em Đoàn sinh GĐPT đang nô đùa vui chơi, tôi như vui lây niềm vui mà Sư phụ đang có. Nụ cười của Người thật đẹp, một nụ cười của lòng biết ơn, hạnh phúc, thương yêu mà những người xuất gia xuất thân từ GĐPT không thể nào không có. Nụ cười đó khiến tôi xúc động. Nhưng tôi không biết Sư phụ có nhớ chiếc áo lam của Người cách đây hơn nửa thế kỷ như tôi nhớ chiếc áo lam của tôi chỉ cách đây vài năm không? Tôi cảm thấy khó hiểu với chính mình. Dám từ bỏ người thân, bè bạn xóm làng để xuất gia học đạo nhưng chưa dứt được lòng lưu luyến với một chiếc áo lam, hay là vì tôi quá mong mỏi gặp lại chiếc áo lam đó?

Đêm kia, một đêm gió mát lồng lộng, tôi bước những bước chân thiền hành thong dong dưới ánh trăng rằm sáng vằng vặc. Tôi bỗng nhận ra một sự thật tuyệt vời: Chiếc Áo Lam ngày xưa tôi mang và lưu luyến đó, thật ra đã trở thành con người của tôi rồi! Áo lam là giải thoát. Tôi đã mang chiếc áo lam giải thoát đó suốt 7 năm dài. Và mỗi khi khoác trên mình chiếc áo lam ấy, hoạt giống giải thoát lại được ươm mầm trong tâm hồn thơ dại của tôi. Hạt giống giải thoát đó đã nứt mầm, nảy hạt và lớn lên để rồi chúng giải thoát cuộc đời tôi bằng một nếp sống giản dị, mộc mạc và nhiều an lạc, hạnh phúc. Tôi xuất gia được, trở thành kẻ “đầu tròn áo vuông” là nhờ chiếc áo lam ấy. Ẩn sau những chiếc áo nhật bình, những bộ đồng phục của người tu, những sắc phục y hậu rực rỡ mà tôi đang mang, một chiếc áo lam hiền hòa vẫn còn đó với nhiều ý nghĩa sâu sắc nhất.

Từ đó, tôi mới thật sự “để lại” chiếc áo lam của mình cho một Đoàn sinh khác mà lòng cảm thấy hoan hỷ, nhẹ nhàng. Tôi có mất áo lam hay áo lam ấy có bao giờ bỏ rơi tôi khi nào đâu. Tôi còn thấy vui vì mong sao người mang chiếc áo lam ấy cũng được áo lam giải thoát cuộc đời họ như tôi được áo lam giải thoát. Và tôi đã nhìn thấy chiếc áo lam của tôi ở mọi chiếc áo lam mà tất của Đoàn sinh GĐPT đang khoác trên người.

Tình cảm của tôi với áo lam chan hòa như vậy đó. Nhưng nhiều lúc tôi tôi thấy thương cho những Đoàn sinh GĐPT, ngay cả các anh chị Huynh Trưởng, mỗi khi họ mang chiếc áo lam mà lại nói lời không dễ thương, gây đau khổ phiền lòng cho anh chị em trong Gia Đình. Và những khổ đau, sân hận, lòng oán hờn lại có cơ hội lớn lên trong tâm họ dù áo lam giải thoát, hiền hòa vẫn còn trên người. Tội nghiệp quá đi! Đã mang chiếc áo giải thoát rồi mà vân chưa giải thoát chút nào! Tội nghiệp cho họ và tội nghiệp cho chiếc áo lam họ đang mang. Dù chiếc áo lam đó có đẹp cách mấy, dùng nước xả tham nồng nàng đến mức nào mà ta lại buông lời giận dữ, trách móc, hờn dỗi thì tôi nghĩ chiếc áo lam đã bị bẩn rồi. Tại sao ta lại không làm nở một nụ cười trên môi khi mình mang áo lam? Tại sao ta lại không nhìn mọi người với cặp mắt thương yêu khi áo lam đã khoác trên người? Tại sao ta không biết thương biết quý, khi người anh, người chị, người em của dám từ bỏ thẳng thừng những chiếc áo hoa màu để chỉ mang trên mình một chiếc áo lam dễ thương? Mình nên biết khi ai đó mang trên người chiếc áo lam GĐPT thì người đó đang gieo hạt giống của lòng hiền hòa, thương yêu, tha thứ trong con người của họ. Chắc chắn một cậu thanh niên mang chiếc áo lam sẽ hiền hơn khi cậu mang đồ hip-hop hay những áo quần màu mè hoa lá cành khác! Cũng vậy, dù có kiêu sa, quyến rũ đến bao nhiêu khi phục sức trong những chiếc váy đần lộng lẫy nhưng khi chiếc áo lam đã khoác trên người, cô thiếu nữ bỗng trở nên đằm thắm, nhẹ nhàng và chững chạc hơn bao giờ hết!

Do đó, ta nên nhớ một điều thật giản dị và mầu nhiệm: Một giờ mang áo lam đến chùa là một giờ ta trở thành người hiền lương. Ai trong xã hội mà mang áo lam đến chùa trong một phút, người đó đã có được một phút không làm ác, không đua đòi, không sa vào những thói hư tật xấu ở đời. Chỉ có thế mà những hạt giống thiện lành trong họ có dịp được tưới tẩm, đâm chồi, nảy lộc!
Nếu ta có thể luôn luôn ý thức điều mầu nhiệm này, ta sẽ luôn biết thương yêu qua từng cái nhìn, luôn biết nở nụ cười hiền hòa với mọi người anh, chị em của mình trong Đại GĐPT.
Nhờ thế mà mỗi khi thấy bất cứ Đoàn sinh nào đến chùa với chiếc áo lam, tôi đều mỉm cười vì biết Đoàn sinh đó đang có những giờ phút thật yên bình dưới mái chùa thiền môn tĩnh lặng.

Tôi biết có rất nhiều anh chị em Đoàn sinh cũng mang trong mình một tình cảm thật sâu đậm với chiếc áo lam của họ. Những Đoàn sinh đó luôn tự hào mình là một Đoàn sinh GĐPT và họ sẵn sàng kể chuyện vui khi còn sinh hoạt suốt 5 giờ đồng hồ, thậm chí là hơn thế nữa mà không bao giờ thấy chán. Cuộc sống có nhiều cám dỗ, mưu mô, tranh đấu nhưng đã có người trong số họ xem GĐPT như cội gốc đạo đức của cuộc đời họ. Tuy nhiên, cũng chính vì cuộc sống mưu sinh, đa đoan, nhiều Đoàn sinh đã không có cơ hội mỗi chiều chủ nhật sung sướng đến chùa với chiếc áo lam mộc mạc. Họ rất buồn và nuối tiếc. Nhưng điều tôi đau lòng là họ lại không dám khoác áo lam trên người mỗi khi có dịp trở về với GĐPT và mái chùa xưa! Hỏi ra thì họ thú thật: “Vì lâu lắm rồi mình không sinh hoạt nên có nhiều anh chị lớn coi mình không phải là Đoàn sinh GĐPT nữa. Dù mình có đến chùa, nhiều người xem thường vì sinh hoạt mà lúc có lúc không, chỉ đợi lễ mới đến, chỉ đợi đến hè có trại mới đi để vui rồi qua lễ, qua trại lại nghỉ luôn. Hơn nữa, lâu lâu mới đến chùa cho vui, hiếm hoi lắm mới đi được một ngày nên mang áo thường lên chùa cho tiện”. Một anh Đoàn sinh ngành thiếu đã nói với tôi những lời này.

Tôi thiết nghĩ không một Thầy, một Sư cô nào và ngay cả các vị Hòa Thượng xem thường một Phật tử lâu ngày mới đến chùa một lần! Vậy thì là một Huynh Trưởng, một anh chị lớn, dù ở thứ bậc nào, tại sao ta lại đối xử với những Đoàn sinh lâu ngày mới đến chùa bằng một thái độ như thế? Khi xưa, Bác Tâm Minh Lê Đình Thám lập ra GĐPT là chỉ mong sao các thanh thiếu niên có được môi trường vui chơi lành mạnh dưới mái chùa yên bình. Cứ chiều chủ nhật đến, Bác lại mong muốn có thêm một em thiếu nhi, thanh thiếu niên nữa đến chùa sinh hoạt vui chơi. Thấy một Đoàn sinh không còn sinh hoạt nữa, Bác buồn và luôn chờ đợi Đoàn sinh đó về lại chùa trong chiếc áo lam thương mến.

Mười năm ra đi mà còn nhớ chùa để về lại trong dịp lễ, cắm trại còn hơn là ra đi vĩnh viễn để chạy theo thói hư tật xấu ở đời. Tại sao ta lại không biết thương cho những Đoàn sinh không có điều kiện sinh hoạt đều đặn? Mỗi khi những Đoàn sinh đó dám rũ bỏ tất cả mọi cám dỗ ở đời để về lại chùa, đúng ra ta phải mừng, phải vui chứ! Hay là ta muốn cắt đứt, đoạn tuyệt tất cả nhân duyên tốt đẹp của các Đoàn sinh đó với Phật giáo? Ta muốn chiều chủ nhật, thay vì đến chùa, các Đoàn sinh đó phải vào các quán cà phê, trà đình tửu điếm hay sao? Ta có tư cách gì, ta có quyền hành gì mà dám không nhận, xem thường các Đoàn sinh lâu ngày mới trở lại tổ chức GĐPT dù chỉ một ngày? Tại sao ta lại nhẫn tâm ruồng bỏ các Đoàn sinh đó chỉ vì cái bản ngã, cái thành kiến không hơn không kém của ta chứ?

Anh chị đừng nghĩ những lời trên là tôi trách móc những anh chị Huynh Trưởng khác. Không! Đó là lời tôi trách móc với chính tôi cách đây vài năm khi mới vào chùa. Bảy năm sinh hoạt GĐPT, dù vẫn còn là Đoàn sinh Ngành Oanh nhưng tôi đã có cái nhìn sai lạc như vậy. Tôi đã từng đối xử tệ bạc với những bè bạn cùng lứa lây ngày mới trở lại. Tôi luôn cho mình đối xử như vậy là đúng. Nhưng tôi là ai mà dám xử sự như thế? Ngay cả Sư Bà Trụ Trì lúc nào cũng hoan hỷ chờ đón bất cứ ai đến chùa thì tôi có tư cách gì cảm thấy khó chịu khi nhiều Đoàn sinh lâu ngày mới trở lại chùa?. Thế rồi tôi quỳ trước tượng Đức Phật. Tôi rưng rưng nước mắt vì biết mình đã phạm một tội lỗi lớn. Tôi đã làm cho nhiều Đoàn sinh chán ghét chùa và GĐPT chỉ vì thái độ ngu si của tôi. Đau lòng hơn nữa, trong số đó, đã có nhiều Đoàn sinh vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Tôi là con Phật mà đã làm cho người khác hết cơ hội, thiện cảm với mái chùa và GĐPT. Năm vóc phủ phục sát đất trước Đức Thế Tôn, tôi cảm thấy mình có lỗi rất nhiều. Nhưng ngước nhìn dung nhan của Ngài, tôi vẫn thấy Thế Tôn mỉm cười an nhiên như thấu hiểu nỗi lòng của mình. Và tôi phát nguyện sẽ luôn luôn hoan hỷ khi thấy ai đến chùa dù họ là Phật tử hay không Phật tử, dù họ có rời xa mái chùa bao lâu, chỉ cần bước chân của họ đặt trên vùng đất già lam thanh tịnh, tôi sẽ mỉm cười hoan hỷ và cầu nguyện cho họ có được những giờ phút yên bình dưới mái chùa im mát. Từ đó, Tôi luôn vui vẻ khi nhìn một chiếc áo lam hay tất cả những chiếc áo màu khác đến chùa. Tôi đã giải thoát phần nào tâm lượng hẹp hòi của mình. Bài học này, Áo Lam đã dạy cho tôi.

Tôi hy vọng sẽ không có ai mắc phải sai lầm như tôi, một sai lầm khiến nhiều thanh thiếu niên không có cơ hội đến chùa để học hỏi giáo lý và chuyển hóa khổ đau. Xin đừng xa lánh một Đoàn sinh nào cả, dù Đoàn sinh đó có sai phạm đến đâu, ta phải luôn đem tấm lòng hiểu, thương mà đối xử. Hãy rót cái nhìn dịu hiền từ đôi mắt hướng về Đoàn sinh ấy, hãy mỉm cười nhìn các em đó như ánh mắt và nụ cười mà Đức Phật luôn nhìn chúng ta. Là con Phật, ta sẽ làm được điều này. Bởi lẽ, Áo Lam Giải Thoát ta luôn khoác trên người, bởi lẽ Giải Thoát là lí tưởng cao nhất của cuộc đời người Phật tử. Áo lam sẽ giải thoát cho ta như Thế Tôn giải thoát cho mọi loài. Hãy sống đúng với tư cách của người con Phật, sống không hổ thẹn với Áo Lam Giải Thoát, sống vững chãi với tất cả sự đời. Hãy trân quý, kính trọng Áo Lam như trân quý, kính trọng một Đức Phật. Vì Áo Lam… chính là… một hóa thân của Đức Thế Tôn!

Từ Nghiêm, 15 tháng 6 năm 2010.
Nguyên Nhuận – Thích Nhuận Thọ