Friday, November 5, 2010

Đàn bà và cõi Phật




Quốc vô nữ nhân nguyện, cõi không có đàn bà - đây là một trong 48 đại nguyện của Đức Phật A Di Đà mà tông phái Tịnh Độ lấy làm cơ sở lý luận. Nếu căn cứ vào ngôn ngữ thì cõi Phật A Di Đà không tiếp nhận chúng sanh mang thân nữ nhập giới. Tuy nhiên, nhiều Phật tử vẫn không nhận ra hoặc không muốn phân tích rõ những đại nguyện này.

Xưa nay, tôi có tìm hiểu giáo lý nhà Phật và có nghe lóng óng rằng cõi tịnh độ của nhà Phật không cho đàn bà nhập giới. Chúng sanh từ Người lên Phật muốn siêu thăng đến Quốc độ này thì phải đầu thai sang làm kiếp đàn ông trước. Kinh sách cũng coi kiếp đàn bà là một sự đọa đày thân xác.

Nói chung lại nếu trích dẫn từng câu từng chữ thì phải nói đạo Phật có tính trọng nam khinh nữ rất cao. Tôi không phải là người tranh đấu cho nam nữ bình quyền về mặt tâm linh cho nên cảm thấy thú vị về đặc điểm này quá xá. Thương các chị em lắm cơ. Tôi cũng không có vị trí thần thông nào để gởi thư kiến nghị lên cõi Phật xin thay đổi luật lệ cho phù hợp với đời sống hiện nay. Nhưng xét cho cùng, là người theo đạo Phật ai cũng phải tin là mình sẽ thành Phật nhưng phải trải qua đời đời kiếp kiếp tu trì pháp huệ song tu, thiền tịnh hợp nhất mới đắc chính quả.


Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô A Di Đà Phật, ...
Nguồn: club.fjdh.com
Vấn đề là phải chạy đua với thời gian như thế nào thôi, tu mau để thành Phật hay tu bằng quá trình thì mới hiệu quả. Tính ra, nếu ai cũng sẽ thành Phật nhưng mà chạy gấp quá thì đâm ra cảnh tượng “dục tốc bất đạt” như chơi.

Không lên trước thì lên sau mong tín nữ đừng lo. Chỉ cần chấp nhận tiền đề là phải lìa thế gian trong thể xác của người đàn ông chính là tiêu chuẩn số một. Há há!!!

Sau khi đọc bài này, chắc là các chị em phải tính sang chuyện tu sao để chuyển hóa làm nam thân trước đã rồi đong đưa tiếp tục vì nấc thang cuối cùng tới ngưỡng cửa Cực Lạc dứt khoát phải có nam căn (Yếm Nữ Chuyển Nam Nguyên, đại nguyện thứ 23). Không thể có thể chế quá độ kiểu lên thẳng thiên đàng hay niết bàn. (Tôi sẽ chứng minh kinh văn này ở phần dưới. Phải nói là hết sức hấp dẫn và phi phàm.)

Vấn đề này hơi cá nhân một tí. Tôi đã từng theo hỏi nhiều cư sĩ thì có một bác cùng quê gốc Quảng Trị trong ban hộ niệm của gia đình Phật tử hơi ngạc nhiên, “Té rứa hờ, không biết nơi tề”. Xong bác lại cười hớ hớ tỏ vẻ thích thú về thân phận nam nhân cao quý của bác ấy. “Đàn ông tu xong thành Phật, mấy mụ tu xong thành miềng!!! Hớ hớ”. Cái bác này thật là vô tư và hạnh phúc nhìn có vẻ rất là khai ngộ không cần ngụy biện này nọ.

Tôi cũng hỏi thêm một bác trong ban trị sự của một ngôi chùa về việc cõi A Di Đà không tiếp nhận nữ nhân. Bác này thâm trầm hơn nói là có biết nhưng bảo là không nên nói ra như thế sẽ hoang mang cho tín nữ lắm. “Tu hành là một quá trình nhiều đời nhiều kiếp. Chấp nhặt hình tướng trong một đời ngắn ngủi này mà làm chi, lo tu đi!” Bác ấy khuyên dụ như thế.


Tuy nhiên tu kiểu “mì ăn liền” sẽ không thành Phật
Nói chung ở chỗ thân tình thì ai cũng xuề xoà nhưng vào các diễn đàn Phật Học trên cõi internet mà hỏi câu này thế nào cũng bị các thiện nam tín nữ đồng đạo coi là thứ vô minh, đồ dở hơi. Nếu quyết liệt hỏi tới thì chắc chắn là không nhận được câu trả lời thoả đáng mà còn bị các vị chủ trì ấy khiển trách rồi đem trí huệ và lòng từ bi A Di Đà Phật ra, rất là bao đồng làm tắt ngúm mọi cố gắng tranh luận nghiêm túc về mặt tôn giáo luận. Thường các vị ấy là cư sĩ tại gia nhưng hăng say hộ pháp hơn là các thầy.

Tuy nhiên các vị ấy có khi cũng biểu đạt Phật Pháp theo chánh tín rất đàng hoàng và nghiêm chỉnh (niềm tin + con tim + trí tuệ). Thế mà trước câu hỏi thử hơi đánh đố trí huệ một tí là bị niệm danh hiệu A Di Đà Phật ám thị ngay, chắc là để khỏi phải trả lời theo lý luận. Các vị có ý muốn tiễn khách sớm làm người muốn truy tìm chân lý hết sức trân trối. Tình đồng đạo thiếu đường mất hẳn. Đó là kinh nghiệm của tôi khi hỏi các vấn đề này với các nhà Tịnh Độ trên mạng.

Nhưng đa số các Phật Tử thuần thành Nam giới, nói chung, rất là vừa hời hợt vừa hiếu kỳ với sự tìm tòi này.

Thế là sau một thời gian tổng hợp kinh sách, bằng chữ Hán đàng hoàng, tôi cũng đã tìm ra được bằng chứng kinh văn rất quan trọng có thể thay đổi cả nhận thức tu trì của các tín nữ vốn có niềm tin tưởng là sẽ được về Tây Phương Cực Lạc mà không trải qua thêm một kiếp làm đàn ông cuối cùng.

Tôi cũng chắc cú mà kết luận rằng không phải là người có nam căn thì hãy quên đi việc về Tây Phương Cực Lạc trong kiếp này. Những bậc tu trì ở đức độ cao còn phải tuân theo đại nguyện nữa là. Tu trì làng nhàng đi chùa cuối tuần với cao vọng lên ngay cõi A Di Đà với thân nữ sắc chắc là bị đuổi xuống ngay từ tầng bốn. Còn có ý không phục mà viện dẫn này nọ coi chừng lại luân hồi như đạp xe đạp thêm mấy vòng quanh sân vận động vì cái nghiệp hóng hớt đòi đi tắt đón đầu; tức là đòi tức khắc khai ngộ, đòi quá độ để sớm lên thiên đàng à. Không được đâu.

Nhiều tăng nhân Tịnh Độ khi giảng kinh A Di Đà không chịu nói ra hoặc lờ đặc điểm 48 đại nguyện này với nữ thí chủ mà chỉ bắt trì Tín Nguyện Hạnh một cách hết sức trân trối. Có lẽ một phần ngại rằng phụ nữ sẽ không vui, thất vọng, để rồi không chịu dốc lòng tu tập để chuyển kiếp thành nam nhân. Nhưng cũng không ngoại trừ các ngài có dụng ý che đậy kinh văn để thu hút thêm nữ Phật tử. Nghi quá!

Tới đây, tôi cũng xin tổng sơ qua về Pháp môn Tịnh Độ mà tiếng Hán gọi là Tịnh Thổ Tông (淨土宗) hiện nay rất phổ biến - tiếng Anh gọi Pure Land Buddhism (Tiếng Anh dịch sát hơn nhỉ). Tông phái này lấy bổn nguyện của Đức Phật A Di Đà làm giáo chủ của quốc độ của Ngài. Người theo pháp môn này không cần suy tư kinh điển cao siêu gì cả mà chỉ cần niệm A Di Đà Phật muồi muội cho đến tận linh hồn là đạt. Khi tạ từ thế gian sẽ được Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn về Tây Phương Cực Lạc.

Chính ra Pháp Môn này là một trong mười tông phái của “Hán truyền Phật Giáo” (漢傳佛教十宗之一 ) rất đặc sắc theo văn hóa bản địa Trung Quốc được phát triển mạnh từ thế kỷ thứ 12 trở đi. Vào lúc sơ thời cao điểm vào thời Đường thì có gặp phải nhiều đối kháng từ các tông phái khác như Thiền Tông hoặc Thiên Thai Tông ở Trung Quốc.

Đạo Phật ở nước ta cũng chính là đạo Phật đúc khuôn chế biến từ văn hóa Trung Quốc xa rời Phật Tổ từ Ấn Độ cả hàng chục cây số. Phật A Di Đà phải tìm kinh văn mới thấy. Nhưng trắng trợn nhất là Quán Tự Tại Bồ Tát từ Nam tướng biến thành Phật Bà Quan Âm. Ai chuẩn những biến hình biến tướng này, chắc là các sư bên China cổ đại rồi. Nhưng chuyện này được cái là quá lâu đời nay Phật Bà cũng đã trở thành ấn tượng tâm linh thuần khiết. Không ai truy cứu nữa.


Quán Tự Tại Bồ Tát từ Nam tướng biến thành Phật Bà Quan Âm
Nguồn: OntheNet
Duy chỉ có khác là vào thời nhà Thanh, cung đình theo Phật Giáo Lạt Ma truy tìm căn nguyên của “cuộc chết” rất có sức thu hút về văn hóa huyền bí của Tây Tạng (còn gọi là Tạng Truyền Phật Giáo). Lạt Ma Phật Giáo không đến Việt Nam. Tuy nhiên gần đây, Phật Giáo Mật Tông Tây Tạng có sức thu hút rất lớn trong cộng đồng Phật tử Việt Nam mặc dù pháp môn và tạng luận có sự khác nhau về mục đích về sứ mệnh luân hồi.

Tăng sĩ Phật Giáo Tây Tạng, Mông Cổ kể cả đức Đạt Lai Lạt Ma đều ăn thịt được như phàm phu mà không bị chỉ trích phạm nghiệp sát sanh. Chỉ còn hệ Phật Giáo Trung Quốc (Hán truyền Phật Giáo) phát triển tương đối cực đoan theo chế độ tiết dục chay tịnh ức chế bản năng con người rất là dứt khoát, âu cũng là đặc điểm của Hán văn hóa. Tăng sĩ Nhật Bản còn được lấy vợ sinh con bình thường.

Vậy là đã rõ Tịnh Độ Tông đã được văn hóa Hán ức - chế - biến và nấu thành từ trong trứng nước dùng danh hiệu của Đức Phật A Di Đà và 48 đại nguyện từ Ấn Độ làm cơ sở lý luận nhưng chế thêm vào để phảng phất thêm chút rau mùi Khổng giáo, đặc sắc lắm!

Gần đây, văn hóa Tịnh Độ có khi còn pha phách nhấn mạnh thêm những cốt cách phong thần diễn nghĩa của Trung Quốc tạo cả hình ảnh “địa ngục biến tướng đồ” nhìn rất là dễ sợ có tính răn đe trừng phạt cao để đối xứng với cảnh giới Cực Lạc của cõi Phật A Di Đà.


Địa ngục là đây
Nguồn: phathoc.net
Khác với Thiền Tông còn có chút triết lý vô cực mang mang, biên tình giao thoa giữa tự do và do dự, Tịnh Độ tông có giá trị “tẩy não” rất kinh điển vì chỉ cần tập trung niệm Phật cho tới nhập tâm là được. Nhưng làm sao cho nhập tâm lại là chuyện khác. Do đó người theo Tịnh Độ phải có lòng tin (Tín, Nguyện, Hạnh) niệm Nam Mô A Di Đà Phật phải hai tư trên hai tư (24/24) trong mọi hoàn cảnh trừ lúc phải làm nhiệm vụ nhân sinh phóng uế và bài tiết.

Cũng nói thêm, Niết Bàn của Phật Giáo quá mông lung không ai nghĩ bàn được. Đó là sự tĩnh lặng giữa hai nốt nhạc, đó là cảnh tịnh lặng vi ba cho tới vô bờ. Bất khả tư nghị. Trong lúc đó cảnh giới của Phật A Di Đà trong kinh sách miêu tả thì có phong cảnh màu sắc âm thanh ánh sáng đàng hoàng dễ tạo linh cảm thu hút hơn về một cảnh giới thiên đường.

“Cõi nước Cực Lạc có ao bảy báu, nước tám công đức tràn đầy trong đó. Ðáy ao toàn trải cát bằng vàng. Thềm đường bốn phía do vàng, bạc, lưu ly, pha lê hợp thành. Bên trên có lầu có các, cũng dùng đủ loại vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não để trang sức. Hoa sen trong ao lớn như bánh xe, màu xanh có ánh sáng xanh, màu vàng có ánh sáng vàng, màu đỏ có ánh sáng đỏ, màu trắng có ánh sánh trắng, thơm ngát vi diệu.” Trích Kinh A Di Đà.

Đây cũng chính là Tông Phái dành cho cho giới phàm phu bình dị thích thưởng thích phạt chứ luận Niết Bàn làm sao họ hiểu.

Nhưng cõi A Di Đà cũng chưa phải là Niết Bàn mà chỉ là tiền trạm vì lên đó mới tu tiếp tục để thành Phật.

Thế rồi 48 đại nguyện của Phật A Di Đà là gì! Tôi truy nguyên văn bằng chữ Hán, rất là nói có sách mách có chứng. Mấy đoạn này, kinh văn Việt Nam dịch ra rất là lộn xộn, chắc là dịch từ uyển ngữ Hán Phạn rồi, che lấp những chỗ quan trọng, không nói thẳng ra mà nói vòng vòng không ai hiểu rõ.

Qua đó cho thấy rằng điều thứ 22: Quốc Vô Nữ Nhân Nguyện(國無女人願), nghĩa là nguyện quốc độ này của Phật A Di Đà không có phụ nữ và điều thứ 23: Yếm Nữ Chuyển Nam Nguyện (厭女轉男願) nghĩa là nguyện cho phải chán là thân nữ phải chuyển thành thân Nam. Ý chỉ như thế này là rất dứt khoát rồi còn gì!

Bằng chứng quá rõ ràng: Đàn bà không tới được cõi này mà phải chuyển qua là thân Nam giới trước.

Nhưng chưa hết, tới đây có vị cư sĩ vẫn còn cố cãi chày cãi cối rằng cõi A Di Đà là trung lập về giới tính không còn phân biệt thân Nam thân Nữ. Quy phạm nội hàm này của Nam nhân là trung tính thanh tịnh, thân hình trong suốt. Không đúng như thế. Các điều nguyện khác còn tả luôn cả thực phẩm, y phục. Trong suốt chỗ nào? Nhưng thú vị nhất là hãy xem lại điều thứ Tư (Tam thập nhị tướng nguyện) 三十二相願 của 48 đại nguyện có nghĩa là trên cõi ấy người người đều có 32 tướng tốt.

Ngoài các tướng về mắt tai mũi lưỡi ra, tướng thứ mười của trong 32 tướng tốt chính là Mã Âm Tàng. Đây chính là đặc điểm quyết định của Nam căn trong các thân thái thể sắc được miêu tả trên cõi trời ấy.

Mã Âm Tàng có nghĩa là quý tướng của chiếc dương vật được áp sát vào bụng như của loài tuấn mã (dùng chữ ngựa nghe không được thanh thoát cho lắm). Mã Âm Tàng coi là một trong những tướng đẹp trong thể hình nam nhân của văn minh Ấn Độ và cả Lão Giáo của Trung Quốc sau này. Ngay cả thần thái của Phật Thích Ca Mâu Ni cũng được miêu tả bằng nội hàm Tam Thập Nhị Tướng.

Không còn nghi ngờ gì nữa, cảnh giới này được nói rất rõ ràng thánh chúng trên ấy dứt khoát là đàn ông. Tuyệt đối không có đàn bà. Thân thể của thánh chúng ở cõi đấy có sinh thực khí nam căn thực chất không ai được quyền diễn giải khác đi.

Nếu dùng ngôn ngữ hiện đại để diễn đạt, (mặc dù theo kinh sách không nên như thế) thì 48 đại nguyện được tóm tắt như sau: không ác độc, không thú vật, đẹp giai, thông minh, giỏi giang, linh hoạt, từ bi, chiều sâu, cảm tình, giúp nhau, áo quần... thời trang, thức ăn trước miệng, muốn gì được nấy, nhưng không có phụ nữ khiêu động chân tình (hế hế).

Nếu các bạn đọc kinh A Di Đà sẽ thấy diễn tả cảnh giới này có đủ âm thanh màu sắc ánh sáng còn đẹp hơn là ánh sáng đêm qua và không gian hòa nhạc. Trong thế giới ấy chúng sinh được sinh ra từ cửu phẩm liên hoa chứ không phải là âm dương phối hợp cho nên không cần đàn bà phụ nữ.

Nhưng tôi vẫn băn khoăn là tại sao phụ nữ rất dễ sùng Tịnh Độ thuyết giảng vanh vách mà đàn ông thì chuộng đạo Hồi cầu nguyện suốt ngày. Tuy nhiên thiên đường của đạo Hồi thì có trinh nữ chờ đợi. Trong lúc đó cảnh giới cực lạc của Phật giáo thì chỉ có đàn ông đẹp trai tài giỏi nhưng phụ nữ lại bị loại ở vòng ngoài gởi xe.


Đường lên cõi niết bàn toàn voi, khỉ với đàn ông
Nguồn: Thangka painting from Dharmapala Thangka Centre
Vài trang bàn luận về tôn giáo. Tịnh Độ Tông ơi! lên trên đó không biết có chán không nhỉ vì toàn đàn ông.

Mật Tông! Mật Tông….





一、三十二相
又名三十二 大人相,一足安平,二足千辐轮,三手指纤长,四手足柔软,五手足缦网,六足跟圆满,七足趺高好,八痫如鹿王,九手长过膝,十马阴藏,十一身纵广,十二毛孔 青色,十三身毛上靡,十四身金光,十五常光一丈,十六皮肤细滑,十七七处平满,十八两腋满,十九身如师子,二十身端正,二十一肩圆满,二十二口四十齿,二 十三齿白齐密,二十四四牙白净,二十五颊车如师子,二十六咽中津液得上味,二十七广长舌,二十八梵音清远,二十九眼色绀青,三十睫如牛王,三十一眉间白 毫,三十二顶成肉髻。

48 đại nguyện của Phật A Di Đà:
1. 國無惡道願 (Quốc vô ác đạo nguyện)
2. 不墮惡趣願 (Bất đọa ác thú nguyện)
3. 身悉金色願 (Thân tất kim sắc nguyện)
4. 三十二相願 (Tam thập nhị tướng nguyện)
5. 身無差別願 (Thân vô sai biệt nguyện)
6. 宿命通願 (Túc mệnh thông nguyện)
7. 天眼通願 (Thiên nhãn thông nguyện)
8. 天耳通願 (Thiên nhĩ thông nguyện)
9. 他心通願 (Tha tâm thông nguyện)
10. 神足通願 (Thần túc thông nguyện)
11. 遍供諸佛願 (Biến cúng chư phật nguyện)
12. 定成正覺願 (Định thành chính giác nguyện)
13. 光明無量願 (Quang minh vô lượng nguyện)
14. 觸光安樂願 (Xúc quang an lạc nguyện)
15. 壽命無量願 (Thọ mệnh vô lượng nguyện)
16. 聲聞無數願 (Thanh văn vô số nguyện)
17. 諸佛稱嘆願 (Chư phật xưng thán nguyện)
18. 十念必生願 (Thập niệm tất sanh nguyện)
19. 聞名發心願 (Văn danh phát tâm nguyện)
20. 臨終接引願 (Lâm chung tiếp dẫn nguyện)
21. 悔過得生願 (Hối quá đắc sanh nguyện)
22. 國無女人願 (Quốc vô nữ nhân nguyện)
23. 厭女轉男願 (Yếm nữ chuyển nam nguyện)

24. 蓮華化身願 (Liên hoa hóa thân nguyện)
25. 天人禮敬願 (Thiên nhân lễ kính nguyện)
26. 聞名得福願 (Văn danh đắc phúc nguyện)
27. 修殊勝行願 (Tu thù thắng hành nguyện)
28. 國無不善願 (Quốc vô bất thiện nguyện)
29. 住正定聚願 (Trụ chính định tụ nguyện)
30. 樂如漏盡願 (Lạc như lậu tận nguyện)
31. 不貪計身願 (Bất tham kế thân nguyện)
32. 那羅延身願 (Na la diên thân nguyện)
33. 光明慧辯願 (Quang minh tuệ biện nguyện)
34. 善談法要願 (Thiện đàm pháp yếu nguyện)
35. 一生補處願 (Nhất sinh bổ xứ nguyện)
36. 教化隨意願 (Giáo hóa tùy ý nguyện)
37. 衣食自至願 (Y thực tự chí nguyện)
38. 應念受供願 (Ứng niệm thụ cúng nguyện)
39. 莊嚴無盡願 (Trang nghiêm vô tận nguyện)
40. 無量色樹願 (Vô lượng sắc thụ nguyện)
41. 樹現佛剎願 (Thụ hiện Phật sát nguyện)
42. 徹照十方願 (Triệt chiếu thập phương nguyện)
43. 寶香普熏願 (Bảo hương phổ huân nguyện)
44. 普等三昧願 (Phổ đẳng tam muội nguyện)
45. 定中供佛願 (Định trung cung Phật nguyện)
46. 獲陀羅尼願 (Hoạch đà la ni nguyện)
47. 聞名得忍願 (Văn danh đắc nhẫn nguyện)
48. 現證不退願 (Hiện chứng bất thoái nguyện)

No comments: