Sunday, November 28, 2010

Phần 2-44 PHẬT PHÁP - NHỮNG VẤN-ĐỀ CỦA KIẾP NHÂN SINH.

Đức Phật và Phật Pháp
(The Buddha and His Teachings)
Hòa thượng Narada, 1980
Dịch-giả Phạm-Kim-Khánh, 1998


Con người là ai? Từ đâu đến? Đi về đâu? Tại sao? Mục tiêu là gì?

Đó là vài thắc mắc quan trọng thường làm bận tâm toàn thể nhân loại.

Chúng ta hãy tuần tự nghiên cứu, khởi đầu bằng cách khảo sát những gì tự nó biểu hiện hiển nhiên, mọi người đều có thể nhận ra.

1. Con người là gì?

Con người có một cơ thể vật chất mà giác quan của chúng ta có thể cảm nhận trực tiếp hay xuyên qua những dụng cụ. Cơ thể vật chất này bao gồm những năng lực và những tính chất luôn luôn biến chuyển.

Nhà khoa học nhận thấy khó mà định nghĩa vật chất là gì? Vài triết gia giải rằng: "Vật chất là cái gì trong đó có những biến đổi liên tục diễn tiến gọi là di động, và di động là những biến chuyển ấy, xảy diễn bên trong vật chất." [1]

Danh từ Pali gọi vật chất là "Rupa", Sắc. Sắc được giải thích là cái gì biến đổi và hư hoại. Sắc hay vật chất cũng được giải thích là cái gì tự mình biểu hiện thành hình.

Theo Phật Giáo, vật chất được cấu thành do bốn nguyên tố căn bản là: Pathavi (Đất), Apo (Nước), Tejo (Lửa) và Vayo (Gió).

Pathavi (Đất), là nguyên tố có đặc tính duỗi ra, nền tảng của vật chất. Nếu không có nguyên tố Đất, vật thể không thể chiếm không gian. Tính chất cứng hay mềm chỉ là hai điều kiện tương đối của nguyên tố Đất. Nguyên tố Đất luôn luôn hiện hữu trong đất, nước, lửa và không khí. Thí dụ như nước ở lớp dưới nâng đỡ nước ở lớp trên. Chính nguyên tố Đất có đặc tính duỗi ra hợp với nguyên tố Gió có đặc tính di động, đã tạo áp lực hướng lên trên và do đó nâng đỡ lớp nước ở phần trên. Nước nóng hay lạnh là do nguyên tố Lửa (Tejo). Thể lỏng của nước do nguyên tố Nước (Apo).

Apo (Nước) là nguyên tố có đặc tính kết hợp lại và làm dính liền. Không giống như đối với nguyên tố Đất, ta không thể cảm giác nguyên tố Nước (Apo) bằng xúc giác, tức không thể hay biết nó được bằng cách sờ đụng. Đây là nguyên tố có đặc tính kết hợp lại, làm dính liền nhau những phần tử rời rạc của vật chất và cho ta ý niệm vật thể.

Tejo (Lửa) là nguyên tố có đặc tính nóng. Lạnh cũng là một hình thức của Lửa (Tejo). Cả hai, nóng và lạnh, đều là đặc tính của Lửa, bởi vì cả hai đều có khả năng làm đổi thay, làm cho già, chín hay nói cách khác, tạo sinh lực cho vật thể. Một vật được duy trì gìn giữ lâu bền, hay bị hư hoại là do nguyên tố Lửa.

Vajo (Gió) là nguyên tố có đặc tính di động. Có sự chuyển động là do nơi nguyên tố này. Trạng thái di động được xem là năng lực hay nguyên động lực làm phát sanh hơi nóng. Di động và sức nóng trong lãnh vực vật chất cũng tương ứng với nhau gống như tâm và nghiệp trong phạm vi tinh thần.

Bốn năng lực hùng mạnh này tương quan với nhau mật thiết mà không thể tách rời lìa khỏi nhau. Nhưng trong một vật thể, thành phần này có thể trội hơn là thành phần khác. Như trong đất chẳng hạn, nguyên tố Đất trội hơn ba nguyên tố kia. Trong nước thì nguyên tố Nước trội hơn v.v...

Như vậy, Sắc (Rupa) bao gồm những năng lực và những tính chất trong trạng thái luôn luôn biến chuyển, không bao giờ tồn tại giống hệt trong hai khoảnh khắc kế tiếp. Theo Phật Giáo, Sắc (Rupa) chỉ tồn tại trong thời gian 17 chặp tư tưởng. [2]

Theo các nhà sinh vật học, vào lúc bà mẹ thọ thai, con người cbỉ thừa hưởng nơi cha mẹ một tế bào cực kỳ vi tế là một phần ba chục triệu (1/30.000.000) bề kính, của một phân Anh (inch). "Trong vòng chín tháng, đốm nhỏ cực vi này trở thành một khối sinh vật 15.000 triệu lần lớn hơn lúc ban sơ. [3]" Tế bào vật-lý-hóa này là nền tảng vật chất của con người. Theo Phật Giáo, nam tính hay nữ tính của một người được quyết định vào lúc mẹ thọ thai.

Phối hợp với phần vật chất (Sắc), trong guồng máy phức tạp của con người còn có một yếu tố quan trọng. Đó là cái Tâm. Cũng như có vài tác giả uyên thâm thích nói, rằng con người không phải là "Tâm cọng với Thân", hay "Danh và Sắc", mà là "Danh-Sắc", một sự phối hợp chặt chẽ giữa hai thành phần - vật chất và tâm linh. Các nhà khoa học nói rằng đời sống khởi sanh từ vật chất, và tâm (phát sanh) từ đời sống. Nhưng các vị này không cung ứng cho ta một giải thích thỏa đáng về lịch trình phát triển của tâm.

Không giống như cơ thể vật chất, tâm không có hình thể và ta không thể thấy. Mặc dù vậy ta có thể trực tiếp thọ cảm. Có hai câu nói của người thời xưa như sau:

"Tâm là gì? - Không có vật chất
Vật chất là gì? - Không bao giờ có tâm" [4]

Chúng ta hay biết những tư tưởng, những cảm giác v.v... bằng cách trực tiếp tri giác, và chúng ta suy luận rằng người khác cũng tri giác cùng một thế ấy.

Tiếng Pali có nhiều danh từ để chỉ cái Tâm, trong đó ba danh từ "mana", "citta" và "vinnana" là thông dụng nhất. Chúng ta hãy so sánh căn "man", có nghĩa suy tư, với chữ "man" trong tiếng Anh, có nghĩa con người, và Phạn ngữ "manussa", có nghĩa người đã có tâm thức được phát triển.

Trong Phật Giáo không có sự phân biệt giữa "tâm" (citta) và "thức" (vinnana). Hai danh từ này được sử dụng đồng nghĩa với nhau. Tâm chỉ giản dị được định nghĩa là "sự hay biết đối tượng", bởi vì không có một thực thể tác động, hay một linh hồn chỉ đạo tất cả những sinh hoạt tâm linh. Chỉ có những trạng thái tâm luôn luôn sanh rồi diệt, nhanh như chớp. Sông từ nguồn chảy ra biển cả. Trong dòng trôi chảy, sông tiếp nhận những luồng nước mới từ các rạch ngòi đổ vào. "Với sự sanh là nguồn và tử là cửa biển, tâm đều đặn trôi chảy như một dòng sông, không ngừng tiếp nhận những luồng nước khác nhau do các rạch ngòi giác quan cung ứng."

Mỗi chặp tư tưởng (sát na tâm) của dòng đời luôn luôn biến đổi này khi diệt, chuyển trao tất cả năng lực, tất cả những cảm xúc đã thâu nhận và không thể xóa bỏ, cho chập tư tưởng kế đến. Như vậy, mỗi chặp tư tưởng mới bao gồm những tiềm năng của chặp trước và thêm vào những gì khác. Vì tất cả những cảm xúc đã được ghi nhận vững chắc trong cái tâm luôn luôn biến đổi, và bởi vì tất cả những tiềm năng đều được chuyển trao từ kiếp sống này sang kiếp khác nên có người còn có thể nhớ lại tiền kiếp, hoặc một vài diễn biến của tiền kiếp, mặc dù cơ thể đã trải qua giai đoạn tạm thời hoại diệt. Nếu trí nhớ chỉ tùy thuộc vỏn vẹn nơi bộ óc, thì khi cân não hoại diệt cùng với cơ thể vật chất ắt không ai còn hồi nhớ gì.

Như điện lực, tâm có khả năng rất hùng mạnh, để xây dựng cũng như để tiêu diệt, như một khí giới bén cả hai bề, mà ta có thể xử dụng để làm điều phải hay điều quấy. Chỉ một tư tưởng phát sanh trong cái tâm vô hình này cũng có thể cứu vãn hay tiêu diệt thế gian. Một ý nghĩ có thể giúp an cư lạc nghiệp hay tàn phá toàn thể một quốc gia. Chính tâm tạo thiên đàng cho ta, cũng chính tâm tạo địa ngục cho ta.

Ouspenky viết:

"Về năng lực ngủ ngầm trong các hiện tượng tâm linh, chẳng hạn như trong những tư tưởng, những cảm giác, những ham muốn, chúng ta khám phá rằng tiềm năng của nó càng vô lượng vô biên hơn. Do kinh nghiệm bản thân, do công trình khảo sát, do những văn kiện lịch sử, chúng ta biết rằng những ý nghĩ, những cảm giác, những ham muốn, tự nó biểu hiện, có thể phóng thích vô năng lực và tạo nên chuỗi dài vô tận những hiện tượng. Một tư tởng có thể tác động trong nhiều thế kỷ, nhiều ngàn năm, chỉ tăng trưởng và ăn sâu thêm, không ngừng khơi dậy những hiện tượng mới, luôn luôn giải phóng những năng lực mới. Chúng ta biết rằng tư tưởng tiếp tục sống và tác động chí đến khi chánh danh tánh của người tạo ra nó đã biến thành nhân vật của thần thoại truyền kỳ, như tên tuổi của các vị đã sáng lập những tôn giáo cổ xưa, những thi gia thời cổ đã làm ra những vần thơ bất hủ, các đấng anh hùng, những bậc lãnh đạo và những nhà tiên tri. Lời nói của các vị này vẫn còn được vô số những cặp môi lặp đi nhắc lại và vẫn còn được chúng ta học hỏi và luận bình.

"Mỗi tư tưởng của một nhà thơ chắc chắn chứa đựng tiềm năng vô cùng trọng đại - như năng lực tiềm ẩn trong một cục than đá hay một tế bào sống - nhưng cũng vô cùng vi tế, không thể cân lường, nhưng thật sự hùng mạnh." -- (Ouspenky - "Tertium Organum", trang 125).

Chúng ta thử khảo sát tiềm năng chứa đựng trong những lời dạy có ý nghĩa sau đây của Đức Phật:

Manopubbangama dhamma - manosettha manomaya.
Tâm dẫn đầu hành động; tâm là chủ, và tất cả (hành động) đều do tâm tạo.

Theo Phật Giáo, tâm hay thức phát hiện ngay vào lúc được thọ thai, cùng một lúc với phần vật chất. Như vậy, thức vẫn có hiện hữu trong thai bào. Cái thức sơ khởi ấy mà kinh sách gọi là thức tái sanh, hay thức nối liền khởi sanh do nghiệp quá khứ của đương sự tạo duyên. Sự khác biệt tế nhị về tinh thần, trí thức và đạo đức giữa những người khác nhau của nhân loại là do cái thức được nghiệp quá khứ tạo duyên của mỗi người. Thức tái sanh là yếu tố thứ nhì của con người. Yếu tố thứ nhất là phần vật chất, do cha mẹ cung cấp.

Để cho đủ ba thành phần tạo nên con người, còn có yếu tố thứ ba, hiện tượng sống, tạo sinh lực cho cả hai, tâm và vật chất, hay Danh và Sắc. Do có sinh lực, thai mới trụ và có sự tái sanh. Sinh lực biểu hiện trong cả hai hiện tượng, vật chất và tâm linh. Danh từ Pali để chỉ hai hình thức sinh lực ấy là Namajivitindriya, Danh Sinh Lực và Rupajivitindriya, Sắc Sinh Lực, tức sức sống của tâm linh và sức sống của cơ thể vật chất.

Như vậy, vật chất, tâm và sinh lực là ba yếu tố khác biệt tạo nên con người. Với sự phối hợp của ba yếu tố này một năng lực gọi là con người được hình thành với những khả năng không thể quan niệm được. Con người tự tạo nên mình, cũng chính con người tự tiêu diệt lấy mình. Bên trong con người có một đống rác tật xấu và một kho tàng đức hạnh. Ta có thể tìm thấy trong con người bản chất sâu bọ, cầm thú, người, siêu nhân, trời, Phạm Thiên. Những khuynh hướng tội lỗi và những tâm tánh thánh thiện đều có ngủ ngầm trong đó. Con người có thể là một phước lành hay một tội khổ cho mình và cho kẻ khác. Trong thực tế, con người tự mình là cả một thế giới.

2. Từ Đâu Đến?

Là câu hỏi thứ nhì. Khởi thủy, con người phát sanh như thế nào?

Hoặc có một khởi điểm từ đó con người bắt đầu hiện hữu, hoặc không có khởi điểm. Những gì thuộc trường phái đầu chủ trương có một nguyên nhân đầu tiên, một năng lực của vũ trụ, hay một Thần Linh Vạn Năng. Trường phái thứ nhì phủ nhận một nguyên nhân đầu tiên bởi vì theo kinh nghiệm chung, nhân trở thành quả và quả trở thành nhân, trong một tiến trình mãi mãi liên tục. Trong vòng quanh nhân-quả, ta không thể quan niệm một khởi điểm. Theo luồng tư tưởng đầu thì có một khởi điểm. Luồng tư tưởng thứ nhì chủ trương không có. Theo nhận xét của vài người, quan niệm có một nguyên nhân đầu tiên cũng vô lý như quan niệm có hình tam giác mà tròn.

Theo quan điểm của khoa học, con người là sản phẩm tực tiếp của tinh trùng và minh châu do cha và mẹ cung ứng. Trong khi quả quyết, "Omne vivum ex vivo" - tất cả sự sống đều phát sanh từ sự sống - nhà khoa học cũng chủ trương rằng tâm và sự sống phát nguyên từ trạng thái không có sự sống.

Theo Phật Giáo, con người được sanh ra từ bào thai hành động (kammayoni, bào thai nghiệp). Cha mẹ chỉ cung ứng phần vật chất. Như vậy, chúng sanh đến trước chúng sanh. Vào lúc được thọ thai, chính nghiệp tạo duyên để thức đầu tiên làm nguồn sống cho thai bào. Chính nghiệp lực vô hình phát sanh từ kiếp sống quá khứ tạo những hiện tượng "tâm linh" và hiện tượng "sinh lực" trong hiện tượng "vật chất" sẵn có, hội đủ ba yếu tố (tam nguyên) cấu thành con người.

Đề cập đến vấn đề thọ thai của chúng sanh, Đức Phật tuyên ngôn:

"Nơi nào có đủ ba yếu tố phối hợp là mầm sống bắt đầu. Nếu cha và mẹ gặp nhau mà không nhằm thời kỳ thọ thai của mẹ và không có một chủng tử (gandhabba), thì không có mầm sống. Nếu cha mẹ gặp nhau vào thời kỳ thọ thai của mẹ mà không có một chủng tử hiện hữu, thì cũng không có mầm sống. Nếu cha và mẹ gặp nhau vào thời kỳ thọ thai của mẹ và có một chủng tử hiện hữu, chừng ấy, do sự phối hợp của ba yếu tố, sự sống bắt đầu."

Nơi đây danh từ "gandhabba", được phiên dịch là chủng tử, là một chúng sanh sẵn sàng được sanh vào bào thai, chỉ dùng trong trường hợp riêng biệt này. Ta không nên lầm lẫn với một linh hồn trường cửu.

Cho đặng có một chúng sanh được thọ thaiở nơi này phải có một chúng sanh chết ở một nơi nào khác. Cái sanh của một chúng sanh trong hiện tại tương ứng với cái chết của một chúng sanh trong kiếp vừa qua; cũng giống như thông thường ta nói rằng mặt trời mọc ở một nơi có nghĩa là mặt trời lặn ở một nơi khác.

Đức Phật dạy rằng: "Một khởi điểm đầu tiên của chúng sanh - vốn bị che lấp mù mịt trong vô minh, bị trói bộc chặt chẽ trong ái dục, và triền miên lang thang bất định - quả thật không thể quan niệm."

Dòng đời trôi chảy vô cùng tận ngày nào còn tiếp nhận bùn nhơ nước đục của vô minh và ái dục. Chỉ khi nào chặn đứng được hai luồng rạch ngòi ô nhiễm này, đời sống mới ngừng trôi chảy, hiện tượng tái sanh mới không còn xảy diễn, như trường hợp chư Phật và chư vị A La Hán. Trong khi còn mang nặng vô minh và ái dục ta không thể nhận thức khởi điểm cùng tột của dòng đời. Đức Phật chỉ đề cập đến như "khởi thủy dòng đời" của chúng sanh. Hãy để cho các nhà khoa học suy cứu về vấn đề này.

3. Đi về đâu?

Là câu hỏi thứ ba. Từ đây rồi con người sẽ đi về đâu?

Theo chủ thuyết vật chất của thời xưa - mà danh từ Pali và Sanskrit đều gọi là Lokayata - con người hoàn toàn tuyệt diệt sau khi chết, bỏ lại sau lưng bất luận năng lực nào phát nguyên trong đời sống.

"Con người do bốn nguyên tố cấu thành. Khi chết rồi thì nguyên tố Đất trở về và tan biến trong lòng đất; nguyên tố Nước trở về với nước; nguyên tố Lửa trở về với lửa và nguyên tố Gió trở về hòa tan trong không khí; giác quan tan biến trong không gian. Người trí cũng như kẻ ngu, một khi thể xác tan rã thì tất cả chấm dứt, hoại diệt, không còn tồn tại nữa. Không có thế gian nào khác. Cái chết là mức tận cùng của tất cả. Chỉ có thế gian hiện tại là thật có. Cái được gọi là thiên đàng trường cửu và địa ngục là những phát minh của hạng người gian manh mong vụ lợi." [5]

Người sống theo chủ thuyết duy vật chỉ tin những gì mà giác quan có thể cảm nhận. Do đó, chỉ có vật chất là thực tại. Nguyên tắc cùng tột là Tứ Đại: Đất, Nước, Lửa, Gió, và từ đó đời sống tâm linh nhảy vọt ra một cách bí ẩn, giống như ông thần xuất hiện khi Aladin chà tay trên cây đèn. Não tiết ra tư tưởng giống như gan tiết ra mật.

Dưới cái nhìn của con người duy vật, tin có một thế giới khác "là giấu hiệu của sự giả dối ươn hèn của người có tính đàn bà, yếu ớt, hèn nhác và bất lương", như ngài Radhakrishna tuyên bố.

Theo Cơ Đốc Giáo, con người không có dĩ vãng. Hiện tại chỉ là thời gian chuẩn bị để tiến đến hoặc thiên đàng vĩnh cửu, hoặc địa ngục trường tồn. Dù xem đó là hai nơi chốn hay hai trạng thái trong tương lai, con người sẽ hưởng lạc thú vô cùng tận trên thiên đàng, hoặc vĩnh viễn phải chịu đau khổ dưới địa ngục. Vậy sau khi chết, con người không tuyệt diệt mà phần tinh túy sẽ vĩnh cửu trường tồn.

Schopenhaeur nói:

"Bất cứ ai tự xem mình được sanh ra từ hư không cũng phải nghĩ rằng mình sẽ trở lại thành hư không; hoặc nữa, cho rằng trước khi có mình đã có một quá khứ vô tận, rồi một thời gian vô tận thứ nhì lại bắt đầu, và xuyên qua thời gian ấy, ta không bao giờ ngừng sống. Thật là một ý nghĩ quái dị."

Tín đồ Ấn Độ Giáo tin có quá khứ và hiện tại, và không chủ trương rằng sau khi chết con người sẽ hoàn toàn tiêu diệt. Họ cũng không cho rằng con người sẽ vĩnh cửu trường tồn. Họ tin có một chuỗi dài những kiếp sống quá khứ và vị lai. Theo họ, luồng sống của con người chảy trôi vô cùng tận ngày nào mà nghiệp lực, tức năng lực của hành động còn đủ sức đưa đẩy. Vào đúng lúc, tinh hoa của con người có thể nhập trở vào Thực Tại Cùng Tột (Paramatma), cái Đại Hồn mà từ đó linh hồn đã phát xuất.

Phật Giáo tin có hiện tại, rồi căn cứ trên hiện tại, suy diễn rằng có quá khứ và vị lai. Cũng như ánh sáng điện là sự biểu hiện ra bên ngoài của luồng điện lực vô hình, cùng thế ấy, con người chỉ là sự biểu hiện ra ngoài của năng lực vô hình gọi là Nghiệp - Kamma. Bóng đèn điện có thể bể và ánh sáng có thể tắt, nhưng luồng điện vẫn còn và ánh sáng có thể trở lại khi gắn vào đó một cái bóng khác. Cũng dường thế ấy, luồng Nghiệp Lực vẫn trôi chảy như thường, không bị sự tan vỡ của cơ thể vật chất làm xáo trộn. Tâm thức của người lâm chung trong hiện tại chấm dứt và khi chấm dứt, tạo duyên cho một tâm thức mới phát sanh trong kiếp sống kế. Nơi đây luồng điện giống như luồng Nghiệp và cái bóng đèn mới có thể ví như tế bào trứng của cha mẹ.

Nghiệp quá khứ tạo điều kiện cho sự sanh trong hiện tại, và Nghiệp hiện tại, phối hợp với Nghiệp quá khứ, tạo điều kiện cho kiếp sống tương lai. Hiện tại là con đẻ của quá khứ, rồi đến lượt mình, trở thành cha mẹ của vị lai.

Như vậy, chết không phải là hoàn toàn tuyệt diệt, bởi vì mặc dù không phải kiếp sống này chấm dứt, cái năng lực tạo sự sống cho nó không bị tiêu diệt. Sau khi chết, dòng sinh lực của con người tiếp tục trôi chảy vô cùng tận, ngày nào mà những luồng nước vô minh và ái dục còn được cung cấp để dưỡng nuôi nó. Theo ngôn ngữ chế định thông thường, chúng ta nói rằng con người không nhất thiết phải tái sanh lại làm người, bởi vì con người không phải là chúng sanh duy nhất. Hơn nữa, quả địa cầu, hầu như chỉ là một điểm nhỏ không đáng kể trong vũ trụ bao la, không phải là nơi chốn duy nhất mà chúng sanh có thể tái sanh vào.

Sau khi chết con người có thể tái sanh vào một cảnh giới khác. [6]

Nếu muốn chấm dứt chuỗi dài những kiếp sống triền miên, con người có thể làm như Đức Phật và chư vị A La Hán đã làm để chứng ngộ Niết Bàn, chấm dứt trọn vẹn mọi hình thức ái dục.

4. Con người đi về đâu?

Con người có thể đi bất cứ nơi nào mình muốn, bất luận nơi nào mình quyết chí đi nếu hội đủ điều kiện thích nghi. Nếu không đặc biệt có chú nguyện nào, con người sẽ lăn trôi theo con đường mà những diễn biến của cuộc đời đưa đẩy mình vào, và sẽ tái sanh vào trạng thái tương xứng với cái Nghiệp mình đã tạo.

5. Tại sao?

Là thắc mắc cuối cùng của chúng ta. Tại sao có con người? Cuộc sống này có mục tiêu gì?

Đây quả thật là một vấn đề đã được bàn thảo sôi nổi.

Quan điểm của người sống thiên về vật chất là thế nào? Nhà khoa học giải đáp:

"Đời sống có mục tiêu không? Là gì ở đâu hay lúc nào?
Từ không gian Vũ Trụ đến, Mặt Trời đến,
Quả Địa Cầu đến, Đời sống đến, Con Người đến, và còn nhiều nữa phải đến.
Nhưng còn mục tiêu: Của ai và từ đâu? Tại sao, không có gì cả."

Người sống theo chủ thuyết duy vật chỉ đơn thuần tự giới hạn mình trong những dữ kiện do giác quan cảm nhận và chỉ biết đời sống vật chất hiện tại, mà lờ đi những giá trị tinh thần. Lối nhìn của họ nghịch hẳn quan điểm của nhà đạo đức. Theo họ, không có ai tạo mục tiêu cho đời sống, và như vậy, đời sống không có mục tiêu.

Những người không có Thần Linh - người Phật tử nằm trong số này - không tin có một nhân vật tạo mục tiêu cho mình.

"Ai tô điểm màu sắc một cách tuyệt diệu cho con công, hay ai làm cho chim cú có tiếng gáy lảnh lót?" Đó là một trong những lý luận chánh của thuyết duy vật, cho rằng tất cả đều nằm trong trật tự thiên nhiên của sự vật.

"Hãy ăn uống và tận hưởng mọi lạc thú, bởi vì cái chết sẽ đến với tất cả, chấm dứt cuộc sống của chúng ta" hình như là đạo đức lý tưởng của hệ thống này. Theo quan niệm của họ, như ngài Sri Radhakrishna viết: "Đạo đức là ảo tưởng và hưởng thụ khoái lại là thực tại duy nhất. Chết là mức tận cùng của đời sống. Tôn giáo là một thác loạn điên cuồng, một chứng bệnh thần kinh. Có sự ngờ vực tất cả những gì tốt đẹp, cao cả, trong sạch và bi mẫn. Lý thuyết này chủ trương thỏa mãn dục vọng và lợi kỷ và hiển nhiên xác nhận ý chí tục tằn thô bỉ. Không cần phải kiểm soát khác vọng và bản năng, bởi vì đó là di sản của thiên nhiên mà con người thừa hưởng." [7]

Sarvadarsana Sangraha nói:

"Trong khi đời sống còn là của bạn, hãy thoả thích sống,
Không ai có thể thoát khỏi cặp mắt tìm tòi của Tử Thần;
Một khi chúng nó đã thiêu đốt cái xác này của ta,
Làm sao còn trở lại?
Trong khi còn sống đây con người hãy sống an vui,
Hãy ăn, uống sung sướng, dù có phải vay nợ." [7]

Bây giờ chúng ta hãy trở về với khoa học để tìm một giải đáp cho câu hỏi "Tại sao?".

Nên ghi nhận rằng "khoa học tìm hiểu sự vật, nghiên cứu học hỏi để biết sự vật là thế nào, trong khi tôn giáo thì tìm hiểu những lý tưởng, nghiên cứu học hỏi xem sự vật là thế nào."

Sir Arthur Thompson khẳng định rằng khoa học còn khiếm khuyết vì không thể giải đáp câu hỏi "Tại sao".

Đề cập đến Mục Tiêu của vũ trụ, Bertrand Russell nhắc đến ba loại quan điểm: quan điểm tin có Thượng Đế; quan điểm Phiếm Thần cho rằng trời là tất cả vũ trụ hay vạn vật, và tất cả vũ trụ là trời; và quan điểm thứ ba cho rằng sự vật nhô lên, xuất hiện một cách không thể đoán trước.

Ông viết:

"Quan điểm thứ nhất chủ trương rằng Thượng Đế tạo nên thế gian và ban hành những định luật thiên nhiên, bởi vì Ngài tiên đoán rằng vào đúng lúc, sẽ có gì tiến hoá tốt đẹp. Theo quan điểm này, mục tiêu đã sẵn có một cách rõ ràng trong tâm vị Thần Linh Tạo Hoá, vốn ở ngoài tạo vật của mình.

"Hình thức Phiếm Thần cho rằng trời là vũ trụ và tất cả là trời. Thượng Đế không ở ngoài vũ trụ mà chính là vũ trụ, xem như một toàn thể. Do đó, không thể có tác động sáng tạo mà chỉ có một loại năng lực sáng tạo trong vũ trụ. Năng lực này làm cho vũ trụ phát triển theo một kế hoạch. Ta có thể nói rằng xuyên qua suốt tiến trình, kế hoạch này luôn luôn đi đôi với năng lực sáng tạo.

"Trong hình thức thứ ba, mục tiêu càng mù mịt hơn. Vào một giai đoạn sơ khởi, không có gì trong vũ trụ thấy trước giai đoạn sau, mà có một năng lực mù quáng thúc đẩy đến những biến đổi, và biến đổi tạo nên những hình thức phát triển hơn. Do đó, trong một ý nghĩa mù mờ, đoạn cuối đã được hàm xúc ở đoạn đầu." [8]

Chúng ta không phê bình. Đây chỉ là quan điểm của những học giả chuyên khảo cứu về các tôn giáo và những tư tưởng gia trứ danh.

Dù có chăng một mục tiêu trong vũ trụ, dù sự hiện hữu của vũ trụ có nhằm mục tiêu nào không, vẫn có vấn đề được nêu ra về tính cách hữu dụng của các loài sán lãi, rắn rít, muỗi mòng, v.v... và sự hiện hữu của bệnh chó dại. Phải giải thích thế nào về vấn đề thiên tai? Những cuộc động đất, những trận bão lụt, những bệnh truyền nhiễm nguy hại có được trù hoạch trước không?

Diễn đạt quan điểm riêng của mình về Mục Tiêu Của Vũ Trụ, Russell mạnh mẽ tuyên bố:

"Dù thế nào, tại sao tán dương, tại sao ca ngợi con người? Còn sư tử, cọp hùm thì sao? Chúng nó sát hại sanh linh - thú và người - ít hơn là chúng ta mà lại còn đẹp đẽ hơn chúng ta. Còn loài kiến? Chúng nó quản trị một Đoàn Thể Quốc Gia còn tài tình hơn nhiều bất cứ người phát xít nào. Thế gian loài chim họa mi, chim sơn ca, loài nai, có phải chăng là tốt đẹp an bình hơn là thế gian tàn bạo, bất công và hiếu chiến của loài người? Những người tin mục tiêu của vũ trụ căn cứ niềm tin ấy nơi cái được giả tưởng là sự sáng suốt của chúng ta, nhưng những gì họ viết ra làm cho ta ngờ vực điều ấy.

"Nếu tôi là một đấng toàn năng, và tôi có được cả triệu năm để kinh nghiệm, ắt tôi không nghĩ rằng Con Người có gì nhiều để kiêu hãnh với thành quả cuối cùng của tất cả mọi nỗ lực của tôi."

Đối với các tôn giáo khác nhau thì mục tiêu của đời sống là gì?

Theo Ấn Độ Giáo, mục tiêu của đời sống là "đồng nhất thể với Bahma", hoặc "hườn nguyên, nhập trở vào Tinh Chất Thần Linh, cái Đại Hồn" mà từ đó linh hồn của con người được tách rời ra.

Theo Do Thái Giáo, Cơ Đốc Giáo và Hồi Giáo, mục tiêu của đời sống là "tôn vinh và làm vẻ vang Thượng Đế mãi mãi đời đời."

Một người thường trong bất luận tôn giáo nào có sẵn sàng từ bỏ kiếp sống ở trần gian mà họ khư khư bám chặt, để vĩnh viễn sống trong một thiên đàng cực kỳ an lạc không? -- Chưa chắc, quả thật vậy!

Bây giờ, Phật Giáo giải đáp thế nào câu hỏi: "Tại Sao?"

Phật Giáo phủ nhận một Thần Linh Tạo Hoá. Như vậy, theo quan điểm của Phật Giáo không thể có một mục tiêu của đời sống đã được định cho họ.

Phật Giáo không chủ trương có vận mạng, định mạng, hay tiền định bất di dịch đã được sắp xếp an bài, kiểm soát tương lai của con người ngoài ý muốn, và không tùy thuộc hành động của họ. Nếu tin vậy, tự do ý chí đã trở nên tuyệt đối là một chuyện khôi hài và đời sống trở thành thuần túy máy móc.

Phần lớn hành động của con người ít nhiều có tính cách tự động, hầu như máy móc vì đã chịu ảnh hưởng của thói quen, của môi trường sinh sống, của giới thân cận v.v...

Nhưng trong một giới hạn nào, con người cũng có thể xử dụng tự do ý chí. Khi người kia từ trên cao té xống vực sâu thì chỉ rơi như một hòn đá vô tri vô giác. Dù có tâm chớ không phải như đá, người kia vẫn không thể xử dụng tự do ý chí của mình. Nhưng lúc trèo lên cao, chắc chắn là anh có đủ tự do ý chí - quyết định có trèo lên hay không, hay trèo lên cách nào - và hành động theo ý mình. Hòn đá ngược lại, không thể làm như vậy.

Con người có đủ quyền năng chọn lựa giữa điều phải và lẽ quấy, việc tốt hay việc xấu. Con người có thể là bạn lành hay là kẻ thù nghịch của chính mình và của người khác. Tất cả đều do tâm và tiến trình phát triển của tâm.

Mặc dù không có sẵn mục tiêu đặc biệt nào cho kiếp nhân sinh, con người vẫn được tự do tạo cho mình một lý tưởng của cuộc sống.

Vậy, mục tiêu của đời sống là gì?

Ouspensky viết:

"Vài người nói rằng ý nghĩa của cuộc sống là phục vụ, là đè nén, hàng phục cái tự ngã của mình, tự hy sinh, hy sinh tất cả, chí đến mạng sống. Người khác tuyên bố rằng ý nghĩa của cuộc đời là thỏa thích hưởng thụ, quên đi thảm trạng rùng rợn cuối cùng xảy diễn trong hiện tượng chết. Vài người thấy ý nghĩa của đời sống trong sự làm cho mình trở nên hoàn hảo và tạo dựng cho mình một tương lai tốt đẹp hơn, ở bên kia nấm mồ. Người khác nữa chủ trương rằng ý nghĩa của cuộc sống là cố gắng đến gần trạng thái "không sinh tồn"; người khác nữa tìm ý nghĩa của đời sống trên quả địa cầu; trong lúc ấy có người khẳng định rằng dù chỉ là sự cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của đời sống cũng không thể được." [9]

Bác bỏ tất cả những quan kiến trên, nhà học giả uyên thâm viết:

"Điểm sai lầm của tất cả những giải thích trên là cố gắng khám phá ý nghĩa của đời sống ở bên ngoài chính mình. Họ tìm trong bản chất của nhân loại, hoặc trong vài cuộc sống mơ hồ bên kia nấm mồ, hoặc nữa trong sự tiến triển của Tự Ngã xuyên qua chuỗi dài những cuộc đầu thai - luôn luôn một cái gì ở ngoài đời sống hiện tại của con người.

"Thay vì khảo sát viễn vọng, nếu con người chỉ nhìn vào bên trong chính mình, họ sẽ nhận thức rằng trong thực tế, ý nghĩa của đời sống không còn gì là mù mờ. Nó chỉ là hiểu biết."

Theo quan điểm của Phật Giáo, mục tiêu cứu cánh của kiếp nhân sinh là thành đạt trạng thái Toàn Giác (Sambodhi), tức thấu triệt thực tướng của chính mình, tự hiểu biết chính mình đúng như thực sự mình là vậy.

Sự Giác Ngộ Cao Siêu này có thể được thành tựu bằng cách nghiêm túc giữ gìn giới hạnh, trau giồi tâm và khai triển tuệ minh sát hoặc, nói cách khác, bằng cách "phục vụ và trở nên toàn hảo".

Phục Vụ bao gồm tâm Từ, tâm Bi vô lượng vô biên và vị tha tuyệt đối, những đức hạnh cao đẹp thúc giục con người giúp đỡ người khác.

Toàn Hảo là tuyệt đối Trong Sạch và tuyệt đối Trí Tuệ.


Chú thích:

[1] Ouspenky, "Tertium Organum", trang 8.

[2] Chặp tư tưởng - cũng được gọi là "sát na tâm". Trong thời gian của một cái nhoáng trời chớp, hằng tỷ tỷ chặp tư tưởng có thể phát sanh.

[3] Sir Charles Sherrington, "Lifés Unfolding", trang 32.

[4] "What is mind? - No matter. What is matter? - Never mind". Để giúp quí vị độc giả không đọc tiếng Anh có thể thưởng thức lối chơi chữ này, người dịch xin phụ chú rằng hai chữ "no matter" vừa có nghĩa là "không có vật chất, vừa là một lối nói rằng "không sao đâu". Hai chữ "never mind" vừa có nghĩa "không bao giờ có tâm", mà cũng có nghĩa "không có gì đâu, không cần phải bận tâm".

[5] Sri Radhakrishna, "Indian Philosophy", tập I, trang 278.

[6] "Có khoảng một triệu hệ thống hành tinh trong dãy Ngân Hà trong đó, có sự sống". Xem Fred Hoyle, "The Nature of The Universe", trang 87-89.

[7] Sri Radhakrishna, "Indian Philosophy", tập I.

[8] Bertrand Russell, "Religion and Science", trang 191.

[9] [1] Ouspenky, "Tertium Organum", trang 192.

No comments: