Wednesday, December 8, 2010

8 Cách Giúp Thêm Năng Lượng Cho Cơ Thể


Trong sinh hoạt thường nhật, nhiều lúc bạn cảm thấy sức khỏe có điều gì đó không ổn mặc dù đã ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, ăn uống đầy đủ và rèn luyện thân thể đều đặn. Thế mà năng lượng trong cơ thể cứ trôi đi tuồn tuột và mỗi đêm, bạn phải gắng sức lắm mới có thể theo dõi bản tin lúc 22 giờ trên truyền hình. Theo quan điểm của Tạp chí Reader’s Digest, bạn nên tìm hiểu lý do của tình trạng này để đề ra những biện pháp khắc phục thích ứng.

Trong trường hợp kể trên, sau khi được bác sĩ khám tổng quát, bạn có thể được thông báo là sức khỏe không có gì đáng lo ngại, tuyến giáp không bị suy yếu và cơ thể bạn không mắc hội chứng mệt mỏi kinh niên. Các bác sĩ cũng loại trừ khả năng bạn bị chứng trầm cảm vốn dễ làm cạn kiệt nguồn dự trữ năng lượng trong cơ thể. Tuy nhiên, để tránh những trường hợp mệt mỏi uể oải do năng lượng không được xử dụng phù hợp, bạn có thể thực hành 8 hoạt động không cần dùng đến thuốc men hay thay đổi nhịp sống bình thường mà vẫn luôn cảm thấy khỏe khoắn, yêu đời.

1/- Hít thở sâu : Hoạt động này có tác dụng làm chậm nhịp tim, giảm nhẹ tình trạng căng thẳng thần kinh, hạ huyết áp và lượng hormone gây ra chứng stress cũng được cơ thể tiết ra ít hơn. Bạn nên tập hít thở sâu từ 10 đến 15 phút mỗi ngày hoặc vào những lúc bị căng thẳng thần kinh. Bằng động tác này, bạn có thể đưa không khí vào đầy căng lồng ngực và bụng dưới, rồi từ từ thở ra với những nhịp độ 12 đến 16 lần hít thở mỗi phút.

2/- Trầm mặc : Nhiều người xử dụng sự trầm mặc như một cách thư giãn giúp chống lại sự mệt mỏi. Bạn có thể tìm một chỗ yên tĩnh và ngồi thoải mái. Sau đó, thư giãn bằng cách nhắm mắt lại và tập trung tư tưởng vào một từ vô thưởng vô phạt nào đó như “một” chẳng hạn. Khi sự thư giãn tiếp tục bị những ý tưởng rối rắm tấn công : bạn quay lại sự trầm mặc.

3/-Co duỗi chầm chậm :
Sự co duỗi có thể tạo ra một số hiệu quả giống như động tác hít thở sâu. Nó giúp cơ bắp bớt căng thẳng, máu dễ dàng lưu thông trong cơ thể và đưa oxy lên não. Bạn nên bắt đầu mỗi ngày bằng một động tác co duỗi nhẹ nhàng. Việc uốn cong xương sống kích thích sự tuần hoàn máu trong cơ thể. Bạn có thể đứng dạng chân, hơi nghiêng người về phía trước, khom gối xuống, chống hai bàn tay ở khoảng giữa hai đùi, xoay lưng nhè nhẹ và giữ nguyên như thế trong 10 giây.

4/- Tuân thủ đồng hồ sinh học của cơ thể :
Một số người cảm thấy khỏe khoắn vào buổi sáng, trái lại có những người chỉ thoải mái vào ban đêm. Theo nhà nghiên cứu Charles Kuntzleman, nếu mỗi sáng thức dậy cần tăng cường năng lực cho cơ thể, phải dùng trà hay cà phê để phục hồi sự tỉnh táo thì bạn không thuộc vào loại người thích hợp với buổi sáng. Vì thế, cần xác định thời điểm nào trong ngày là tối ưu đối với mỗi người. Chẳng hạn nếu không cần đến cà phê mà vẫn cảm thấy sảng khoái vào buổi sáng thì bạn hãy đi dự cuộc phỏng vấn xin việc vào thời gian này thay vì vào buổi chiều, bởi lúc ấy năng lượng trong cơ thể bạn đã suy yếu dần.

5/-Ăn ít nhưng ăn thường xuyên trong ngày
Khi ta ăn, máu từ não dồn về bộ tiêu hóa, gây ra tình trạng uể oải. Một số chuyên viên tin rằng, nếu có điều kiện chia mỗi ngày thành 5 hay 6 bữa ăn nhỏ thì lượng đường trong máu sẽ ổn định suốt cả ngày. Về cơ cấu thức ăn, nên tránh thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa như thịt mỡ, kem, nước sốt khó tiêu. Chúng làm cho chậm tiêu và não phải chịu đựng tình trạng thiếu máu lâu hơn. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quên những thức ăn có chứa acid béo tối cần thiết như cá và các loại hạt.

6/- Tăng cường ánh sáng mặt trời
Ánh sáng kích thích cơ thể bạn tiết ra melatonine -một loại hormone giúp điều hòa đồng hồ sinh học trong cơ thể. Không đủ ánh sáng ban mai, nhất là trong những tháng mùa đông, nhiều người bị chứng rối loạn cảm giác theo mùa, một dạng trầm cảm dễ làm cho cơ thể mệt mỏi.

7/- Ðứng thẳng người :
Theo Joseph Sweere thuộc trường chữa trị bằng xoa bóp ở Bloomington, tiểu bang Minnesota (Mỹ) nếu thường xuyên đi lom khom, trọng lượng cơ thể bạn sẽ không còn nằm ở vị trí trung tâm, điều đó làm tiêu tốn nhiều năng lượng cho việc duy trì sự cân bằng. Ông nói : “Vật thể nặng nhất mà mình phải gánh chịu là cơ thể bạn. Vì thế, nếu luôn luôn đứng thẳng, trọng lượng cơ thể luôn luôn ở vị trí trung tâm, bạn sẽ cảm thấy ít mệt mỏi hơn”.

Ngoài ra, còn có một số cách để duy trì sự cân bằng của cơ thể : đầu luôn ở trên xương chậu, tai ở trên đôi vai và thắt lưng hướng về trước. Nếu bạn ngồi trước một máy điện toán thì tầm mắt phải nằm ở giữa màn hình. Phụ nữ nên bỏ thói quen dùng giầy cao gót và hãy để những túi xách tay nặng nề ở nhà, vì hai điều này thường làm cho sức nặng của bạn không tập trung ở trung tâm.

8/- Xem xét lại các thói quen về giấc ngủ :
Câu hỏi thường được nhiều người đặt ra là ngủ bao nhiêu thì đủ ? Câu trả lời tùy theo mỗi người. Theo nhà nghiên cứu Marlk Mahowald, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu những rối loạn về giấc ngủ ở Minnesota (Mỹ), nếu thường ngủ gật ngoài ý muốn hay đi ngủ quá trễ trong đêm cuối tuần, có thể bạn đã không có một giấc ngủ thích hợp. Trong trường hợp này, cố ngủ thêm giờ mỗi đêm trong vài tuần lễ và xem lại tình trạng sức khỏe ra sao.

Nếu kết quả chứng tỏ việc ngủ 8 tiếng đồng hồ mỗi đêm là không đủ, việc tăng thêm 45 phút cho giấc ngủ mỗi đêm sẽ giúp bạn linh hoạt hơn vào ban ngày. Bạn cũng có thể thay đổi phần nào thói quen thường nhật như uống nước khoáng thay vì cà phê chẳng hạn, hoặc thay túi đeo vai bằng một chiếc ví nhỏ và mỗi khi rời công sở, bạn đi tản bộ ngoài trời để tận hưởng ánh sáng ban ngày, giúp tinh thần thêm sảng khoái. Như vậy, bạn có thể làm chủ được chiếc đồng hồ sinh học của cơ thể để cùng với các đồng nghiệp vạch ra chương trình sinh hoạt đêm thứ sáu hàng tuần.

No comments: