Wednesday, December 22, 2010

DALAI LAMA - HÒA ÁI LÀ BẢN CHẤT CỦA CON NGƯỜI


Lý thuyết về "Phật Tánh" của đạo Phật là nguồn gốc của niềm tin vào bản chất thực sự hiền hòa, không gây hấn của loài người. Tuy nhiên, người ta vẫn có thể tiếp nhận quan niệm đó mà không cần phải căn cứ vào thuyết Phật tánh hay Phật tâm. Tôi có niềm tin đó, cũng bắt nguồn từ nhiều luận cứ khác. Tôi nghĩ rằng tình thương yêu và lòng từ bi của con người là điều không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.
Trước hết, chúng ta hãy nhìn vào cuộc đời mình, từ thuở ấu thơ cho tới lúc chết đi, ta sẽ thấy mình luôn luôn được nuôi dưỡng trong tình thương mến của những người khác. Bắt đầu từ lúc ra đời, hành động đầu tiên là rúc vào vú mẹ hay bú sữa của một phụ nữ khác. Cho bú là một hành động từ bi, không được bú thì chúng ta không thể sống còn. Rõ ràng là vậy. Và hành động cho bú kia không được hoàn hảo nếu như không có liên hệ thân tình giữa hai người. Nếu đứa bé không thấy có ràng buộc, quấn quít vời người cho nó sữa, thì nó cũng không bú được. Và người mẹ cũng vậy nếu không thương con thì sữa cũng không chảy ra nhiều. Đó là chuyện thực.
Cơ thể chúng ta cũng hình như được cấu tạo để thích hợp với các tình cảm thương yêu, từ ái. Chúng ta đều nhận thấy khi ta bình an, có tình thương và tấm lòng thiện, thì sức khỏe thể chất và tinh thần chúng ta được tốt đẹp hơn. Ngược lại, sự thất vọng, sợ hãi, bứt rứt và
giận dữ làm cho sức khỏe ta bị nguy hại.
Chúng ta cũng thấy rõ những cảm xúc thương yêu làm cho tâm ta được thơ thới. Cứ quan sát cảm xúc của mình khi ta được người quan sát cảm xúc của mình khi ta được người khác bày tỏ cảm tình nồng ấm thì rõ. Cũng như ta có thể quan sát nội tâm của chính mình, khi ta khởi lên những tình cảm yêu thương.
Những cảm xúc hiền hòa và những hành xử thiện lành đưa ta tới cuộc đời hạnh phúc hơn trong gia đình cũng như trong cộng đồng. Vậy thời chúng ta có thể kết luận rằng bản chất tự nhiên của loài người là sự hiền hòa. Và chúng ta nên cố gắng hết mình để sống sao cho thích hợp với bản chất dễ thương, tử tế đó."...
VÌ SAO GÂY HẤN, CHIẾN TRANH?
Khi được hỏi, nếu bản chất con người dễ thương, thì sao lại có nhiều xung đột và nhiều thái độ hung hãn, gây hận chung quanh ta đến thế, đức Đạt Lai Lạt Ma trả tời:
Dĩ nhiên chúng ta không thể bỏ quên những xung đột và căng thẳng đó, chúng có mặt không phải chỉ trong tâm thức từng cá nhân mà hiện hữu trong mọi gia đình, trong xã hội, quốc gia và quốc tế nữa, trong hầu hết các liên hệ, tiếp xúc giữa người với người. Căn cứ vào đó, người ta có thể nghĩ rằng bản chất con người là hung hãn.
Người ta cũng có thể dựa vào lịch sử để cho rằng loài người hay gây hấn với nhau hơn các loài vật có vú khác. ...nhưng, tôi vẫn tin tưởng một cách chắc chắn là trong con người, bản chất từ ái, hiền hòa vẫn là cá tính nổi bật.
Giận dữ, bạo động và hung hăng có thể phát khởi lên, nhưng theo tôi, các tính xấu đó có tính cách thứ yếu và phiến diện. Nói khác đi, các tính bất thiện đó chỉ lộ ra khi chúng ta thất vọng vì không biểu lộ, không thực hiện được tình thương yêu của ta mà thôi.
Tôi cũng tin rằng sự năng nổ, hung hãn chỉ là kết quả của tư chất thông minh trong con người - khi cái trí thông minh không quân bình, cách dùng trí tuệ và khả năng sáng tạo không đúng chỗ.
Nhìn vào sự tiến hóa của loài người, nếu so sánh người với một số con vật khác, thì con người khá yếu. Nhưng nhờ sự phát triển trí thông minh, ta có thể dùng nhiều dụng cụ và khám phá ra nhiều phương pháp để chinh phục môi trường. Xã hội loài người và sinh thái chung quanh họ ngày càng phức tạp, chúng ta lại càng cần phát triển trí tuệ để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của môi trường phức tạp này.
Tôi tin rằng chúng ta có bản chất hiền hòa, và từ thông minh chỉ là sư phát triển tiếp theo sau. Tôi cho rằng nếu trí thông minh phát triển nhiều quá, đi đến chỗ không còn quân bình với lòng từ bi, thì nó sẽ có tính cách phá hoại. Trí khôn đó có thể đưa chúng ta tới các
thảm họa.
Một điều quan trọng cần biết là, khi xử dụng trí tuệ không đúng cách đưa tới xung đột, thì chúng ta cũng có thể dùng trí tuệ để tìm ra những giải pháp và phương tiện vượt qua được các tranh chấp.
Khi trí thông minh, lòng hòa ái và tình thương cùng được xử dụng, mọi hành động của chúng ta đều có tính cách xây dựng.
Khi ta phối hợp được trái tim nồng ấm cùng với các tri thức và những gì ta được giáo dục, ta sẽ biết kính trọng quan điểm và quyền lợi của người khác. Đó là điều căn bản cho các cuộc hòa giải, để giải quyết những xung đột và tranh chấp giữa chúng ta...Dù chúng ta đã trải qua không biết bao nhiêu chuyện xấu xa và bạo động, tôi tin rằng cách giải quyết tối hậu những chống đối từ bên trong hay bên ngoài, vẫn nằm ở chỗ ta phải biết quay lại với bản chất hiền hòa và từ ái của mình.
Theo bác sĩ chuyên về lâm lý và thần kinh Howard Cutler, một vài thập niên qua, quan điểm "hòa ái là bản chất loài người" của đức Đạt Lai Lạt Ma từ từ đã chinh phục được nhiều người Âu Mỹ, dù đã có sự chống cự. Trước đây, họ tin rằng không những con người thừa hưởng bản chất ích kỷ mà sự hung hăng, tánh gây hấn cũng đã thống trị văn hóa âu tây.
Dĩ nhiên có nhiều nhà tư tưởng Âu mỹ cũng đồng ý với Đạt Lai Lạt Ma như David Hume (thế kỷ 18), Charles Darwin (ông tổ của thuyết tiến hóa); nhưng đa số các triết gia tây phương có cái nhìn bi quan hơn.
Họ cho rằng bản chất con người là cạnh tranh, bạo động dữ dằn và ích kỷ, chỉ biết tới mình. Bất hạnh thay, theo bác sĩ Cutler, khoa học và tâm lý Âu tây căn cứ vào các quan điểm đó, và đôi khi còn khuyến khích người ta ích kỷ thêm nữa...
Nửa cuối của thế kỷ 20 còn có hai nhà văn Robert Ardrey và Konrad Lorenz đã tìm hiểu các sinh hoạt của mấy loài dã thú ăn thịt, để kết luận rằng loài người cũng có bản năng tranh dành đất sống như những con thú đó vậy.
Bác sĩ H. Cutler cho biết trong những năm gần đây, có một phong trào thay đổi quan điểm bi quan thành ra lạc quan, gần với quan điểm của Đạt Lai Lạt Ma và các nhà tu Phật giáo nhiều hơn.
Nhận định quan trọng nhất là do công trình khảo cứu tại Seville năm 1986 của hai chục nhà khoa học nổi danh thế giới. Họ đưa ra nhận định rằng "các hành động bạo lực, gây chiến của con người không phải là bản chất di truyền". Nói loài người có bản năng gây chiến là sai với khoa học...
Nhiều nhà khoa học khác khảo cứu và đưa ra những kết luận, cho rằng bản chất đích thực của loài người là từ ái, hiền hòa.

No comments: