A. DANH HIỆU
I. NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Nam mô có sáu nghĩa:
Quy y: quy là về, y là nương tựa, nghĩa là quay về nương tựa theo đức Phật.
Quy mạng: quy gửi thân mạng của mình.
Cung kính: là tôn trọng kính ngưỡng đức Phật.
Cứu ngã: xin đức Phật cứu độ cho tôi.
Lễ bái: xin kính lễ bái đức Phật.
Ðộ ngã: xin đức Phật đưa tôi từ chỗ đau khổ đến chỗ an vui, từ chỗ sai lầm đến chỗ giác ngộ.
Bổn sư là vị thầy cội gốc đem đạo Phật đến cho chúng sanh và chỉ dạy chúng sanh con đường giải thoát giác ngộ. Ðây chỉ đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vì nhờ Ngài mà chúng ta được hiểu biết đạo Phật.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật là xin đem cả thân mạng y chỉ, quy ngưỡng đức Thích Ca, nguyện cung kính lễ bái ngài, nguyện Ngài cứu độ cho mình thoát khỏi các sự đau khổ mê lầm.
II. NAM Mô A DI ÐÀ PHẬT
Là xin đem cả thân mạng quy ngưỡng lễ bái đức Phật A Di Ðà, và nguyện nhờ Ngài cứu độ.
III. NAM Mô ÐƯƠNG LAI Hạ SANH DI LẶC TôN PHẬT
Ðương Lai: là sẽ đến. Hạ sanh: là giáng xuống cõi Ta bà này. Di Lặc Tôn Phật: tức đức Phật Di Lặc sẽ giáng sanh xuống cõi Ta bà này sau đức Phật Thích Ca. Di Lặc có hai nghĩa: Từ thị: tức là một vị có lòng thương rộng lớn. Vô năng thắng: tức là có trí huệ từ bi thù thắng không ai sánh kịp. Ðức Di Lặc là gương sáng của hạnh hỷ xả.
IV. NAM Mô VĂN THÙ SƯ LợI Bồ TÁT
Văn Thù Sư Lợi là vị Bồ Tát có trí huệ đệ nhất thường cưỡi con sư tử tượng trưng cho sức mạnh trí huệ soi sáng và uốn dẹp các tối tăm mê lầm. Văn Thù là gương sáng của hạnh trí huệ.
V. NAM Mô ÐạI HạNH PHỔ HIỀN Bồ TÁT
Ðại Hạnh: là những hành động vĩ đại, cao siêu, khác thường, ít người làm nổi. Phổ Hiền: là vị Bồ-tát có những hạnh nguyện vĩ đại cứu độ cho mọi loài, thường hầu bên tay phải đức Phật Thích Ca và hay cưỡi con voi trắng 6 ngà tượng trưng cho sức mạnh các hạnh nghiệp vị tha rộng lớn.
Vi. NAM Mô ÐạI BI QUÁN THẾ ÂM Bồ TÁT
Ðại bi: là có lòng từ bi rộng lớn cứu độ cho tất cả chúng sanh. Quán Thế Âm: là vị Bồ tát quán xét tiếng kêu đau khổ của chúng sanh mà đến hóa độ. Ngài là gương sáng của hạnh từ bi.
VII. NAM Mô LINH SƠN HộI THƯợNG PHẬT Bồ TÁT
Linh Sơn: là hòn núi Kỳ Xà Quật ở Ấn Ðộ một chỗ đức Phật thường hay thuyết pháp. Hội thượng: là chúng hội nghe Pháp, gồm các vị Bồ tát Ðại đệ tử nên xưng là Hội Thượng, đây chỉ cho các Ðức Phật, các vị Bồ Tát, các vị Ðại đệ tử hội họp trên núi Linh Sơn nghe đức Phật Thích Ca thuyết pháp.
B. BÀI MƯỜI PHƯƠNG PHẬT BA ÐỜI
Bài này tán thán đức Phật A Di Ðà, phát nguyện vãng sanh qua nước Cực Lạc và nguyện tu học để cứu độ chúng sanh.
Mười phương Phật ba đời: là tất cả đức Phật trong 10 phương ở hiện tại, quá khứ và vị lai.
A Di Ðà bậc nhất: là đức Phật A Di Ðà hơn hết không có đức Phật nào bằng, ý nói tu theo đức Phật A Di Ðà thì mau chứng quả hơn hết.
Chín phẩm độ chúng sanh: chín phẩm là chín từng bậc; căn tánh chúng sanh cao thấp khác nhau, nên vãng sanh qua nước Cực Lạc đạt đến những phẩm bậc sai khác nhau. Chín phẩm là hạ hạ, hạ trung, hạ thượng; Trung hạ, trung trung, trung thượng; Thượng hạ, thượng trung, thượng thượng. Ý nói đức Phật A Di Ðà tùy theo căn tánh chúng sanh mà độ tất cả mọi loài vãng sanh qua nước Cực Lạc, đạt đến những phẩm bậc sai khác nhau.
Oai đức không cùng cực: Oai là cử chỉ oai nghi nghiêm trang khiến mọi người kính nể. Ðức là đức hạnh. Oai đức của A Di Ðà vô cùng tận không thể so sánh ước lượng được.
Ðệ tử nguyện quy y: Ðệ tử phát nguyện xin quy y đức Phật A Di Ðà.
Sám hối ba nghiệp tội: Xin sám hối tất cả những tộI lỗi về thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.
Phàm được bao phước thiện: là phàm có làm bao nhiêu việc phước đức thiện sự.
Chí tâm nguyện hồi hướng: Thành tâm khẩn thiết nguyện xin hồi hướng công đức đã làm trên.
Nguyện cùng người niệm Phật: Nguyện cùng đồng với người niệm Phật.
Cảm ứng hiện theo cảm:Cảm: là những việc làm của mình, có sức mạnh ảnh hưởng đến xung quanh. Ứng: là theo sức mạnh cảm thông ấy, xung quanh ứng đối lại. Như nói là cảm, tiếng vang dội lại là ứng. Ðây nói do lòng thành niệm Phật của mình (cảm) mà cảnh tịnh độ hiện ra trước mắt (ứng). Sự cảm ứng hiện ra tùy theo mình phát tâm niệm Phật.
Lâm chung cảnh Tây phương: Khi gần chết cảnh Cực Lạc ở phương Tây.
Rõ ràng bày trước mặt: Hiện ra rõ ràng bày trước mặt mình.
Thấy nghe đều tinh tấn: Khiến cho mọi người thấy và nghe, đều phát tâm tinh tấn niệm Phật.
Ðồng sanh nước Cực Lạc: Cực Lạc là cảnh giới hết sức sung sướng đẹp đẽ của đức Phật A Di Ðà phương Tây. Người niệm Phật và mình đều cùng nhau được vãng sanh qua nước Cực Lạc.
Thấy Phật thoát sinh tử: Thấy được đức Phật, liền thoát sự luân hồi sống chết; vì một khi được sanh qua nước Cực Lạc, thì không còn phải sống chết nữa.
Như Phật độ hết thảy: Theo như thệ nguyện của chư Phật mà cứu độ cho tất cả chúng sanh.
Ðoạn vô biên phiền não: là đoạn trừ tất cả tánh phiền não tham sân si không ngần, không bờ bến.
Tu vô lượng pháp môn: là tu tập những pháp vô lượng.
Thệ nguyện độ chúng sanh: Xin thệ và phát nguyện cứu độ hết thảy chúng sanh.
Ðều trọn thành Phật đạo: Hết thảy chúng sanh đều chứng quả thành Phật.
C. BốN LỜI NGUYệN RộNG LỚN
Chúng sanh không số lượng, thệ nguyện đều độ khắp: Thệ nguyện xin cứu độ tất cả chúng sanh số lượng nhiều không thể kể được. Chúng sanh chỉ cho tất cả loài sinh mạng.
Phiền não không cùng tận, thệ nguyện đều dứt sạch: Thệ nguyện dứt sạch tất cả muôn phiền não nhiều không cùng tận.
Pháp môn không kể xiết, thệ nguyện đều tu học: Xin nguyện tu và học tất cả những pháp môn Phật dạy không thể kể xiết. Pháp môn là chỉ những lời Phật dạy không thể kể xiết. Pháp môn là chỉ những lời Phật dạy có công năng mở đưa mọi người vào cảnh giới giải thoát.
Phật đạo không gì hơn, thệ nguyện đều viên thành: Xin nguyện thành tựu một cách viên mãn quả vị Phật đạo cứu cánh.
D. CHÚ VÃNG SANH
Chú là lời bí mật bằng tiếng Phạn do chính đức Phật nói ra, người thường không thể hiểu và cắt nghĩa. Bài này có công năng tiếp dẫn chúng sanh qua nước Cực Lạc nên gọi là chú vãng sanh.
Bạt nhứt thế nghiệp chướng căn bản: Bạt là trừ, nhổ tận gốc rễ hết thảy những về thân, khẩu, ý làm chướng ngại cho giải thoát, những nghiệp này làm cội gốc phát sanh ra các nghiệp khác, nên gọi là căn bản.
Ðắc sanh Tịnh Ðộ Ðà-la-ni:Ðà-la-ni dịch tổng trì, nghĩa là một pháp môn thâu nhiếp các pháp môn khác. Bài chú vãng sanh này là một pháp môn thâu nhiếp hết thảy pháp môn khác, có công năng dứt sạch các nghiệp chướng căn bản khiến được vãng sanh qua nước Cực Lạc.
E. BA TỰ QUY
Ba tự quy là tự quy y Phật, tự quy y Pháp, tự quy y Tăng. Gọi là tự nghĩa quy y Phật, Pháp, Tăng chung cùng khắp cả pháp giới.
Tự quy y Phật, xin nguyện chúng sanh, thể theo đạo cả, phát lòng vô thượng: xin quy y Ðức Phật cùng khắp pháp giới và xin nguyện cùng với tất cả chúng sanh, thể theo đạo cao siêu nhiệm mầu mà phát tâm Bồ Ðề vô thượng.
Tự quy y Pháp, xin nguyện chúng sanh, thấu rõ kinh tạng, trí tuệ như biển: xin quy y với Pháp cùng khắp Pháp giới và nguyện cùng tất cả chúng sanh thấu rõ ba tạng kinh điển được trí huệ rộng lớn, như biển cả.
Tự quy y Tăng, xin nguyện chúng sanh, quản lý đại chúng, hết thảy không ngại: xin quy y với Tăng cùng khắp pháp giới và nguyện cùng tất cả chúng sanh, điều khiển coi sóc toàn thể đại chúng hết thảy không gì ngần ngại.
F. HồI HƯỚNG CHÚNG SANH
Bài này trong kinh Pháp Hoa, là lời nguyện đem công đức tu hành tụng niệm trên của mình mà hướng về ban bố cho toàn thể chúng sanh tất cả đều được thành Phật như mình.
Nguyện đem công đức này: Công đức là những việc có công năng tăng trưởng phước đức cho mình, cho mọi người. Ðây là nguyện xin đem tất cả công đức tu hành tụng niệm phước sự của mình.
Chung cùng khắp tất cả: san sẻ chia khắp cho tất cả chúng sanh.
Ðệ tử và chúng sanh: tất cả chúng sanh và chính mình.
Ðều trọn thành Phật đạo: tất cả đều viên mãn thành tựu được chứng quả Phật.
Thursday, December 16, 2010
NGHI THỨC THÔNG THƯỜNG.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment