Mỗi người làm chủ lấy vận mạng của chính mình
Đối với Phật giáo mỗi người làm chủ lấy vận mạng của chính mình. Mỗi chúng ta đều mang trong mình một tiềm năng ngang nhau, vì thế nếu bạn thốt lên : "Tôi chẳng ra gì cả !", đấy là một điều hoàn toàn sai. Bạn có khả năng suy nghĩ ngang hàng với tất cả mọi người khác, có thua kém ai. Chỉ cần một chút nghị lực là bạn có thể thực hiện được tất cả những gì bạn muốn.
Sự an bình trong tâm thức
Bất cứ ngày nào tôi cũng đều hưởng được những lợi ích thiết thực do sự an bình trong tâm thức mang lại cho tôi. Những lợi ích ấy thật tốt cho thân xác. Thế bạn có tin được những điều tôi nói hay không ? Tôi khá bận rộn, phải cáng đáng nhiều trọng trách, phải vận động và thúc đẩy đủ mọi chương trình, đi lại thường xuyên, phải phát biểu liên tục : tất cả những thứ ấy là một gánh nặng không nhỏ, thế nhưng áp huyết của tôi không khác gì áp huyết của một đứa bé sơ sinh.
Điều ấy mang lại lợi ích cho tôi và cho người khác, tôi tin chắc như thế. Ăn uống tinh khiết, loại bỏ mọi sự thèm khát quá độ, thiền định mỗi ngày sẽ mang lại sự an bình trong tâm thức, sự an bình đó ảnh hưởng đến thân xác. Mặc dù phải khắc phục các khó khăn trong cuộc sống - các khó khăn đó nào có tha tôi - thế nhưng tất cả chúng ta, mỗi người đều có thể tạo được sự an bình trong tâm thức của mình.
Tình thương yêu người khác
Tình thương yêu người khác là nền móng của sự tu tập. Bất cứ sự tu tập nào cũng phải hướng vào mục đích đó tức phải gia tăng tâm từ bi đến tột đỉnh.
Những câu hỏi thường xuyên
"Tôi là ai ? Bản chất của tâm thức tôi là gì ? Một tư duy nhân từ sẽ mang lại những lợi ích gì ?" Chúng ta không bao giờ được phép quên những câu hỏi đó. Suy tư theo đường hướng ấy giúp ta nhận thấy được tâm thức luôn tìm cách quấy nhiễu mình và từ đó ta sẽ hiểu rằng phải tu tập để chủ động lấy chính mình.
Sự lười biếng của tâm thức
Trên căn bản tất cả chúng ta có một khả năng ngang nhau. Thế nhưng một số người biết phát triển nó, một số khác thì không. Thông thường chúng ta có tật lười biếng không bắt tâm thức làm việc, hơn nữa lại còn tìm cách dấu giếm sự lười biếng đó bằng mọi thứ sinh hoạt khác, chẳng hạn như chạy hết đầu này đến đầu kia, tính toán đủ mọi chuyện, điện thoại liên miên. Các loại sinh hoạt ấy chỉ đòi hỏi một cấp bậc vận hành thật thô thiển của tâm thức. Chúng che lấp không cho ta nhìn thấy những gì thiết yếu hơn.
Tìm thấy hạnh phúc bằng sự chủ động tâm thức
Những gì mang lại hạnh phúc cho ta ? Hạnh phúc đến với ta qua trung gian của tư duy. Nếu không luyện tập tâm thức và không chịu suy nghĩ ta sẽ không bao giờ tìm thấy hạnh phúc.
Nâng cao giá trị con người
Tình thương và lòng từ bi là những phẩm tính căn bản. Khi ý thức được tất cả chúng sinh đương nhiên đều có quyền tìm kiếm hạnh phúc, vượt lên trên khổ đau và đạt được những ước vọng của mình, tự nhiên một thứ cảm tính cao cả sẽ hiển lộ trong lòng mình.
Lòng từ bi
Tôi cho rằng lòng từ bi là cột trụ vững chắc nhất để nhân loại tựa vào đấy. Phẩm tính tuyệt vời ấy thúc đẩy chúng ta biết yêu thương đồng loại và giúp đỡ đồng loại khi thấy họ khổ đau và khiến quên mình vì họ. Chỉ có con người mới có khả năng phát lộ được phẩm tính đó. Khi đã phát lộ được lòng từ bi ta sẽ là người trước nhất đón nhận niềm hạnh phúc do từ bi mang lại.
Sức mạnh tiền bạc
Khi giận dữ khống chế tâm thức, ta đánh mất tiềm năng quan trọng nhất của trí thông minh con người là trí tuệ, tức khả năng giúp phân biệt cái xấu với cái tốt. Giận dữ là vấn đề khó khăn nhất mà thế giới ngày nay phải đối phó. Thật vậy trong thời buổi này bối cảnh chung quanh lúc nào cũng căng thẳng vì thế không mấy khi chúng ta tìm thấy sự an bình. Sống trong một môi trường luôn bị chi phối bởi sức mạnh của tiền bạc thật nguy hại.
Sự nghèo nàn của cuộc sống vật chất
Tập trung hết trí não vào những việc vụn vặt quả thật vô ích và đáng buồn. Nếu suốt đời chỉ biết quan tâm đến các vấn đề vật chất không có gì buồn tẻ và vô nghĩa hơn cho một kiếp người như thế.
Bài học thứ nhất về yêu thương
Kinh sách Phật giáo khuyên chúng ta nên yêu thương người đồng loại, tương tợ như một người mẹ yêu thương đứa con duy nhất của mình. Ý nghĩa câu ấy quả thật sâu sắc.
Thế nhưng người Tây phương lại thường hiểu lầm lời khuyên đó trong Phật giáo xem đấy như một sự bám víu. Chúng ta hiểu rằng tình thương của người mẹ đối với con mình không mang bóng dáng của một sự bám víu nào. Hình ảnh đứa bé bú mẹ biểu hiện sự trìu mến và tượng trưng cho tình thương yêu sâu xa giữa con người. Đấy cũng là bài học đầu tiên về lòng từ bi và tình thương, không phải là những gì hời hợt bên ngoài.
Chúng ta là loài sinh vật sống hợp đoàn
Chúng ta mang bản chất của sinh vật sống tập đoàn, vì thế chúng ta không thể nào sống đơn độc được. Nếu như chúng ta thật sự mang bản tính của sinh vật sống đơn độc nhất định trên mặt đất này sẽ không có một thành phố nào hay một làng mạc nào được xây dựng. Bản năng của chúng ta là sống hợp đoàn tạo ra các tập thể xã hội. Vì thế những ai không có một ý niệm gì về bổn phận của mình và quyền lợi chung đối với tập thể sẽ hành động trái ngược lại với bản chất con người. Sự tồn vong của nhân loại đòi hỏi sự hợp tác giữa con người dựa trên tình huynh đệ. Đối với con người hay cầm thú sống thành đoàn, biết yêu thương nhau là một điều tự nhiên.
Tuổi trẻ và tuổi già
Nhờ có sự chăm sóc của cha mẹ từ thuở lọt lòng ta mới được như ngày nay. Khi bước vào tuổi già ta lại cần đến sự chăm sóc người của khác. Lúc thơ ấu hoặc khi già cả ta đều cần đến những người chung quanh. Giữa hai lứa tuổi đó, ta có một khoảng thời gian tạm gọi là tự lập, vậy trong khoảng thời gian mà ta không cần đến ai cả thì ta cũng chẳng cần phải giúp đỡ ai cả, có đúng thế không nhỉ ?
Tình thương phát sinh từ sự bám víu
Tình thương phát sinh từ sự bám víu rất phù du và nông cạn. Đấy chỉ là một sự phóng tâm vào những thể dạng bên ngoài. Hãy lấy một thí dụ : bạn gặp một người thật xinh đẹp khiến bạn yêu thích và si tình tức khắc. Thế nhưng ngày mai đây biết đâu bạn sẽ quay ra thù ghét người ấy.
Tình thương dựa vào sự bám víu không có gì vững chắc cả. Tình thương đó sớm muộn sẽ mang lại cho ta sự bực bội và nghịch ý. Lòng từ bi đích thực không có sự bám víu, phát lộ một cách tự nhiên và trọn vẹn, tương tợ như lòng mẹ thương con và không mong đợi một sự hồi đáp nào. Từ bi là thứ tình thương thật mãnh liệt khiến bùng lên niềm khát vọng ước mong tất cả chúng sinh đều đạt được hạnh phúc, tức mong cầu tất cả chúng sinh thoát khỏi khổ đau và những gì sinh ra từ khổ đau.
Dục vọng và hận thù
Khi bị chi phối bởi những xúc cảm tiêu cực thật mạnh - chẳng hạn như hận thù và dục vọng - ta sẽ rơi vào một tình trạng gần như điên loạn. Khi tâm thức mất thăng bằng ta không làm được bất cứ gì lợi ích cho riêng mình, đừng nói gì đến giúp đỡ kẻ khác.
Hận thù và hung bạo
Hòa bình thế giới không thể đi đôi với hận thù và hung bạo. Trên bình diện cá nhân cũng thế, hạnh phúc không thể là bạn song hành với hung hãn, hung hãn làm phát sinh những xung động bất trị.
Hạnh phúc và lo lắng
Nhiều người gây khổ đau cho kẻ khác chẳng qua chỉ vì không hiểu được bản chất đích thực của hạnh phúc là gì. Họ nghĩ rằng khổ đau của người khác dưới một khía cạnh nào đó là điều kiện thuận lợi mang lại hạnh phúc cho mình, hoặc họ cũng có thể nghĩ rằng hạnh phúc của mình quan trọng hơn khổ đau mà họ tạo ra cho người khác. Trên bình diện lâu dài, gây khổ đau và chèn ép người khác khiến họ không tìm thấy an bình và hạnh phúc sẽ mang lại cho mình đầy lo lắng, sợ sệt và hoang mang.
Một đứa bé gái, một con bò và các con gà
Một người bạn Ấn độ kể cho tôi nghe về cô con gái nhỏ của anh ta như sau : trong một dịp thiết đãi mười người khách, cô bé bảo bố rằng cứ hạ một con bò tốt hơn là phải giết nhiều con gà hay nhiều con vật nhỏ khác, như thế chỉ có một con thú phải chết. Theo truyền thống người Ấn không ăn thịt bò, thế nhưng tôi vẫn cứ nghĩ rằng đứa bé có lý [tức là không giết con vật nào cả vì không ăn thịt bò]. Nếu cần ăn thịt, có lẽ ta nên ăn các con vật thật to cho đáng. Sau đó thì biết đâu ta sẽ hết muốn ăn thịt [chết vì bội thực, đâu còn sống nữa mà thèm].
Tương tợ những gợn sóng trên mặt ao
Sinh hoạt trong thế gian này chẳng khác gì những gợn sóng lăn tăn trên mặt nước ao, gợn sóng này chưa dứt gợn sóng khác đã sinh ra. Như thế đó chúng nối tiếp nhau bất tận. Sự sinh hoạt của ta trong thế giới này tiếp diễn không bao giờ ngưng nghỉ, nó chỉ chấm dứt khi nào cái chết xảy ra. Hiện tại ta đang sống dưới thể dạng quý giá của con người, nếu không biết hướng phần nào cuộc sống ấy gần hơn với Đạo Pháp (Dharma) chẳng phải là một điều đáng tiếc hay sao ? Chúng ta phải biết lợi dụng mọi cơ hội thuận tiện để tự cải thiện lấy mình, không nên chờ đến khi có thì giờ mới nghĩ đến việc tu tập.
Kẻ thù thật quý giá
Nhìn từ một góc cạnh nào đó kẻ thù rất quý vì chính kẻ thù là người giúp ta trưởng thành. Nếu tôi còn ở Lhassa [thủ đô Tây tạng] và nếu Trung quốc không xâm lăng Tây tạng, biết đâu tôi vẫn còn là một người hoàn toàn cô lập trên quê hương của tôi, và biết đâu tôi đã biến thành một người thật bảo thủ, đâu được như ngày nay.
Trước một thảm trạng xảy ra trong cuộc sống, ta có hai cách phản ứng : hoặc mất hết hy vọng, chán nản, say sưa, nghiện ngập, buồn khổ triền miên ; hoặc bừng tỉnh, tìm thấy một nguồn nghị lực mới tiềm tàng trong ta giúp ta hành động sáng suốt và hăng say hơn.
Bản chất của tâm thức là ôn hòa, thế nhưng khi phải đối phó với khó khăn nó có thể trở nên rất kiên quyết. Vì thế tôi vô cùng biết ơn người Trung quốc đã tạo cho tôi dịp may này.
Buồn phiền khiến con người yếu đuối trước hiện thực
Tôi chỉ là một nhà sư Phật giáo, kinh nghiệm của tôi cũng chẳng có gì đặc sắc , thế nhưng tôi thừa hưởng được những gì tốt đẹp mang lại từ lòng từ bi, tình thương và sự kính trọng của tôi đối với con người. Từ nhiều năm nay tôi tập phát huy các phẩm tính ấy và nhận thấy sự tập luyện đã giúp tôi trở thành một con người luôn cảm nhận được hạnh phúc dù khó khăn nào xảy đến. Một người bị buồn phiền đè nặng sẽ trở thành một người yếu đuối khi phải đối phó với hiện thực. Chấp nhận phần số của mình không có nghĩa là buông tay.
Hành động
Thích thú hay đớn đau là hậu quả phát sinh từ các hành động của ta trong quá khứ. Nếu muốn giải thích ngắn gọn chữ nghiệp (karma) là gì chỉ cần một câu ngắn gọn như sau : "Hành động tốt, mọi sự sẽ tốt. Hành động xấu , mọi sự sẽ xấu ".
Sức mạnh của hối tiếc, của sự tinh khiết hóa, của quyết tâm và thiền định
Có bốn liều thuốc hóa giải các hành động tiêu cực, đấy là : sức mạnh của sự hối tiếc, sức mạnh của sự tinh khiết hóa, sức mạnh của lòng quyết tâm và sức mạnh của thiền định. Tuy rằng việc sử dụng các liều thuốc hóa giải có thể tinh khiết hóa hoàn toàn các hành động tiêu cực và ngăn chận các tiềm năng tạo nghiệp của chúng, thế nhưng không phạm vào các hành động tiêu cực vẫn tốt hơn, giống như chân bị gẫy có thể chữa lành, nhưng không còn cứng cáp như trước nữa.
Sự hung hăng
Lắm khi hoàn cảnh đưa đẩy tạo ra bất công cho ta, hoặc xui khiến ta tham lam, hoặc khích động ta trở nên hung hăng. Bối cảnh chung quanh luôn đưa ta vào một hoàn cảnh nào đó, thường là các trường hợp ham muốn mua sắm : tôi phải mua cho được thứ ấy, nếu không tôi sẽ là người chẳng ra gì. Để có thể tậu vật ấy tôi phải kiếm thêm tiền. Muốn có tiền, tôi phải ra sức tranh dành với người khác, từ đó sự hung hăng xuất hiện.
Các thứ giá trị
Đánh mất giá trị con người sẽ mang lại mọi thứ thảm họa. Không có một kho tàng nào quý giá hơn thể dạng con người. Đồng tiền kiếm ra là để phục vụ con người, nếu bắt con người phục vụ cho tiền bạc thật quả không tốt. Nếu chỉ biết tìm cách mang lại tiện nghi vật chất bất kể đến các giá trị tinh thần và nhân phẩm, sự bực dọc, lo sợ, thất vọng và khủng hoảng tinh thần sẽ sẵn sàng chờ đợi ta.
Tự cảnh giác
Đức Phật dạy rằng mỗi người tự làm chủ lấy chính mình, tất cả đều do nơi mình mà ra. Lời giảng ấy có nghĩa là các cảm nhận thích thú hay bực dọc phát sinh từ các hành động đạo đức hay thiếu đạo đức của mình, những cảm nhận ấy không phát sinh từ bên ngoài mà từ bên trong của mỗi người.
Lời khuyên phải biết tự cảnh giác trong giáo lý nhà Phật thật thích đáng, nó giúp ta phân biệt và nhận định đâu là quyền lợi của mình và của người khác.
Kiến tạo và phá hoại
Khi ngày trở nên dài hơn, ánh nắng nhiều hơn [các xứ lạnh rất ít nắng, những ngày đẹp trời ánh nắng chan hòa khiến mọi người vui vẻ hơn], cây cỏ xanh tươi khiến mọi người cảm thấy vui mừng. Thế nhưng khi mùa thu đến, một chiếc lá vàng rơi, rồi lại thêm một chiếc khác rơi theo. Trước đây cây cỏ xanh tốt bỗng nhiên hôm nay cảnh vật đổi khác và chết khô, mọi người cảm thấy buồn bã. Tại sao ? Tôi nghĩ rằng chỉ vì bản chất con người là ham muốn sự kiến tạo và e sợ sự hủy diệt. Bất cứ một hành động tàn phá nào cũng đi ngược lại bản tính con người, kiến tạo mới đúng là hướng đi của chúng ta.
Sự tàn ác
Ác độc có nghĩa là dừng lại giữa đường, quyết tâm không quay về với lòng mình, vì một lý do nào đó. Ác độc cũng có nghĩa là bám víu vào những gì hời hợt bên ngoài, vào sự bực dọc và phẫn nộ. Thế nhưng sự hài hòa lúc nào cũng hiện hữu trong lòng và đôi khi ta cảm nhận được nó. Sự hài hòa ấy nằm rất sâu trong lòng mỗi người trong tất cả chúng ta. Đấy là xu hướng chung hiện hữu từ khởi thủy nơi con người.
Tâm thức là món đồ chơi của ảo giác
Người ta thường nói tâm thức (esprit - spirit) tự tạo ra ảo giác trong từng khoảnh khắc một, đấy là do sự quán nhận quá phiến diện và hời hợt về thế giới này. Vậy phải điều chỉnh lại cách cảm nhận sai lầm, tất nhiên phải trừ ra trường hợp mà ta cố tình muốn tiếp tục duy trì sự hiện hữu của mình trong cuộc sống sai lầm. Đôi khi ta tự nhận là sự chao đảo trong lòng khiến ta mất hết định hướng, thật vậy không thể thiết lập được một sự tương giao mật thiết với thế giới chung quanh khi sự an bình không thể phát lộ trong tâm thức mình.
Một kiếp người vô tích sự
Ta hãy tự vấn như thế này : "Từ trước đến nay tôi đã làm được gì tốt đẹp và hữu ích, có khi nào tôi cố gắng tập luyện để tự chủ động và giúp mình tự tin vào tương lai hay không ?" Nếu ta hoàn toàn không nhìn thấy một yếu tố nào giúp ta hé thấy một tia sáng trong tương lai mờ mịt và chỉ biết ăn để sống như từ trước đến nay, thì quả thật đấy chỉ đơn giản là một cách phung phí đời mình mà thôi !
Thể dạng tâm thức của ta
Thể dạng tâm thức của ta thật quan trọng, vì thế vị đại sư người Ấn là A-đề-sa [Atisha, 982-1154] mỗi khi bắt gặp bất cứ ai quen biết thường hỏi ngay câu sau đây : "Thế nào hôm nay tim anh có rộng mở hay không ?"
Lòng tốt
Lợi điểm lớn nhất là tạo được tình thương trong lòng, nhân từ và sự nồng nhiệt trong tâm thức. Chẳng những ta sẽ cảm thấy hân hoan mà còn giúp ta chia sẻ sự hân hoan đó với những người chung quanh. Thiếu thiện chí và lòng nhân từ sẽ khiến cho sự giao hảo giữa con người với nhau, giữa các quốc gia và lục địa bị suy đồi, những phẩm tính ấy vô cùng cần thiết để cải thiện đời sống xã hội. Đấy là những giá trị đáng cho chúng ta cố gắng phát huy.
Sự vu khống
Ý thức được một khiếm khuyết nhỏ của mình mang lại nhiều lợi ích hơn là nhìn thấy một ngàn lỗi lầm của người khác. Thay vì nói xấu và dèm pha gây ra xung đột và mọi thứ khó khăn cho cuộc sống, ta nên chọn một thái độ tinh khiết hơn. Mỗi khi ý thức được mình đang vu khống một người nào đó, tức khắc nên nhét phân vào đầy miệng mình. Đấy là cách tập luyện để loại bỏ tật xấu ấy.
Sự giận dữ
Trong sự giao tiếp hằng ngày, nếu ăn nói đúng đắn, hợp lẽ, ta sẽ không cần đến cách biểu lộ nóng giận, mọi công việc sẽ được giải quyết suông sẻ. Khi nào lý trí không đủ sức giải quyết, giận dữ sẽ bùng lên. Theo kinh nghiệm của tôi dù giận dữ mang lại cho ta sức mạnh để hành động, hoặc giúp ta đối phó khi xảy ra xung đột, thế nhưng đấy là chỉ là một thứ năng lực mù quáng rất khó để kiểm soát. Năng lực là lợi điểm duy nhất của giận dữ, thế nhưng ta vẫn có thể tìm thấy những nguồn năng lực khác mà không hề gây ra nguy hại cho người khác và cho chính mình. Giận dữ là dấu hiệu của sự yếu đuối.
Tâm thức con người
Tâm thức bình thường của chúng ta rất yếu đuối không đủ sức để tự kiểm soát lấy nó, vì thế nó không đủ sức hiểu được bản chất của hiện thực là gì. Thế nhưng sự hiểu biết ấy thật cần thiết khi muốn giải thoát cho mình và người khác khỏi mọi thứ khổ đau sinh ra từ chu kỳ sinh diệt. Vì thế phải rèn luyện tâm thức, biến nó thành một khí cụ hữu hiệu tương tợ như một kính hiển vi cực mạnh để dò xét hiện thực. Cần phải biến tâm thức thành một thanh kiếm thật sắc chặt đứt cội rễ của khổ đau.
Sự tập trung
Mục đích của sự tập trung là kiểm soát tâm thức, hướng nó vào một phẩm tính đạo đức nào đó mà mình mong muốn. Một tâm thức xao lãng là một tâm thức bất lực, vì thế phải tập trung nó vào một chủ đề suy tư nào đó, khi ấy nó sẽ nó sẽ trở nên cường lực.
Tôi và người khác
Nếu biết yêu thương mình và cả người khác thì người khác và cả mình mỗi người đều được hưởng một chút hay thật nhiều hạnh phúc. Nếu yêu quý mình nhiều hơn người khác, mình sẽ tạo ra những khổ đau nho nhỏ hay thật lớn cho người khác và cả cho mình. Người khác và ta đều có quyền ngang nhau trong mưu cầu đạt được hạnh phúc và loại trừ khổ đau, thế nhưng ta chỉ có một và người khác là anh chị em ta thì đông vô số kể. Vì thế thật hết sức sai lầm khi chỉ biết yêu thương riêng mình.
Một người thừa hưởng tất cả
Nếu tôi gom góp tất cả quyền lợi cho riêng mình quả thật không công bằng chút nào, nếu thực hiện được đi nữa điều đó cũng không khiến ta cảm thấy sung sướng. Nên sử dụng tài năng của mình để dốc lòng phục vụ người khác. Đấy là một nguồn vui sướng lớn lao hơn.
Lòng thương người
Nếu muốn cảm thấy thực sự quan tâm đến người khác phải biết phát huy lòng thương người thật sự, có nghĩa là quyết tâm giúp đỡ người khác. Thế nhưng quên mình không phải là một phẩm tính tự nhiên mà có, phải tập luyện. Thí dụ như thiền định về sự kiện tất cả mọi người đều là mẹ của mình.
Tất cả chúng sinh đều là mẹ của mình trong quá khứ
Sống và chết tiếp nối nhau không ngưng nghỉ. Mỗi lần được mang hình hài là mỗi lần ta cần đến một người mẹ. Các chu kỳ hiện hữu vận hành từ vô tận, vì thế ta không thể quả quyết trỏ vào một chúng sinh để bảo rằng "Người này chưa bao giờ là mẹ của tôi trong quá khứ". Nếu ý thức được điều ấy một cách sâu xa ta sẽ hiểu rằng với tư cách một người mẹ người ấy đã từng hy sinh và chăm lo cho chúng ta như thế nào. Biết tâm niệm như thế, sẽ hiển hiện trong lòng ta niềm khát vọng đền đáp những gì mà người ấy đã từng ban bố cho ta.
Phép quán tưởng làm gia tăng lòng từ bi
Quán tưởng là một phương pháp tu tập rất hiệu quả.
Trước hết hãy tượng tượng mình là một người thật công bằng đứng vào vị trí trung tâm. Sau đó quán tưởng có một người đang đứng phía bên phải, người này cũng chính là mình nhưng chỉ biết tìm kiếm sự an lạc cho riêng mình, chỉ nghĩ đến mình, tìm đủ mọi cơ hội để đạt được mục đích của riêng mình... và không bao giờ tìm thấy sự thỏa mãn.
Tiếp theo đó ta đó ta quán tưởng phía bên trái có một đám người thật đông đang khổ đau và cầu xin sự trợ giúp của ta. Sự mong cầu tự nhiên của con người là đạt được hạnh phúc và tránh khổ đau, tất cả mọi người đều có quyền thực hiện điều đó. Do đó ta hãy suy nghĩ thật khách quan và cẩn thận với tất cả sự khôn ngoan của mình để chọn cho mình một thái độ. Một người đứng ở giữa, trung lập không thiên vị tất nhiên không muốn kết bè với người đứng bên phải vì người này quá ích kỷ và ti tiện. Riêng đối với ta nếu ta là một người rộng lượng nhất định sẽ đứng vể phía đám đông bên trái. Nếu ta càng đứng gần hơn với họ, sự ích kỷ trong lòng ta sẽ giảm xuống và lòng thương người càng trở nên cao hơn.
Nếu luyện tập hằng ngày phép quán tưởng trên đây ta sẽ tìm thấy sự trợ lực rất mạnh.
Lòng quyết tâm
Làm thế nào để gia tăng lòng quyết tâm của mình ? Trong lãnh vực này kỹ thuật và tiền bạc đều vô hiệu. Ta chỉ có thể trông cậy vào sức mạnh nội tâm khi ý thức được bổn phận của mình trong việc bảo vệ giá trị và nhân phẩm con người.
Sử dụng trí thông minh của mình
Nếu biết sử dụng đúng cách trí thông minh tuyệt vời của mình, ta có thể tự hào về nó. Ngược lại nếu sử dụng trí thông minh để tự trói mình vào sự sống này, ta sẽ đánh mất dịp may khai thác sức mạnh lớn lao của bộ não con người. Điều ấy tương tợ như đem tất cả vốn liếng của mình đầu tư vào những thứ vụn vặt không mang lại một lợi ích gì.
Ba cách giao tiếp của ta
Ta có thói quen phân chia con người thành ba cấp bậc : bạn hữu, kẻ thù và người bàng quang. Ta có sẵn ba thái độ đối với họ : mong muốn, ghét bỏ và vô tình. Khi nào ba thứ cảm tính đó còn tiếp tục chi phối ta, nhất định ta không thể nào phát huy được lòng thương người. Vậy hết sức quan trọng phải hóa giải sự bám víu, hận thù và vô tình.
Trong ngục tù của cái tôi
Dục vọng chẳng hạn như ham muốn và hận thù luôn đày đọa và trói buộc ta. Chúng tức khắc phát hiện khi ta bị giam vào ngục tù vô cùng kiên cố, tối tăm và kín mít của cái tôi tự tại, một cái của tôi tự nó hiện hữu. Khi ta bị giam vào đấy dục vọng sẽ hiển hiện. Những gì xui khiến ta phạm vào những hành động sai trái chính là sự "tối tăm dầy đặc" phát sinh từ những ý nghĩ cho rằng các hiện tượng - nhất là cái tôi - tự nó hiện hữu một cách thực sự. Thực ra chúng ta luôn bị cuốn trôi bởi bốn dòng nước cực kỳ hung hãn đó là : sự sinh, già nua, bệnh tật và cái chết [trong dòng nước luôn biến động đó hiển hiện ra sự sinh, già nua, bệnh tật và cái chết, không có cái tôi tự tại nào cả].
Cái tôi sinh ra từ tưởng tượng
Giữa hiện thực và phương cách hiển hiện của mọi vật thể có một sự khác biệt vô cùng lớn lao. Sử dụng phương pháp phân tích không thể xác định được sự hiện hữu minh bạch của các hiện tượng, vì thế có thể bảo rằng các hiện tượng tự chúng chúng không hiện hữu. Nếu tự chúng hiện hữu thì các hiện tượng không kết nối chằng chịt với nhau như trên thực tế. Nếu bảo rằng sự hiện hữu của các đối tượng quan sát lệ thuộc vào sự diễn đạt của tri thức chủ quan thì cũng là một cách xác nhận các đối tượng chỉ đơn giản hiện hữu bằng tên gọi. Hãy thử áp dụng sự suy luận đó vào trường hợp của chính mình sẽ thấy, tức là cách quan sát cái tôi của chính mình. Ta hình dung ra cái tôi hiện hữu trong các giới hạn quy định bởi một thân xác và một tâm thức. Thế nhưng nếu phân tích hai cơ sở - tức thân xác và tâm thức - trong đó ta cảm nhận được cái tôi, ta sẽ không tìm thấy nó trong đó. Khi ấy ta sẽ hiểu rằng cái tôi chỉ hiện hữu dựa vào sự tưởng tượng và các khái niệm.
Sự ích kỷ
Khi chỉ biết thương yêu chính mình ta sẽ cảm thấy chẳng có gì quan trọng hơn chính mình. Dù cho sự ích kỷ khiến ta tự xem mình quan trọng hơn hết, ta cũng chỉ đại diện cho một người. Dù cố tình xem tất cả mọi người đều nhỏ nhoi, họ vẫn đại diện cho một con số vô cùng lớn lao.
Một sự ích kỷ khôn ngoan
Dù sự ích kỷ là một sự kiện tự nhiên đi nữa, thế nhưng nó sẽ trở thành một sự ích kỷ khôn ngoan khi nó biết loại bỏ tâm thức hẹp hòi và tất cả mọi sinh hoạt nhắm vào lợi ích của riêng mình. Đâu có ai gạt bỏ hạnh phúc ? Đâu có ai chọn lựa sự ngu đần ? Đâu có ai chấp nhận sự thua thiệt ? Nếu bạn nhất quyết chọn sự ích kỷ thì nên chọn sự ích kỷ khôn ngoan không nên chọn sự ích kỷ phi lý. [câu trên đây hơi lắc léo : ích kỷ hẹp hòi tức là gạt bỏ hạnh phúc, chọn lựa sự ngu đần, chấp nhận sự thua thiệt, sự ích kỷ ấy chỉ mang lại khổ đau. Trái lại sự ích kỷ khôn ngoan là biết nghĩ đến người khác, từ đó sẽ phát sinh hạnh phúc "ích kỷ" cho riêng mình]
Hạnh phúc của ta nhờ vào người khác mà có
Các thứ phẩm tính đều phát sinh từ những hành động hướng vào sự an vui của người khác ; bất thỏa mãn, hoang mang và khổ đau là hậu quả của sự ích kỷ. Biết thương người và kính trọng mọi người, nhất định ta sẽ tìm được hạnh phúc, hạnh phúc đó phát sinh từ cách cư xử của mình như là một thứ hậu quả thật tự nhiên. Phải hiểu rằng thái độ chỉ biết có mình là nguồn gốc sinh ra mọi thứ khổ đau. Chăm lo cho người khác là nguồn gốc mang lại tất cả mọi thứ hạnh phúc.
Cái ngã
Theo tôi có hai cái ngã khác nhau. Một liên quan đến cảm tính thật mạnh về chính mình. Cái ngã ấy rất quá khích, đấy là một sự lạc hướng làm phát sinh mọi thứ khó khăn. Cái ngã thứ hai liên quan đến một cảm tính năng động thuộc vào loại như : "Tôi có thể làm được việc ấy", "Tôi muốn làm việc ấy", "Tôi phải nhận tránh nhiệm đó". Loại cảm tính ấy rất cần thiết, nó tượng trưng cho sự quyết tâm và lòng can đảm của con người. Đánh mất nó sẽ mang lại sự chán nản, nghi ngờ và thù hận chính mình.
Khía cạnh tích cực và khía cạnh tiêu cực của cái ngã
Lòng mong muốn có thể mang tính cách tiêu cực hay tích cực. Nếu tôi mong muốn đạt được sự tốt đẹp cho riêng tôi - chẳng hạn như mong muốn được khoẻ mạnh khi bị ốm đau hay mong muốn có một bát cơm khi đói - các sự mong muốn ấy hoàn toàn có thể chấp nhận được. Sự ích kỷ cũng thế cũng có thể tiêu cực hay tích cực.
Thói thường khi bám chặt vào cái tôi thường mang lại thất vọng và tạo ra sự xung đột với những cái ngã khác, vì những cái ngã khác cũng cố chấp như cái ngã của chính mình. Cái tôi quá mạnh đưa đến những hành động bốc đồng và những đòi hỏi quá đáng. Ảo giác về cái tôi trường tồn tạo ra một mối nguy hiểm cho tất cả chúng ta : "Tôi muốn như thế này", "Tôi muốn như thế kia", cuối cùng có thể đưa đến cảnh giết nhau, như ta thường thấy. Ích kỷ quá đáng có thể đưa đến những hành động tai hại không kiểm soát được, hậu quả phát sinh từ ích kỷ thường rất tai hại. Thế nhưng trên một khía cạnh khác một cái ngã cương quyết, tự tin có thể là một yếu tô tích cực. Thiếu cảm tính mạnh mẽ về cái tôi - có nghĩa là khả năng, sức tháo vác và sự vững tin nơi mình - không ai có thể đảm trách được những trách vụ lớn lao. Cần phải có một sự tự tin vững mạnh nơi cái ngã của mình, tôi tin chắc điều đó. Nếu người mẹ không có hai cánh tay làm sao có thể cứu con mình bị rơi xuống một dòng sông ?
Giáo dục
Tôi hoàn toàn tin tưởng nguồn gốc mang lại hạnh phúc và sự an bình cho con người phát sinh từ lòng từ bi và tình thương yêu ; sự giận dữ và hận thù chỉ mang lại các thứ xúc cảm bấn loạn và giao động trong tâm thần. Vì thế tôi nghĩ rằng giáo dục hết sức cần thiết.
Sự giáo dục trẻ em khi mới chập chững ảnh hưởng rất mạnh trong suốt cuộc đời sau này của chúng, điều ấy làm tôi rất kinh ngạc. Trước hết phải lo miếng ăn đầy đủ cho đứa bé đấy là những gì thuộc lãnh vực vật chất, sau đó đứa bé còn cần đến tình thương yêu và sự chăm sóc của cha mẹ, thiếu tình thương và sự chăm sóc đứa bé sẽ không phát triển được. Các khảo cứu khoa học cho biết như thế. Nói chung khoa học chứng minh cho thấy tình thương đóng vai trò thật quan trọng. Trước đây không mấy ai để ý đến các chuyện ấy.
Một số người có thể nghĩ rằng : "Đấy toàn là những chuyện tầm phào ! Tôi đủ sức tự xoay sở chẳng cần phải ý thức gì cả" [ý thức về tầm quan trọng của yêu thương trong việc giáo dục trẻ thơ]. Thế nhưng ngày nay thực tế cho thấy thái độ ấy hoàn toàn sai.
Muốn thành công phải tự tin
Muốn thành công cần nhất phải tự tin tức là phải can đảm. Tự tin nơi mình có nghĩa là đủ sức thực hiện một mình không cần đến sự giúp đỡ của người khác hay phải trông cậy vào người khác. Thiếu tự tin không thể thực hiện được một điều gì cụ thể. Phát huy lòng can đảm và nghị lực rất cần thiết để biến những gì trước kia có vẻ vô cùng khó khăn và phức tạp trở nên đơn giản và dễ dàng.
Sự thèm muốn
Đối tượng của thèm muốn là sự chiếm giữ của cải của người khác. Ảo giác có thể là nguyên nhân làm phát sinh một trong ba thứ nọc độc [khái niệm tam độc trong giáo lý Phật giáo : tham lam, sân hận và si mê, thèm muốn là nọc độc thứ nhất]. Ngoài ra còn có thêm năm yếu tố khác ghép vào đấy : sự bám víu cực mạnh vào của cải người khác, ham muốn được giàu có, ham muốn tước đoạt những gì thuộc sở hữu của người khác, ham muốn vơ vét của cải người khác để làm của riêng, và sau hết không muốn xảy ra những hậu quả tệ hại phát sinh từ sự thèm muốn ấy.
Sự thua thiệt và thắng lợi
Một người nào đó vì ganh tị hay ác cảm đối xử với ta thật tàn tệ, lăng nhục ta không tiếc lời, có thể đi đến chỗ đánh đập ta. Thế nhưng thay vì ăn miếng trả miếng, ta chịu thua thiệt và cứ để cho người khác dành lấy thắng lợi. Tuy nhiên trong một vài trường hợp hiếm hoi nếu giải pháp đó không mang lại kết quả, khi đó ta mới đối phó cương quyết hơn, thế nhưng lúc nào cũng phải giữ lòng từ bi rộng mở không một thoáng hận thù.
Những người bạn đích thực và giả hiệu
Có nhiều cách hình dung tình bạn hữu. Lắm khi ta nghĩ rằng phải có uy quyền và tiền bạc mới có bạn bè, thật ra không đúng như vậy. Khi còn của cải ta còn bạn bè, khi sa cơ họ sẽ bỏ ta nhanh chóng. Những người bạn như thế không phải là những người bạn đích thực, đấy chỉ là những người bạn vì tiền bạc và quyền lực. Nếu muốn có những người bạn đích thực ta phải tạo ra một môi trường thân thiện, phát lộ một sự trìu mến thành thực, sự hồi đáp sẽ đúng với sự mong ước của ta. Tất cả chúng ta đều cần có bạn, yêu thương và chăm lo cho người khác sẽ mang lại bạn bè, thật là một điều quá ư dễ hiểu.
Chiếc áo không làm được thầy tu
Nhiều người khoe mình mang đầy trí lực của người tu hành. Họ tìm đủ mọi cách để chứng minh điều đó, chẳng hạn bằng quần áo trên người, hoặc bằng cách sinh sống lập dị nào đó cách biệt với xã hội. Những người như thế không đứng đắn. Trong tập sách trình bày "Các phương pháp tập luyện tâm thức" có một câu như sau : "Hãy biến cải nội tâm của mình, cái vẻ bên ngoài ra sao thì cứ để nguyên như thế".
Sự mong ước
Có hai thứ mong ước :
- mong ước viễn vông dựa vào ảo giác, đấy là một thứ mong ước không mảy may liên hệ đến hiện thực.
- mong ước dựa vào lý trí và sự hiểu biết về một cái gì đó có thực.
Mong ước phát sinh từ dục vọng mang lại vô số khó khăn, mong ước dựa vào lý trí mang lại sự giải thoát và thể dạng hiểu biết toàn năng.
Sự thèm khát dục tính
Thèm khát dục tính có nghĩa là mong muốn sự thèm khát được thỏa mãn bằng cách chiếm hữu người khác. Nói chung đấy là một tác động tâm thần phát sinh từ một thứ xúc cảm nào đó. Ta tưởng tượng người đối tác thuộc quyền sở hữu của mình. Dưới tác động của thèm khát nhục dục, tất cả đều hiện ra rất êm ái và mọi sự đều có vẻ tốt đẹp, không có một chướng ngại nào cả, cũng không có gì cần phải dè dặt. Đối tượng của sự thèm khát tỏ ra thật hoàn hảo, xứng đáng để ca ngợi. Khi sự thèm khát chấm dứt - vì đã được thỏa mãn, hoặc thời gian làm cho nó suy giảm - ta sẽ không còn nhìn người đối tác giống như trước nữa. Các thể dạng bên ngoài của đối tượng trước đây thật xứng đáng cho ta thèm khát vụt đổi thay, sự biến đổi đó đôi khi xảy ra rất nhanh chóng.
Một số người tự thú nhận rất ngạc nhiên về hiện tượng ấy. Các xúc cảm lúc ban đầu tan biến rất nhanh nhường chỗ cho sự nghi kỵ. Người này khám phá ra bản chất đích thật của người kia mà trước đây sự thèm khát che lấp khiến họ không nhìn thấy. Đấy là nguyên nhân đưa đến cãi vã và hận thù khiến vô số các cuộc hôn nhân phải tan rã.
Giảm bớt sự thèm khát
Dù có đạp được cả thế gian này dưới chân ta vẫn chưa vừa ý. Không bao giờ có thể thỏa mãn được tham vọng, vì càng tìm cách thỏa mãn tham vọng, các thứ chướng ngại, khó khăn và khổ đau càng hiện ra nhiều hơn ! Chẳng những không thỏa mãn được tham vọng quá lớn mà còn gây ra thêm khổ đau. Ta hãy tưởng tượng mình là người thật giàu có, thực phẩm chứa đầy trong kho, thế nhưng ta chỉ có một cái miệng và một bao tử, ta không thể cho vào bao tử nhiều hơn sức nuốt của một người. Nếu ta cố gắng nhét vào miệng gấp đôi sức nuốt của một người, ta sẽ chết ngay. Tốt hơn ngay từ đầu nên tự giới hạn và bằng lòng với những gì mình có.
Sức mạnh của sự thư giãn
Không nên coi thường sức mạnh của sự thư giãn. Sau khi cố gắng làm một việc gì đó ta cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, vậy cần phải nghỉ ngơi để tìm y sự thư giãn và hồi phục sức lực trước khi bắt tay trở lại. Nếu không sự suy nhược thể xác sẽ ảnh hưởng đến tinh thần.
Bố thí
Tốt hơn hết không nên tích lũy của cải, không nên say mê gom góp tiền bạc để làm giàu thêm. Của cải là một chướng ngại ngăn chận việc phát động lòng rộng rãi tức là một trong số sáu điều hoàn thiện [còn gọi là Lục độ hay Lục Ba-la-mật, hạnh thứ nhất của Lục độ là Bố thí]. Nếu ta cảm thấy tha thiết với một thứ gì đó hãy nghĩ ngay đến tích cách vô nghĩa của các giá trị vật chất và bản chất vô thường của sự hiện hữu của chính mình. Sớm hay muộn ta cũng phải xa lìa những sở hữu của ta, không nên nằm xuống với sự bần tiện, tốt hơn tránh nó bằng cách bố thí ngay từ bây giờ. Những ai quán nhận được tính cách hão huyền của sự gom góp và bố thí với tấm lòng thiết tha mong cầu giúp đỡ người khác, ấy là những người bố-tát.
Pháp thí
Việc Pháp thí đòi hỏi người thuyết giảng phải tìm hiểu người nghe xem sức hấp thụ của họ đến đâu, họ có thể rút tỉa được những gì mà ta nghĩ rằng sẽ mang lại cho họ. Nếu không thì việc Pháp thí chẳng những không ích lợi gì mà còn có hại là đằng khác vì có thể làm cho người nghe mất hết tin tưởng nơi Đạo Pháp (Dharma).
Sự thất bại
Trong cuộc sống, sự thất bại bắt nguồn từ những ý nghĩ như thế này : "Tôi thật vô tích sự, chẳng làm được trò trống gì !" Trong trường hợp như thế phải cương quyết nói lên : "Tôi làm được việc ấy", thế nhưng không được kiêu ngạo, cố tránh những thứ xúc cảm bấn loạn. Phải cố gắng mang lại cho mình một nghị lực vững chắc. Tuy nhiên muốn làm gì cũng phải có thời gian. Thất bại lắm khi chỉ vì lúc đầu quá hăng say, lăn xả vào công việc, cố gắng tối đa, thế nhưng tình trạng ấy dễ sinh ra thối chí và bỏ cuộc nửa chừng.
Sự cố gắng
Người ta thường ví sự cố gắng với một dòng sông, nước chảy liên tục và đều đặn. Nếu sức cố gắng bền bỉ và không hề nản chí ta sẽ thành công. Sức cố gắng là dấu hiệu báo trước những hành động tích cực, giúp ta chống lại sự thối chí và chán nản khi gặp khó khăn. Ta phải giữ sức cố gắng thật kiên trì, không có gì lay chuyển được kể cả phải tái sinh vào cõi địa ngục một ngàn năm để thực hiện những lời nguyện của mình, dù chỉ để giúp đỡ một chúng sinh duy nhất.
Sử dụng năng lực
Trong sự khắn khít giữa hai người, tình yêu và sự bám víu hòa lẫn với nhau, vì thế thật khó biết trong tình trạng đó mỗi người cảm nhận sự tốt đẹp như thế nào. Khi tâm thức của một người bị chi phối bởi dục vọng và dù người này không phải là một người yếu đuối đi nữa, sự bất an trong tâm thức cũng không cho phép người ấy ý thức được tính cách phù du hay vô thường của các biến cố tâm thần [có nghĩa là yêu thương, khắng khít hay oán giận... tất cả không bền vững]. Thông thường, bám víu [yêu thương] hay thù ghét khi bùng lên đều làm phát sinh ra nhiều năng lực. Nhiệm vụ của ta không phải chỉ biết tránh né các cạm bẫy đang giăng ra mà quan trọng hơn là phải khai thác năng lực bao quanh các cạm bẫy đó.
Kẻ thù
Người thầy quý giá nhất của ta là kẻ thù của ta. Đấy là một lời giáo huấn quan trọng của giáo lý. Điều đó có thể chứng minh bằng các kinh nghiệm thực tiễn trong cuộc sống. Thật vậy bạn hữu có thể giúp đỡ ta bằng trăm vạn cách, thế nhưng chỉ có kẻ thù mới đủ sức tạo ra những thách đố đòi hỏi ta nếu muốn đương đầu phải phát triển sự can trường, sức mạnh nội tâm, phải can đảm, quyết tâm, nhẫn nhục, phát huy lòng từ bi và tha thứ, đấy là những phẩm tính đạo đức thiết yếu nhất giúp ta kiến tạo bản ngã của mình, mang lại hạnh phúc và sự an bình trong tâm thức.
Kẻ thù là ai ?
Kẻ thù là ai ? Chính mình. Đấy là vô minh của tôi, sự bám víu của tôi, dục vọng của tôi, hận thù của tôi ! Đấy là những kẻ thù đích thực. Người khác là kẻ thù à ? Hãy cẩn thận ! Kẻ thù của ngày hôm nay biết đâu sẽ là người bạn tốt nhất của ta vào ngày mai. Trước khi kẻ thù trở thành một người bạn, ít ra ta cũng có thể học được rất nhiều từ người ấy ngay trong lúc này.
Gián và muỗi
Gián và muỗi à ! Đấy chỉ là một thứ kẻ thù trong chốc lát ! Một vài con muỗi vo ve chung quanh tôi ; con thứ nhất đậu vào cánh tay, tôi cứ mặc cho nó hút tí máu, vài phút sau nó hả dạ và bay đi. Sau đó các con khác kéo đến, hai, ba, bốn... Cứ như thế, sự bực bội của tôi tăng dần. Vậy phải làm thế nào bây giờ ?
Người khác
Từ quá khứ vô tận mỗi chúng sinh trên dòng hiện hữu đều liên hệ đến sự hiện hữu của ta trong quá khứ, sự liện hệ đó có thể tương tợ như sự liên hệ hiện nay giữa mẹ ta và ta. Phải ý thức được sự kiện ấy. Nắm vững được sự thực ấy dần dần ta sẽ cảm nhận được tất cả chúng sinh đều là bạn hữu của ta.
Sức mạnh của sự thử thách
Tôi vẫn luôn nói lên điều này : không nên quên là những giai đoạn cực khổ nhất trong sự hiện hữu là những giai đoạn phong phú nhất trong cuộc đời của minh, cả trên hai khía cạnh hiểu biết và kinh nghiệm, vì đấy là những dịp may giúp cho ta trưởng thành trên phương diện tinh thần. Sau khi ra thoát những giai đoạn đó ta trở nên chín chắn hơn. Cuộc sống vàng son làm cho ta yếu đuối. Trong các giai đoạn nguy khốn ta bắt buộc phải phát huy các nguồn năng lực nội tâm mà trước đây ta không ngờ tới, chúng mang lại cho ta sức mạnh đối đầu với thử thách nhưng không để ta bị tràn ngập bởi xúc cảm đủ loại.
Nóng giận và sự phán đoán
Phải tập chịu đựng sự khổ nhọc mà người khác tạo ra cho mình. Nóng giận và hận thù không đánh thức được những gì tốt đẹp trong lòng người khác mà chỉ tàn phá mọi khả năng phán đoán của mình, xúi dục mình trả thù. Nếu chỉ quen ăn miếng trả miếng, khi gặp một chút khổ đau dù thật nhỏ nhoi ta cũng không đủ sức chịu đựng, các phản ứng tiêu cực của ta sẽ tiếp tục tác động trong lâu dài. Khi bị người khác đánh đập, ta cảm thấy sự đau đớn phát sinh từ các vết thương và cả trong tâm thức. Nếu không nghĩ đến thân xác ta không cảm nhận được đớn đau. Thế nhưng khi nóng giận nổi lên thân xác không tránh khỏi sự thiệt thòi.
Đạo đức
Biết giữ gìn đạo đức là một thể dạng tâm thức không tạo ra những cảnh huống có thể gây ra nguy hại cho người khác. Phát huy được quyết tâm không làm bất cứ gì thiệt hại cho người khác tức là thành công trong việc giữ gìn kỷ cương đạo đức.
Sức mạnh nội tâm
Sức mạnh nội tâm rất cần thiết cho việc phát huy trí tuệ. Không phát triển được sức mạnh nội tâm ta sẽ không hội đủ can đãm và mất hết sự tư tin. Thiếu những yếu tố căn bản đó ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Nếu hội đủ nghị lực ta có thể thực hiện những gì trên nguyên tắc không thể thực hiện.
Cần phải biết giữ khoảng cách
Suy nghiệm trở lại một quan điểm xưa đôi khi cũng có lợi. Vừa thừa hưởng được những kinh nghiệm sẵn có, vừa mang lại cho ta một sự chỉ đạo và một khoảng cách để đắn đo. Sự hỗn loạn của bối cảnh hiện tại thường làm cho ta lạc hướng. Đối với thế giới này càng nhìn gần hơn ta càng không thấy gì cả. Tốt hơn mỗi ngày, trước khi đến gần hơn ta khởi sự từ những điểm thật xa.
Hy vọng, cầu xin và hành động
Thành thực mà nói, dù vẫn thường xuyên cầu nguyện thế nhưng tôi không hề tin vào những lời cầu nguyện đơn thuần. Hành động quan trọng hơn những lời cầu khẩn. Hy vọng chẳng ích lợi gì cả, ngoại trừ trường hợp được kèm thêm một vài hành động cụ thể nào đó. Bất cứ một tác động cụ thể nào cũng được tạo ra từ hành động, nhưng không thể xuất phát từ hy vọng.
Con người
Điểm khác biệt lớn nhất giữa con người và muôn thú là con người biết hành động vì lợi ích chung cho một số thật đông người khác, ngay một con thú đôi khi cũng biết rối rít lo lắng cho nó và đồng loại. Điểm đặc thù của con người là biết hy sinh cho người khác. Đấy là những gì cao cả thuộc vào bản tính của con người.
Sự hào phóng
Hào phóng (rộng rãi) là phẩm tính thứ nhất trong sáu điều hoàn thiện (Lục Ba-la-mật) đó là : bố thí, đạo đức, kiên nhẫn, cố gắng, tập trung tâm thức và trí tuệ.
Chúng sinh là cả một kho tàng
Không nên có thái độ vô tình với chúng sinh. Đấy là cả một kho tàng giúp ta thực hiện các mục đích tạm thời và tối hậu của ta. Nên hình dung mỗi chúng sinh như một đối tượng duy nhất đối với tình thương yêu của ta. Chúng sinh quý giá hơn chính mình, bởi vì ngay từ bước đầu trên đường tu tập ta phải cần đến họ để phát lộ lòng khát vọng thương người đưa đến sự giác ngộ tối thượng.
Vô ơn
Ta đối xử thật tốt và giúp đỡ một người nào đó, đúng ra họ phải biết ơn ta thế nhưng họ lại đối xử với ta thật tàn tệ. Tất nhiên đấy là điều đáng buồn. Tuy nhiên phép tu tập về lòng vị tha bắt buộc ta phải đối xử với người ấy tốt hơn nữa và biểu lộ lòng biết ơn sâu xa của ta đối với người ấy.
Sự dũng cảm
Dũng cảm là một phẩm tính quý giá, không những cần thiết cho ngưởi tu tập mà bất cứ ai cũng nên có. Có một câu tục ngữ vô cùng thực thế như sau : "Khi nghị lực có, phương tiện có". Khó khăn làm gia tăng thêm nghị lực.
Niềm hân hoan
Phải tập phát huy niềm hân hoan. Phải thực hiện phép tu tập về sáu điều hoàn thiện trong sự hân hoan. Niềm vui sướng và say mê trong lòng phải được bộc lộ ra ngoài một cách thật tự nhiên giống như sự vui thích của trẻ thơ khi chơi đùa.
Hôn nhân
Thú thật tôi chẳng có ý kiến gì nhiều để khuyên bảo về chuyện này. Theo thiển ý của tôi làm tình là một chuyện tốt. Thế nhưng việc cưới hỏi chớ nên vội vã, phải suy nghĩ cẩn thận, phải tin chắc là mình đã suy nghĩ cẩn thận trước khi quyết định chọn giải pháp cuối cùng, ít ra là cho kiếp sống hiện tại này. Được như thế hôn nhân sẽ mang lại hạnh phúc. Một gia đình hạnh phúc là thêm một bước đưa ta đến gần hơn với một thế giới hạnh phúc.
Thiền định
Tâm thức ta luôn bị phân tán và thu hút bởi những biến động bên ngoài. Sự phân tán đó làm giảm đi rất nhiều sức mạnh của tâm thức . Dòng chảy của tư duy tương tợ như một dòng sông : dòng nước tràn ra khắp hướng tùy thuộc vào địa thế trên mặt đất, thế nhưng khi được khơi dòng và gom lại nó sẽ trở thành một nguồn năng lượng vô cùng mãnh liệt.
Sự tinh khiết nguyên thủy của tâm thức
Nếu ta khuấy động nước trong ao, bùn sẽ làm cho nước đục ngầu, thế nhưng bản chất của nước không hề bị ô uế. Chỉ cần để yên, bùn sẽ lắng xuống đáy và nước lại trở nên tinh khiết như trước. Vậy làm thế nào để trả lại cho tâm thức sự tinh khiết nguyên thủy của nó ? Làm thế nào để loại bỏ các yếu tố làm ô nhiễm tâm thức ? Ta không thể loại bỏ các yếu tố ấy bằng cách khắc phục bối cảnh bên ngoài, cũng không thể phó mặc chúng, ta phải sử dụng các phương thuốc do thiền định mang lại để hóa giải chúng. Nếu ta có thể tập luyện mỗi ngày một chút, hướng vào một đối tượng nào đó bên trong tâm thức, ta sẽ gặt hái được kết quả hữu ích. Sự vận hành của quá trình tạo dựng các khái niệm diễn tiến trong tâm thức dựa vào những gì tốt đẹp hoặc xấu xa sẽ dần dần lắng xuống. Đấy là những giây phút nghỉ ngơi giúp ta đứng ra bên ngoài các khái niệm, những giây phút đó sẽ mang lại cho ta sự thảnh thơi.
Sự kiêu ngạo
Nếu biết sống một cách khiêm tốn ta sẽ nhận thấy mình ngày càng mang nhiều phẩm tính hơn. Ngược lại nếu chỉ biết sống trong sự kiêu ngạo, nhất định ta sẽ ganh tị với người khác, luôn kiếm chuyện gây sự và khinh miệt những người chung quanh. Đấy là nguyên nhân mang lại sự bất hạnh cho xã hội.
Quá khứ
Khi sự bất hạnh đã xảy ra rồi, tốt nhất đừng lo lắng quá độ, vì đấy chỉ là cách làm cho tình thế trầm trọng thêm. Không nên tự buộc mình vào những gì đã qua rồi, tránh không làm cho chúng trở nên nặng nề và gay gắt hơn. Nên bỏ hẳn quá khứ và những thứ phiền muộn do nó gây ra, hãy tự đặt mình vào hiện tại và cảnh giác không để cho những thứ khổ đau như trước đây tái diễn ngay trong phút hiện tại này và cả trong tương lai.
Dục vọng
Dục vọng làm biến dạng hiện thực bằng cách phủ lên trên nó các khái niệm mang tính cách xấu xa hay tốt đẹp đã được thổi phồng thêm. Phương pháp giúp loại bỏ cách nhìn sai lầm ấy là cố tránh các phản ứng tiêu cực do nó tạo ra, bằng cách quán nhận được bản thể tối hậu của mọi hiện tượng và khám phá ra không có bất cứ thứ gì tự nó hiện hữu một cách nội tại.
Sự tinh khiết
Như tôi thường nói, không thể tìm thấy Phật tính bên ngoài, do đó các yếu tố cần thiết để phát lộ Phật tính cũng nằm bên trong chúng ta. Hạt giống của sự tinh khiết và cốt tủy của như laiainsité - suchness) ẩn nấp rất sâu trong lòng chúng ta và đang chờ được hiển lộ trọn vẹn để trở thành Phật tính. (
Sự kính trọng
Lịch sự, tế nhị, khéo léo là những phẩm tính đáng quý, thế nhưng chúng vẫn là những gì bên ngoài và hời hợt. Một tâm thức cởi mở, trực tiếp và chân thật mới thật sự giúp sự giao tiếp giữa chúng ta trở nên sâu xa hơn. Những phẩm tính trong tim thật cần thiết cho sự giao tiếp giữa con người với nhau. Ngày nay sự tương giao bị phân hóa và mất đi ít nhiều nhân tính. Thực trạng đó mang lại sự bất tôn kính con người, khiến con người trở thành chiếc bánh xe của một guồng máy khổng lồ.
Trí tuệ
Thiếu sự điều khiển của trí tuệ, tất cả sáu sự hoàn thiện là bố thí, đạo đức, nhẫn nhục, cố gắng và tập trung tâm thức sẽ giống như một đám quân thiếu vị chỉ huy. Trí tuệ thật vô cùng quan trọng, sức mạnh của nó cộng thêm một số khả năng khác sẽ hoàn toàn đủ sức giúp ta phá tan được tác động của ảo giác. Trí tuệ nhận định minh bạch được bản chất đích thật của mọi hiện tượng, đấy là yếu tố tiên quyết mang lại sự giác ngộ.
Dù quyết tâm phát động lòng từ bi và tình thương yêu chúng sinh, thế nhưng nhờ trí tuệ ta không cảm thấy phát hiện bất cứ một tham vọng nào hay một sự bám víu nào, ta không rơi vào hai thái cực của khái niệm triết học về sự vĩnh hằng và hư vô, [lòng từ bi và tình thương trong lòng ta là những gì rất thực không phải là hư vô, thế nhưng trí tuệ nhắc cho ta biết bản chất của chúng chỉ là tánh không chớ nên vin vào đấy, bám víu vào đấy để chờ đợi kết quả là một sự vĩnh hằng].
Những ý tưởng mặc cảm
Muốn vượt lên trên các cảm tính yếm thế phải nghĩ ngay đến chư Phật trong quá khứ từng nhờ vào sức mạnh của nghị lực để đạt được giác ngộ. Trước khi thành Phật họ chỉ là những người bình dị như chúng ta. Thế nhưng nhờ trì chí trong việc tu tập Đạo Pháp (Dharma) nên họ đã đạt được mục đích tối thượng.
Chủ động các biến cố là chìa khóa của hạnh phúc
Người tu tập Phật pháp phải biết giữ tâm thức thăng bằng, không để cho các ý nghĩ đối nghịch làm giao động và trồi sụt bất thường, đấy là những gì thật quan trọng. Người tu tập có thể cảm thấy hân hoan hay khổ nhọc, thế nhưng phải giữ cho vừa phải không được quá lố. Sự nghiêm túc tạo ra thể dạng thăng bằng nhờ đó tim ta và tâm thức ta trở nên cường lực và kiên quyết hơn, giúp ta ít bị chao đảo hơn trước các biến cố bên ngoài.
Trong nơi sâu thẳm của mỗi con người đều có một chút trí tuệ nào đó trợ lực giúp con người đối phó với những biến cố tiêu cực bên ngoài. Dù bị các biến cố bủa vây ta cũng không bị hoang mang và lúng túng. Vì thế dù là một thứ gì đó thật tốt đẹp hiện ra ta vẫn đủ khả năng chủ động [kiềm chế bớt tác động do nó gây ra]. Chủ động được ảnh hưởng của các biến cố là chìa khóa mang lại hạnh phúc. Xứ Tây tạng có có một tục ngữ như sau : "Nếu ta không kềm hãm được sự vui mừng, nước mắt sẽ trào ra". Điều đó cho thấy bản chất tương đối của những cảm nhận về sự hân hoan và cả sự đau đớn [vui mừng ta cũng khóc, đau đớn ta cũng khóc, điều đó cho thấy tâm ta thức bị tác động quá đáng và dễ dàng bởi những biến cố bên ngoài].
Nọc độc của sự sống
Nếu ta không biết khai thác những gì thiết thực từ sự hiện hữu quý giá này tức thể dạng con người mà chỉ biết phung phí nó, tình trạng đó cũng tương tợ như ta cầm một bát thuốc độc để uống và hoàn toàn ý thức được các hậu quả sẽ xảy ra. Ta buồn khổ vì bị mất tiền thế nhưng lại hoàn toàn không hối tiếc một mảy may nào khi lãng phí những giây phút quý báu trong cuộc sống của mình. Đấy là một sự sai lầm lớn lao.
Phẩm hạnh của sự nhẫn nhục
Trong cuộc sống thường nhật thường xảy ra những cảnh huống buồn phiền nhiều hơn là những phút giây hạnh phúc. Nếu ta đủ kiên nhẫn, tức là sẵn sàng chấp nhận tất cả khổ đau về phần mình,dù không đủ sức chịu đựng tất cả khổ đau thân xác đi nữa nhưng ta sẽ không đánh mất sự sáng suốt trong sự phán đoán. Chúng ta luôn phải nhớ rằng trước một tình thế mà ta không thể làm biến đổi khác hơn được thì dù có cố gắng làm gì đi nữa cũng vô ích. Nếu nó có thể biến đổi được thì lo âu làm gì, chỉ cần làm cho nó biến đổi.
Phương pháp chống lại sự sợ hãi
Một trong những phương pháp chống lại sự sợ hãi sâu kín trong lòng mình là phải quán xét xem những thứ ấy là hậu quả của những hành động sai trái nào của mình trong quá khứ. Sau đó nên suy xét xem sự sợ hãi ấy do đâu mà ra, đấy là những nỗi khổ đau [trong tâm thức] hay chỉ là sự đau đớn [chẳng hạn như bệnh tật trên thân xác], hãy nhận định cẩn thận và tìm xem có giải pháp nào hay không. Nếu có thì sợ sệt làm gì ? Nếu không có giải pháp nào cả, thì lại càng không nên lo sợ vô ích. Hoặc ta cũng có thể sử dụng một phương pháp khác bằng cách tìm xem ai đang sợ. Quan sát xem bản chất của cái tôi là gì ? Cái tôi ấy đang ở đâu ? Nếu thốt lên "Đây là tôi" ? Vậy bản chất của cái tôi ấy là gì ? Biết suy nghĩ như thế sẽ giúp ta bớt đi sự sợ hãi.
Những xúc cảm bấn loạn
Có một câu tục ngữ Tây tạng như sau : "Chớ bao giờ nên nghĩ rằng 'vẫn chẳng sao' vì ý nghĩ ấy rất nguy hiểm". Khi một xúc cảm bấn loạn phát sinh thì phải sử dụng ngay liều thuốc hóa giải tương xứng để chận đứng nó, đấy là điều thật quan trọng. Thí dụ sự thèm muốn khích động ta, ta phải bắt tâm thức suy nghĩ để tìm cách loại bỏ ngay dục vọng ấy, nếu đấy là sự giận dữ thì phải nghĩ ngay đến yêu thương. Nếu không thành công, hãy đi ra ngoài tản bộ một vòng rồi về, hoặc tập trung tâm thức vào hơi thở.
Sự đơn sơ
Đơn sơ là một yếu tố cần thiết mang lại hạnh phúc. Ít ham muốn và thấy những gì mình có là đủ, đấy là những gì vô cùng quan trọng.
Con đường trung đạo
Sự chừng mực phải áp dụng cho cả miếng ăn : bao tử không thể thỏa mãn sự tham ăn của ta, ăn quá nhiều khiến nó bị bệnh, ăn quá ít nó cũng không chịu đựng được. Phải hình dung sự quá đáng trên cả hai khía cạnh : quá bảo thủ không tốt, quá cấp tiến cũng tai hại. Hãy nhìn vào con đường trung đạo trong giáo lý, nên giữ một vị thế trung dung.
Sự thật
Theo nguyên tắc, ta phải nói lên sự thực. Thế nhưng cũng có những trường hợp sự thật có thể mang lại tại họa. Vì thế nếu nói lên sự thực có thể làm thương tổn người khác và không mang lại một lợi ích gì, tốt hơn trong trường hợp đó nên giữ yên lặng.
Thí dụ, khoảng một trăm người thợ săn hỏi một nhà sư có thấy con thú chạy ngang đấy hay không. Thật sự nhà sư có thấy con vật chạy ngang, vậy trong trường hợp đó nhà sư phải trả lời như thế nào ? Với tư cách một người tu hành nhà sư không thể nói dối, thế nhưng nếu nói thật các người thợ săn sẽ tìm thấy con thú và giết nó. Trong cảnh huống đó tốt hơn không nên nói lên sự thật.
Sự rộng lượng hay sự tha thứ
Phẩm tính căn bản nhất trong các lời giáo huấn về đạo đức là tránh không đáp lại mọi sự công kích. Đương nhiên từ bi và tha thứ cũng chỉ là ngữ tự. Đã là ngữ tự thì chúng chẳng có một sức mạnh nào cả. Thông thường hành động đầu tiên của ta là đối phó, tìm cách phản ứng lại, đôi khi đấy là một sự trả thù, từ đấy những khổ đau khác sẽ phát sinh thêm. Vì thế Phật giáo luôn khuyên nhủ : "Phải làm cho hạ xuống". Vậy ta cứ thử làm một lần xem sao. Thiền định giúp phát sinh sự tha thứ và lòng rộng lượng trong ta. Phát huy được lòng rộng lượng sẽ tạo được nhiều lợi ích. Sự rộng lượng và tha thứ của ta sẽ làm tấm gương cho những người chung quanh.
Sự làm việc
Kiếm tiền để sinh sống là một sự cần thiết, thế nhưng đấy không phải là một cứu cánh.
Sự nghiêm túc
Khi một chiến sĩ đánh rơi thanh kiếm, phản ứng của ngưởi này là nhặt lên ngay không một chút do dự. Cũng tương tợ như thế, trong lúc tu tập phát động sự cố gắng ta phải thường xuyên cảnh giác không được rơi vào vòng ảnh hưởng của các thể dạng tâm thức tiêu cực. Sự cảnh giác của ta có thể so sánh với sự cảnh giác của một người đặt một ly sữa thật đầy trên đầu, nếu để cho sữa trào ra ngoài một giọt sẽ bị tử hình.
Quyết tâm thực hiện cho đến thành công
Làm thân con người có nghĩa là gì ? Có nghĩa là trong chúng ta hàm chứa vô số khả năng. Sự quyết tâm, lòng can đảm, sự tự tin nơi mình... đấy là những yếu tố cực mạnh mang lại thành công. Thiếu những đức tính đó, công việc của ta dù dễ dàng cách mấy cũng thất bại. Với lòng can đảm, sự nghiêm túc và chuyên cần ta sẽ thực hiện được những gì vượt khỏi sức tưởng tượng. Vì thế người ta thường gọi đấy là cách biến những gì không tưởng trở thành sự thực.
Giúp đỡ người khác
Giúp một người cũng là giúp. Ta có thể trở thành người hữu dụng khi tham gia vào các lãnh vực giáo dục hay y tế chẳng hạn. Thế nhưng ta cũng có thể hành nghề trong các xí nghiệp hay cơ xưởng. Có vô số phương cách giúp đỡ người khác. Làm việc vì đồng lương có thể không phải là cách giúp đỡ trực tiếp xã hội, thế nhưng công việc của ta cũng góp phần mang lại lợi ích cho mọi người. Vì thế cần phải làm việc với sự hăng say và tự nhủ : "Tôi làm những việc này với mục đích giúp đỡ người khác". Đương nhiên nếu bạn chế tạo súng ống và đạn dược thì chuyện đó lại khác. Cầm viên đạn trong tay mà luôn tâm nguyện trong đầu : "Tôi làm viên đạn này để mang lại sự tốt lành cho người khác", suy nghĩ như thế thật không còn gì để phê bình thêm nữa. Đạo đức giả là như thế,[câu khuyên nhủ thật ý nhị, hãy nhìn vào những lời tuyên bố của các vị nguyên thủ của các quốc gia sản xuất và buôn bán khí giới].
Cuộc đời hối hả
Nên ý thức rằng bất chấp những gì ta thu góp được trong sự hiện hữu này, kể cả gia tài hàng tỉ, khi chết ta cũng không mang theo được một xu nào. Đấy là sự nguy hiểm của việc đầu tư trọn vẹn cuộc sống của mình vào các sinh hoạt thường nhật. Tuy nhiên không phải vì thế mà quay lưng lại với đời sống vật chất và dồn hết thì giờ chăm lo cho sự tái sinh của mình trong tương lai. Ta chỉ cần hy sinh một nửa thời gian và một nửa sinh lực của mình vào các chuyện thường tình, và sử dụng một nửa còn lại vào việc trau dồi nội tâm.
Đạo đức nghìn năm phục vụ cho người thế tục
Tôi tin chắc rằng sự góp sức của tất cả chúng ta có thể giúp hình thành một đường hướng tâm linh hiện đại. Khái niệm tân tiến đó nhất định phải được hình thành như là một thứ tôn giáo, trong mục đích tạo ra một bối cảnh thuận lợi để tất cả những ai có thiện chí đều có thể tham gia. Đấy là một khái niệm hoàn toàn mới mẻ tượng trưng cho một con đường tâm linh thế tục. Để quảng bá khái niệm đó chúng ta có thể nhờ sự giúp sức của các nhà khoa học. Khái niệm đó giúp chúng ta tìm thấy những gì mà chúng ta hằng mong ước, đấy là một nền đạo đức lâu đời. Tôi đoan chắc như thế. Đấy là những gì có thể kiến tạo một thế giới tương lai tốt đẹp hơn.
No comments:
Post a Comment