Friday, October 15, 2010

BỨC THÔNG ĐIỆP MUÔN ĐỜI

BỨC THÔNG ĐIỆP MUÔN ĐỜI

HT.PYYADASSI

1.Tìm cầu chân lý

Khi nằm giữa hai cây Ta la Song thọ ở Kushinagar, trước khi nhập Niết bàn, Đức Phật thấy hoa rơi xuống cúng dường Ngài, Ngài mới bảo tôn giả A Nan rằng:

"Này A Nan, những ai chánh hạnh, sống đúng chánh pháp, đó là những người thật xứng đáng tôn trọng cung kính Đức Như Lai với lòng tôn kính bậc nhất. Vì vậy, này A Nan, hãy tu tập, hãy sống theo chánh hạnh và chánh pháp".

Lời sách tấn này của Đức Phật về việc sống đúng chánh pháp, tỏ cho thấy rằng điều quan trọng bậc nhất là tu tập các đức hạnh của thân khẩu ý, chớ không chỉ dâng hoa cúng dường đến các bậc giác ngộ. Sự nhấn mạnh ở đây là sống đời sống chánh hạnh.

Đối với Đức Phật, tòan bộ lời dạy của Ngài chỉ là sự hiểu biết về bản chất hiện hữu của các pháp hiện tượng và sự trau dồi chánh hạnh để đưa đến trạng thái tâm hoàn thiện. Đây là triết học của Phật giáo.

Trong Phật giáo, trí tuệ là quan trọng bậc nhất, vì sự thanh tịnh đi ngang qua trí tuệ, ngang qua sự hiểu biết. Nhưng Đức Phật không bao giờ tán thán riêng về trí tuệ. Theo Ngài trí tuệ (tri kiến) luôn đi đôi với sự thanh tịnh tâm và giới hạnh (vijjacaranasampana). Trí tuệ đạt được bởi sự hiểu biết và sự phát triển các đặc tính tâm và tâm là trí tuệ ưu việt (bhavanamayapanna). Đó chính là kiến thức tích tụ chứ không phải là lý thuyết suông. Vì vậy, rõ ràng rằng, Phật giáo không phải chỉ là tình thương, cũng không phải bao gồm tìm kiếm sau trí tuệ, cũng không phải là chỉ cầu nguyện (mặc dù chúng có ý nghĩa và liên quan tới nhân loại) mà là sự khuyến khích áp dụng thực tiễn lời dạy để trở nên vô tham, giác ngộ và giải thoát.

Mặc dù chúng ta gọi lời dạy của đức Phật là Phật giáo, vì bao gồm học thuyết "ologies" và chủ nghĩa "isms". Nó thực sự không có vấn đề những nhãn hiệu mà chúng ta dán cho nó. Đặt nó là tôn giáo, triết học, Phật giáo hay bất cứ tên gì mà ta thích, thì những nhãn hiệu này có ý nghĩa nhỏ cho những người đi tìm chân lý và giải thoát.

Khi Upatissa và Kolita (hai vị này sau đó trở thành đại đệ tử của Đức Phật là Trưởng Lão Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên) đang lang thang đi tìm con đường giải thoát, Upatissa đã gặp Tỳ kheo Assaji là một trong năm đệ tử đầu tiên của Đức Phật đang đi khất thực. Upatissa rất ngạc nhiên trước vẻ đoan nghiêm, trầm tĩnh và đầy siêu thoát của vị tôn giả này. Nghĩ rằng chưa tới lúc phải hỏi han, Upatissa đi theo Assaji về nơi nghỉ của Ngài. Sau đó Upatissa chào ngài và hỏi về giáo lý thầy của Assaji. Tôn giả Assaji khiêm tốn nói rằng "Tôi không thể giải nghĩa nhiều về pháp và luật, nhưng tôi có thể nói cho bạn nghe ý nghĩa tóm tắt". Upatissa đã trả lời một cách thích thú "Tốt lắm, này bạn, xin hãy nói ít nhiều, những gì tôi muốn chỉ là cốt lõi, không cần nhiều lời". Rồi tôn giả Assaji đáp lại bằng một bài kệ đơn giản nhưng bao quát toàn bộ giáo lý duyên khởi của Đức Phật:

"Bất cứ cái gì do nhân duyên sanh,

cái đó Như Lai giải thích là nhân,

và như Lai cũng giải thích sự đoạn diệt của chúng

Đây là lời dạy của bậc thánh tối thượng".

Upatissa ngay khi hiểu được ý nghĩa đã chứng được trạng thái giác ngộ đầu tiên (Tu đà hoàn), hiểu rõ rằng "bất cứ cái gì được sanh ra, thì cũng sẽ bị họai diệt".

2.Bậc Đạo sư thực tiễn

Bậc đạo sư hướng dẫn chân chánh, thì sẽ đưa chúng ta đến chân giải thoát. Điều cần thiết ở đây là chỉ đúng và hiểu đúng. Chúng ta ngay cả có thể nhận được sự hướng dẫn từ thiên nhiên, cây cỏ, núi sông, vì có nhiều trường hợp con người đạt giác ngộ và giải thoát khỏi phiền não cấu uế, chỉ do thấy lá rơi, nước chảy, lửa rừng, đèn bị gió thổi tắt… Điều này như đã chạm đúng chỗ ngứa (tham công án) và vị ấy như chợt đốn ngộ bản chất vô thường của vạn pháp và họ liền giải thoát. Vâng! Cũng giống như hoa sen chỉ đợi ánh nắng mặt trời, ngay khi mặt trời chiếu thì hoa sen liền nở và mang niềm vui đến cho mọi người.

Đức Phật không quan tâm đến các vấn đề siêu hình, vì vấn đề siêu hình này chỉ làm rối sự thăng bằng tâm lý của con người. Giải pháp của vấn đề siêu hình học chắc chắn sẽ không giải phóng con người khỏi khổ đau và bất hạnh. Đó là lý do tại sao Đức Phật do dự khi trả lời những vấn đề như vậy và nhiều lúc Ngài không giải thích những điều mà thường bị nêu ra một cách sai lầm. Đức Phật là một bậc đạo sư thực tiễn. Mục tiêu duy nhất của Ngài là giải thích tất cả chi tiết trong vấn đề của khổ là thực tế phổ biến của cuộc đời, để làm cho con người cảm thấy sức mạnh lớn lao của khổ và làm cho họ nhận thức rõ về khổ. Ngài đã nói dứt khoát với chúng ta những gì cần, Ngài đã giải thích và những gì không cần, Ngài đã không giải thích.

Một thơì Đức Phật đang sống ở Kosambi (Allahabad) trong rừng Simsapa, Ngài cầm một ít lá trong tay và nói với các Tỳ kheo rằng:

-"Này các Tỳ kheo, các ông nghĩ sao, cái nào nhiều hơn, lá Simsapa trong tay ta hay số lá ngoài rừng?"

-"Bạch Thế Tôn, không nhiều là lá trong tay Thế Tôn và nhiều là lá ở trong rừng".

-"Cũng vậy này các Tỳ kheo, nhiều là những gì ta đã giác ngộ hoàn toàn nhưng không tuyên bố, không giảng cho các ông. Tại sao, này các Tỳ kheo, ta đã không tuyên bố chúng, giảng dạy chúng. Này các Tỳ kheo những điều đó thực sự không có ích, không cần thiết cho đời sống thanh tịnh, chúng không đưa đến vô tham, đoạn diệt, định tĩnh, toàn giác và giác ngộ Niết bàn. Này các Tỳ kheo, đó là lý do tại sao ta không giảng giải pháp này và những gì, này các Tỳ kheo, ta đã giảng giải?

3.Bậc lương y vô song

Đức Phật được biết như là bậc lương y tuyệt vời (bhisakko), nhà phẫu thuật thượng hạng (sallakatto-anuttaro) .

Đức Phật thực sự là bậc lương y vô song. Phương pháp trình bày về tứ diệu đế của Đức Phật có thể so sánh với phương pháp của một bậc lương y. Giống như vị lương y, đầu tiên Đức Phật chẩn đoán bệnh, kế đến xét đoán nguyên nhân, phát sanh ra bệnh, rồi xem xét sự chuyển biến của nó để cuối cùng áp dụng cách điều trị.

Bệnh nhân nên nhận biết sự khổ sở của mình, nên chú ý nó đừng để nó trở nên khó trị. Vị ấy nên nghĩ cách diệt trừ nguyên nhân của nó, với sự suy nghĩ này, vị ấy đi tới gặp vị lương y tài giỏi để có thể chẩn đoán và điều trị. Ngang qua hiệu quả của việc chữa trị, bệnh nhân thoát khỏi đau đớn và đó là phương pháp điều trị. Vì vậy, chúng ta không nên làm lơ khổ mà chúng ta cần phải biết rõ nó, vì nó là bệnh trầm kha (abhinneyya)( khổ đế). Khát ái là nguyên nhân phải được loại bỏ (pahafabba) (Tập đế). Bát chánh đạo phải được tu tập trau dồi(bahavetabba) vì nó là cách chữa bệnh (Đạo đế). Với sự biết rõ khổ, với sự loại bỏ khát ái ngang qua thực tập bát chánh đạo này, sự giác ngộ Niết bàn (saccikatabba) (Diệt đế) là chắc chắn. Đó là phương pháp điều trị hoàn tòan không chấp thủ và giải thoát khỏi khát ái.

Đối với những người mà quan niệm thế giới hữu tình từ góc độ đúng đắn, nghĩa là với sự nhận thức khách quan thì mỗi điều sẽ trở nên rất rõ ràng và sẽ biết chỉ có một vấn đề lớn trong cuộc đời, đó là khổ. Như Đức Phật đã nói thế gian thiết lập trên sự khổ, được xây dựng trên sự khổ (dukke loko patithito). Nếu bất cứ điều gì trở thành vấn đề thì điều đó là khổ, là không như ý, hoặc nếu chúng ta thích thì đó là mâu thuẫn, sự mâu thuẫn giữa tham muốn của chúng ta với các sự thật khổ đau của cuộc đời.

Sự thật cuộc đời

Theo Phật giáo , đời sống là khổ và khổ thống trị suốt cuộc đời. Đó chính là vấn đề nền tảng của cuộc đời. Thế gian này là khổ và ưu phiền, không ai tránh khỏi sự ràng buộc này của khổ. Đây là chân lý phổ quát mà người không có nhận thức( tức thấy các pháp như thật) có thể phủ nhận. Tuy nhiên, giác ngộ sự thật phổquát này thì không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn hạnh phúc. Đức Phật, bậc thoát khổ, không bao giờ phủ nhận hạnh phúc của cuộc đời khi Ngài nói về tính phổ quát của khổ. Trong Tăng Chi Bộ kinh có một bản liệt kê dài về những hạnh phúc mà chúng sinh có thể thọ hưởng.

Một món ăn không khoái khẩu, một thức uống không vừa lòng, một cử chỉ không thân thiện và hàng trăm những chuyện khác mang khổ đau và bất như ý đến với chúng ta, dù Phật tử hay không Phật tử, giàu hay nghèo, sang trọng hay thấp hèn, thông minh hay ngu dốt. Nhà đại văn hào Shakespeare chỉ nói lại những lời của đức Phật khi ông ta viết trong tác phầm Hamplet "khi buồn rầu đến, chúng không đến một mình mà đến cùng với những nỗi khổ khác." (Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí)

Đức Phật không tỏ lộ sự bi quan khi Ngài giải thích chân lý khổ cho các đệ tử và xem đấy là một trở ngại cho sự thực hiện chân lý. Ngược lại, Ngài luôn luôn vui vẻ mỉm cười để trình bày rằng:

"Thật sự chúng ta đang sống đầy hỷ lạc,

Chúng ta không có nhiều gánh nặng.

Với hỷ lạc này, chúng ta được nuôi dưỡng

Giống như chư thiên sáng chói"

[Phỏng dịch từ nguyên tác tiếng Anh "The timeless Message", của Hòa Thưọng Piyadassi đăng trong tác phẩm" Các viên ngọc của trí tuệ Phật giáo" (Gems of Buddhist Wisdom), CBBEF, Taiwan, 1996, trang 35-49]

No comments: