Wednesday, October 13, 2010

TẬP NÓI LỜI XIN LỖI






TẬP NÓI LỜI XIN LỖI!

altI/ AI CŨNG CÓ LỖI

Sống trên đời này không ai là không có lỗi. Khắp thế gian này không người nào dám tự hào là mình không có lỗi, nên phải biết nói lời xin lỗi.

Người xưa nói “Nhân vô thập toàn”. Nghĩa là làm người không ai hoàn toàn, mà không hoàn toàn tức là còn có lỗi, có sai sót. Hầu hết mọi người còn sống trong mê, trong cái tương đối, cho nên không thể nào tránh khỏi lỗi lầm. Nếu người hoàn toàn không có lỗi chắc là hiền thánh rồi. Còn là phàm nhân thì ai cũng có lỗi, có sai sót, đâu thể tự hào là mình không có lỗi, chính cái tâm tự hào là lỗi rồi.

Có ông Cừ Bá Ngọc năm 20 tuổi ông đã biết kiểm lại mình và biết lỗi để tận sửa sai sót. Khi qua tới năm 21 tuổi, kiểm lại thì ông thấy lỗi cũng chưa hết. Rồi qua năm 22 tuổi nhìn lại năm 21 tuổi thấy cũng vẫn còn có sai sót. Như vậy, cứ mỗi năm ông tự kiểm lại, tự sửa đổi. Đến năm 50 tuổi vẫn còn nhận ra lỗi lầm của năm 49 tuổi. Thế là phải sửa suốt đời chứ không phải sửa một năm hay hai năm là đủ.

Câu chuyện trên là bài học kinh nghiệm giúp chúng ta bắt chước tập nhìn kiểm lại một năm qua để sửa lỗi và chuẩn bị cho năm tới không còn sai sót. Nhờ vậy, chúng ta dẹp bớt tâm tự hào và thường tự kiểm tra lại mình.

II/ KHÔNG CỐ CHẤP TỰ MÃN, TỰ CAO TỰ ĐẠI.

Nếu không biết tự kiểm tra lại mình thì đó là một thiếu sót lớn, là thiếu tu. Bởi vì phàm nhân thì phải còn có sai sót, mà có sai có lỗi thì phải sửa. Phải thường tự kiểm tra lại mình để thấy được lỗi, để có tâm khiêm tốn vừa là tự sửa, vừa loại bỏ được tâm tự phụ. Tự phụ là luôn cho mình không có lỗi, luôn luôn đúng, lúc nào cũng hay nên không chịu nghe lời khuyên của ai hết. Từ tự phụ dần đưa đến tự cao tự đại, mà khi đã thành tự cao tự đại thì sao? Hòa thượng Tuyên Hóa giải thích theo kiểu chiết tự chữ Hán: Chữ tự “自” đi với chữ đại “大” thành chữ xú “臭 ” nghĩa là hôi thối. Vậy tự đại là hôi thối.

Khi biết được những ý nghĩa này rồi thì mỗi người phải khéo tự kiểm tra lại mình để khiêm tốn trở lại. Một khi đãø quen tự cao tự đại thì cho là mình hay, là cao nên không chịu nhận lỗi, có khi thà chết cũng không nhận lỗi. Đó là nguy hiểm, là lỗi lầm rất lớn.

Thời Xuân Thu Chiến Quốc, có câu chuyện về một chàng trai tính tình cố chấp (cũng là tự phụ). Hôm đó, anh ta ngồi xe ngựa để đi phương Bắc, giữa đường gặp người bạn già lớn tuổi, mới hỏi: “Anh đi đâu vậy?” Anh đáp: “Tôi muốn đi đến nước Sở”. Ông bạn mới hỏi: “Anh đến nước Sở à! Nghe nói nước Sở ở phương Nam sao anh lại đi phương Bắc, chắc là anh đi ngược đường rồi”. Lúc ấy, nếu anh ta là người khéo biết lắng nghe thì kiểm lại, thấy đi sai đường liền chuyển hướng. Đằng này, anh ta không chịu nhận sai mà còn biện bác trở lại. Nói: “Không sao, ngựa của tôi rất giỏi, anh không phải lo”. Ông bạn nghe vậy, nói: “Ngựa dù giỏi mà đi lầm thì càng đi càng xa”. Nhưng anh vẫn khăng khăng không chịu nghe. Anh nói: “Bác chẳng cần phí tâm như vậy, tôi có đủ lộ phí để đi đường”. Ông bạn già mới nói: “Tiền đi đường của anh dù có nhiều, nhưng phương hướng đã không đúng rồi thì anh làm sao đến được nước Sở dù có tiền đầy túi”. Đến như vậy mà anh ta vẫn cố chấp không nghe. Lại nói: “ Cũng không hề gì, tôi có một người xa phu rất giỏi đánh ngựa”. Anh ta cứ cố chấp bảo vệ cái lý của mình, mặc cho ông bạn lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm giải thích tận tình. Đó gọi là chết cũng không nhận lỗi.

Vậy, cuối cùng anh ta sẽ đi đến đâu? Dù cho có nhiều lộ phí, có ngựa giỏi, có xa phu giỏi nhưng mà lạc đường thì làm sao đi tới đích? Cho nên, nếu biết quay lại từ đầu thì đã nhẹ nhàng, còn khi lạc rồi mà quay trở lại thì càng xa nữa, bởi vì ngựa giỏi chạy càng nhanh thì lạc càng xa. Đó gọi là thiếu tinh thần biết lắng nghe, biết nhận lỗi, khiến người nhìn thấy chỉ biết lắc đầu thương xót.

Đó là một bài học kinh nghiệm cho chúng ta, không nên học theo kiểu đó, không tự phụ, phải biết lắng nghe, tự sửa đổi, biết tự kiểm tra lại mình.

Nhà thiền cũng có câu chuyện, một vị tăng đến bạch với Thiền sư Vô Đức: “Bạch thầy, thời gian con tham học dưới tòa của thầy đã đủ, nay xin từ giã thầy đi du phương hành khước”. Thiền sư Vô Đức bảo: “Làm sao biết đã đủ ?”. Vị thiền tăng thưa: “Dạ, bạch thầy, đủ tức là đầy rồi, cho vào không được nữa”. Thiền sư mới bảo: “Trước khi đi ông hãy đem đến đây một cái chậu đựng đầy đá, ta có chuyện nói với ông”. Ông tăng vâng lời làm theo. Thiền sư Vô Đức nhìn chậu đá nói: “Chậu đá này đầy chưa? ”. Vị tăng trả lời là đã đầy. Thiền sư Vô Đức lắc đầu, thuận tay bốc một nắm cát bỏ vào chậu, không có hạt cát nào tràn ra ngoài, vậy là chưa đầy. Ngài mới hỏi lại: “Vậy đã đầy rồi ư ?” Vị học tăng thấy Thiền sư bỏ nắm cát vào chậu đã phả mặt bằng rồi nên trả lời : “Dạ đầy rồi”. Thiền sư Vô Đức mới lấy một nắm vôi bỏ thêm vào, không thấy chút bột vôi nào tràn ra ngoài, cũng chưa đầy. Ngài hỏi lại: “Vậy đã đầy rồi ư?”. Vị học tăng thưa: “Dạ, đầy rồi”. Thiền sư lại đổ vào chậu một chén nước, cũng không có giọt nào tràn ra ngoài. Thiền sư Vô Đức lại hỏi: “Đã đầy rồi ư?”. Lúc này vị học tăng há hốc miệng không thể trả lời, không còn tự hào cho là sự học đã đủ.

Câu chuyện trên đủ cảnh tỉnh người nào còn mang tâm tự hào, tự mãn, cho cái hiểu, cái thấy, cái biết của mình đúng. Sự kiện này khiến thầy tăng phải luôn cảnh giác tâm tự mãn, biết khiêm tốn học tập.

Chúng ta cũng vậy, nhiều khi chỉ thấy biết theo chủ quan của mình, đâu biết bên trong ngầm vẫn còn có những kẻ hở, những sơ sót chưa thấy hết được. Giống như chậu đầy đá tưởng rằng đã đầy rồi, nhưng nếu tìm sâu hơn nữa thì chậu vẫn chưa đầy. Cho nên, khi bỏ cát vào thì vẫn còn có thể chứa được; rồi cát cũng còn có khoảng hở, nên khi bỏ vôi vào thì cũng chưa thấm gì, đổ nước vào cũng vậy.

Để thấy rằng cái nhìn chủ quan tự cho mình là đầy, là đủ rồi thì đó là sai lầm. Phải biết tự tập đức tính khiêm tốn, thường biết kiểm tra lại mình để tránh bớt lỗi lầm, đó là điều quý nhất. Nếu ai tự cho mình là đủ, là đúng là hay thì nên kiểm lại, đó là kinh nghiệm tự cảnh tỉnh bản thân.

Một câu chuyện khác, có vị thiền tăng tên là Tenno, đến tu học với Thiền sư Nan-in 10 năm. Một hôm, thiền tăng Tenno tự cho mình đã đầy đủ công phu tu tập rồi nên đến từ giã thầy để xuống núi. Thiền sư nói: “ Được, thời gian cũng đủ rồi. Nhưng ta muốn hỏi con: Trước khi vào thất, con để cây dù ở bên phải hay bên trái đôi dép của con vậy?”. Bị Thầy hỏi bất ngờ nên vị tăng bối rối suy nghĩ trả lời. Thiền sư bắt vị tăng ở lại thêm một thời gian nữa. Sau đó, lần thứ hai, vị tăng đến từ giã xin đi. Thiền sư cũng hỏi bất ngờ: “Lúc vào đây, con bỏ dép ở chân nào trước?”. Vì không chú ý, nên vị tăng phải suy nghĩ để trả lời. Vừa suy nghĩ thì Thiền sư nói như vậy không được, hỏi thì phải trả lời ngay, nên bắt vị tăng phải ở lại mấy năm nữa. Qua mấy năm, vị tăng thấy mình đã thành tựu thiền đến mức khả quan, nên lại đến từ giã thầy với một niềm tự tin vững chãi. Thiền sư nhìn vị tăng cười bảo: “Thôi được, con đi cũng tốt. Trời đang gió lạnh, con hãy giúp thầy đóng cửa sổ”. Vị tăng mừng quá, nhanh tay đóng cửa phát ra tiếng động lớn. Thiền sư bắt vị tăng ở lại thêm mấy năm nữa. Nhờ vậy, sau này vị tăng đó trở thành một Thiền sư nổi tiếng ở nước Nhật. Đây cũng là bài học để mỗi người chúng ta tập tính khiêm tốn, bớt lòng tự hào cũng vừa tự kiểm tra lại mình.

Vì chủ quan, chúng ta hay cho là mình tốt hoặc được rồi, nhưng người ngoài nhìn vào thấy vẫn còn chưa được. Cho nên phải giảm bớt tính chủ quan, vì chủ quan dễ đưa đến tự phụ, rồi tự cao, tự đại. Đây là những bài học hiện thực trong cuộc sống tu hành của chúng ta, phải luôn luôn tự kiểm tra bản thân để tu tiến. Có tự kiểm tra lại mình mới thấy được những sai sót; có thấy sai sót bản thân và thấy cả sai sót của người, nhờ vậy khởi lòng cảm thông và bớt tâm tự phụ.

III/ THƯỜNG TỰ KIỂM TRA MÌNH.

Có câu chuyện về hai nhà họ Trương họ Lý. Một hôm, người bên nhà họ Lý qua nhà họ Trương hỏi : “Sao mọi người nhà anh sống với nhau vui vẻ, hài hòa rất là hay; còn nhà tôi năm ba bữa là cãi nhau, nhà anh có thuật sống gì hay vậy?”. Anh họ Trương nói: “Đâu có gì lạ! Mọi người trong nhà tôi luôn thấy mình là người xấu, còn nhà anh ai cũng thấy mình tốt nên mới như vậy”. Anh họ Lý ngạc nhiên: “Là người tốt tại sao lại cãi vã”. Họ Trương mới nói: “Ví như có một chén trà để trên bàn, một người đi qua vô ý đụng cái bàn, bàn chao làm rơi vỡ chén trà. Người nhà của anh không nhận lỗi, mà còn lớn tiếng trách: “ Ai để chén trà không ý tứ, phải để vào trong thì đâu có bể ?”. Người để chén trà cũng không chịu thua, cãi lại: “ Tôi để đó đâu có sao, tại anh vô ý làm bể, còn trách”.

Vì ai cũng thấy mình tốt, mình phải nên mới xảy ra cãi nhau. Còn nếu là người nhà của tôi khi gặp sự việc như vậy sẽ nhỏ nhẹ xin lỗi: “Tôi lỡ vụng làm đổ chén trà, thành thật xin lỗi”. Người để chén trà nghe vậy, cũng sẽ nói: “Cũng không thể trách anh, do tôi sơ ý để chén trà ở gần mép bàn nên mới bị đụng đổ. Đây là lỗi của tôi”. Hai người cùng nhận lỗi hết nên không cãi vã, trong nhà luôn an vui và tốt đẹp. Còn nhà anh ai cũng tốt thì lỗi về phần ai ?

Đây cũng là một kinh nghiệm sống, lỡ gặp chuyện như vậy thì chúng ta cứ nhận lỗi không trách ai. Phật tử hiểu và sống được thì sẽ thấy an vui. Nếu khi có lỗi mà không nhận lỗi thì đó là nguy hiểm, khiến người kia tức giận thành ra cãi vã, tranh chấp nhau cũng từ chỗ đó.

Nếu hai người đều đúng mà hai cái đúng chạm nhau thì tóe lửa, rõ ràng là như vậy. Nên phải nhận lỗi, tập nói lời xin lỗi, đó là yếu chỉ để sống hòa hợp, vui vẻ. Đây là những bài học thực tế, chúng ta phải hiểu được ý nghĩa đó để tập sống hòa hợp. Muốn được vậy thì phải thường tự kiểm tra mình đừng lo kiểm tra người.

Nhờ thường tự kiểm tra mình mới thấy được chỗ yếu, chỗ sai để mà tự sửa. Có ông bác sĩ Triệu là Phật tử, thường lên tòa diễn giảng. Hôm đó, giảng xong ông lái xe về nhà, vừa lái ra cổng thì bị chiếc xe taxi xông tới đụng vào xe ông. Rõ ràng anh tài xế taxi có lỗi, nhưng mà anh này còn mắng to: “Bộ ông muốn chết sao mà chạy như vậy?”. Bác sĩ Triệu tức vì theo luật đi đường thì anh taxi lỗi, đã vậy lại còn lớn tiếng chửi, bác sĩ đáp trả: “Chính anh mới muốn chết”. Tài xế taxi thách thức: “Ông ra đây!”. Bác sĩ nói: “Ra thì ra chứ sợ gì”. Ngay lúc ông sắp mở cửa bước ra khỏi xe, liền thấy nhóm học viên trong hội trường mà ông vừa diễn giảng ra tới, thấy thầy vừa giảng rất hay mà sao mới đây lại sừng sộ như vậy. Bác sĩ Triệu ngay đó tự kiểm lại mình, thấy hổ thẹn, liền đổi thái độ. Hướng về anh tài xế kia: “Thôi tôi xin lỗi anh, đúng là tôi sai rồi”. Anh tài xế ngạc nhiên, nhưng cũng trở lại khiêm tốn, nắm chặt tay bác sĩ: “Đây đúng là lỗi của tôi, chứ không phải ông”. Hai người vui vẻ bắt tay nhau rồi đi.

Các Phật tử thấy chiến trường sắp nổ nhưng mỗi người sớm biết xoay lại, biết nhận lỗi, chỉ cần chịu hạ mình thấp một chút là có thể xong việc. Còn ai cũng tự cho mình là trên, không chịu nhận lỗi nên mới sinh ra chuyện không vui, không tốt.

Chúng ta khéo tập nói được lời xin lỗi là đã giải quyết được bao nhiêu chuyện rắc rối. Chỉ cần một câu nói thôi. Quý Phật tử nào kinh nghiệm sẽ rõ. Nếu đã lỡ làm chuyện có lỗi mà thực tâm xin lỗi thì người kia họ cũng sẽ bớt giận; cũng như ai lỡ làm mình buồn giận mà họ xin lỗi thì mình cũng sẽ bớt buồn.

Như vậy, chỉ một lời xin lỗi thôi mà có thể chuyển họa thành phúc, chuyển rắc rối thành êm đẹp, vậy tại sao chúng ta không dám nói lời xin lỗi, trong khi không tốn công, tốn tiền tốn bạc gì hết? Xét lại thì chỉ vì lòng tự ái mà ra, do tự ái là hàng rào cản nên mới không dám nói. Người học đạo cần phải vượt qua, đó cũng chính là một cách để tự thắng mình.

Kinh Pháp Cú nói:
Dù tại bãi chiến trường,
Thắng ngàn ngàn quân địch,
Tự thắng mình tốt hơn,
Thật chiến thắng tối thượng.

Dù thiên thần, thát bà,
Dù ma vương, Phạm thiên,
Không ai chiến thắng nổi,
Người tự thắng như vậy.

Nghĩa là dù cho thiên thần ở cõi trời, dù ma vương hay Phạm thiên cũng không ai có thể bằng người tự chiến thắng mình, đó là một sức mạnh lớn, khó làm mà làm được.

Người biết nhận lỗi là người có sức mạnh lớn, vì người yếu đuối chưa chắc làm được. Nhưng người ta ít dám nhận lỗi mà thường thấy lỗi của người khác. Đó là thói quen ít tự kiểm tra mình mà lại thường kiểm tra người, nên kinh Pháp Cú nói:

Dễ thay thấy lỗi người,
Lỗi mình thấy mới khó.
Lỗi người ta phanh tìm,
Như lựa thóc trong gạo.
Còn lỗi mình che giấu,
Như kẻ gian giấu bài.

Tức là thấy lỗi người ta thì dễ, thấy lỗi mình mới khó. Lỗi người khác thì cố moi tìm như lựa thóc trong gạo; còn lỗi mình thì che giấu cho qua như kẻ gian giấu bài. Đó là thói quen.

Vì thường thấy lỗi người mà không thấy lỗi mình nên thành ra tự cao tự đại, rồi dễ bực mình, thấy anh đó cứ lầm lỗi hoài, cứ dở hoài mà không biết bản thân mình cũng có cái dở. Cho nên, nếu là người thường soi lại mình, lỡ thấy huynh đệ có sai sót thì cũng thông cảm, vì lâu lâu mình cũng có những cái dở, nhờ vậy ít bực bội. Nếu người mà lúc nào cũng tự cho là mình đúng, là tốt khi thấy người ta sai chút là dễ bực bội, rồi cứ lo trách người mà ít chịu trách mình.

Đó là những kinh nghiệm, là lẽ thật để chúng ta thường tự soi, tự kiểm lại mình, thấy được những cái sai sót của mình, dám nhận lỗi, dám nói lời xin lỗi, tạo không khí vui hòa, cũng là cách tiến tu. Có thấy được sai sót của mình, chúng ta mới sửa để tiến bộ, còn tưởng mình tốt thì không còn muốn nghe ai khuyên dạy nữa, cố chấp như vậy thì lỗi càng nhiều.

IV/ TỰ TRÁCH MÌNH TRƯỚC KHI TRÁCH NGƯỜI.

Một yếu chỉ để sống tốt nữa là phải thường tự trách mình trước khi trách người. Nghĩa là phải khéo tự trách mình trước rồi mới trách người sau, chứ đừng có trách người trước khi trách mình. Thường thì người ta hay trách người khác trước khi trách mình, chúng ta tu Phật phải ngược lại, tự trách mình trước. Đó cũng là cách giải tỏa nhiều phiền não cho mình. Bởi vì cứ lo trách người mà không dám trách mình, cứ đổ lỗi cho người còn mình lúc nào cũng tốt nên dễ sinh phiền não, bực bội bất mãn.

Cuối cùng, thấy ai cũng đáng trách hết, còn mình thì sao? Đây là một kinh nghiệm mỗi khi bị huynh đệ làm điều gì bất như ý cho mình thì phải tự xét tìm xem bản thân đã có khuyết điểm gì, nên người mới đối xử như vậy. Thí dụ họ cư xử tệ, có vẻ khinh thường mình, thì trước khi trách họ chúng ta phải trách mình trước, nghĩ lại chắc mình tu cũng có chỗ khiếm khuyết gì đó, hay đức hạnh của mình còn kém nên mới như vậy. Nếu như đức của mình cao thì họ đâu đối xử xấu. Quán xét kỹ thì sẽ thấy nhẹ nhàng, bớt phiền trách người khác. Tự kiểm mình để tu thêm chút nữa, vun bồi đức hạnh mình thêm chút nữa, được vậy thì tâm nhẹ nhàng và tu tiến thêm. Ngược lại, chưa gì đã trách người khác, thì càng sanh bực bội, càng thêm phiền não, không khí càng nặng nề hơn nữa.

Quý phật tử đã đọc câu chuyện ngài Milarepa, Ngài bị ông thầy ngược đãi một cách vô lý, nhưng Ngài cũng vẫn nhẫn nại, tự trách mình mà không oán giận thầy. Ngài tự trách nghiệp ác mình tạo nên mới gặp hoàn cảnh không hay. Đúng là trước kia Ngài cũng tạo nhiều nghiệp ác nên hiện tại thường tự trách lại mình, và Ngài càng tăng thêm sức nhẫn nhục. Nhờ vậy những quả báo ác của Ngài giảm bớt, và được giác ngộ trong hiện đời, nếu Ngài oán trách thì nghiệp ác không cởi bỏ được. Nếu người biết sống, sẽ có tiến bộ khéo vươn lên. Điều quan trọng là phải thường tự kiểm lại mình, tự trách mình, trách mình trước chứ đừng theo thói quen là trách người ta trước.

Việt Nam có kể câu chuyện về Thiền sư Hiện Quang là vị sư đầu tiên của sơn môn Yên Tử. Có lần, Ngài thấy vị thị giả dâng cơm, bất cẩn xẩy tay rơi mâm cơm xuống đất. Thầy thị giả sợ quá, vội lấy tay hốt cơm vô. Vì hốt vội nên cơm lẫn với đất đem dâng cho Ngài. Ngài thấy vậy tự trách mình: “Ta sống không làm lợi ích cho ai nhiều, nhọc công người cung cấp đến phải như thế.”

Ý của Ngài là thấy mình sống không làm được lợi ích cho ai nhiều mà còn phải làm phiền người. Từ đó, Ngài mặc áo bằng lá cây, ăn các thứ trái lượm được trong núi rừng chứ không dùng cơm để khỏi cần người cung cấp. Trải qua mười năm như vậy.

Đó là tinh thần tự trách mình, người tu được như vậy thì nhẹ nhàng không phiền não. Đây là những phương cách và là kinh nghiệm để chúng ta học hỏi. Người học đạo phải khéo biết soi lại như vậy.

Nhà thiền kể câu chuyện về Thiền sư Lâm Tế - Nghĩa Huyền khi còn đang tham học. Mỗi lần, đến thưa học pháp với ngài Hoàng Bá đều bị ăn một gậy và không trả lời gì hết. Nếu chúng ta đi cầu pháp mà gặp trường hợp như thế thì chắc là oán trách rồi bỏ đi vì ông thầy thô lỗ quá. Nhưng Ngài không trách gì hết, chỉ tự trách mình vô minh, nhiều chướng duyên nên không sáng tỏ được ý chỉ thầy dạy. Chính cái tâm như vậy nên mới tiến bộ, mới thành bậc Tông sư sau này.

Ở Việt Nam cũng có câu chuyện rất hay là “bến đò sáu mươi” nói về Sơ tổ Trúc Lâm.

Bấy giờ, vua Trần Nhân Tông lên núi tu nhưng cũng thường đi giáo hóa, thăm dạy các nơi. Ngài tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) nên mọi người xưng gọi là Trúc Lâm Đầu Đà. Vì Ngài mặc áo tu tầm thường, đi chân trần, nhìn không giống ông vua, nên có một lần đi từ nơi Thiên Trường qua bến đò ở xã Nghi Dương, nay là xã Ngũ Phúc thuộc huyện Kiến Thụy - Hải Phòng để thăm chị gái, tức là công chúa Thiên Thụy, tu ở chùa Nghi Dương.

Lúc ấy, trời sẩm tối có viên xã quan đi kiểm tra chuyển canh. Nhìn thấy vị sư khoác túi vải gầy gò, chống gậy dò đường đi ra bến đò. Vị xã quan đã ngà ngà say, hách dịch hỏi giấy tờ tùy thân của Đại sĩ. Đại sĩ từ tốn nói: “Tôi ở trên núi, lỡ đi có việc gấp nên quên mang theo giấy tờ”. Xã quan liền túm lấy Đại sĩ đấm cho sáu mươi đấm. Vừa lúc đó, gia nhân của công chúa Thiên Thụy tới đón Đại sĩ, thấy vậy mới hoảng hốt quát to: “Đó là Thượng hoàng, sao dám hỗn vậy?”. Xã quan nghe rồi hết hồn, run sợ quỳ rạp xuống lạy xin tội. Đại sĩ ôn tồn bảo tên xã quan phải khéo, từ đây trở đi phải chừa tật rượu chè, hống hách; rồi Ngài quay lại nói với gia nhân công chúa: “Đây cũng do nghiệp chướng của ta, không nên làm khó xã quan”. Vì vậy, từ đó bến đò này mới có tên là bến đò sáu mươi.

Như vậy, Ngài cũng tự trách nghiệp chướng của mình, trước do không khéo tạo nên nay mới gặp chuyện không hay, Ngài không trách người. Một vị vua danh tiếng, một vị Thượng hoàng đầy uy quyền khi bị người sĩ nhục vẫn không oán trách mà chỉ tự trách lại mình. Đối với chúng ta thì việc này có dễ làm không? Đó là những bài học sống, là tinh thần học đạo của người xưa.

V/ TÓM KẾT

Chúng ta học nhiều kinh luận, nhưng chỉ biết nhớ chữ nghĩa mà không ứng dụng ý kinh rồi chuyển thành bài học thực tế trong cuộc sống, thực là thiếu sót. Quý vị nghe giảng chỉ 1 tiếng đồng hồ là xong nhưng thực hành thì làm cả đời cũng không xong. Chỉ cần hai tiếng “xin lỗi” quý vị học cả đời học cũng chưa hết. Không phải đơn giản. Đừng tự hào nói tôi học thuộc hết bộ kinh này, bộ kinh kia…

Muốn học lẽ thực, trước hết chúng ta phải tập để quen “nói lời xin lỗi”. Tại sao phải thực tập? Bởi vì khi nghe thấy dễ nhưng làm thì khó, nên phải tập. Nếu như ai đã làm được rồi thì thôi, nhưng hầu hết chúng ta đều chưa được nên phải thực tập để cho quen, để sống được như vậy. Phải tập “nói lời xin lỗi” để có sự thông cảm với nhau, để dễ dàng dẹp bớt lòng tự phụ. Khi lỡ làm buồn phiền huynh đệ thì chúng ta phải tập can đảm lên, phải mạnh dạn nói lời “xin lỗi huynh, tôi đã làm huynh buồn”. Như vậy, liền có sự chuyển đổi, không khí sẽ nhẹ nhàng, bớt nặng nề. Còn nếu cứ mặt nặng với nhau ngày này qua ngày khác thì buồn phiền càng kết sâu. Sống như vậy có vui gì? Cũng như, nếu lỡ làm người trên buồn lòng thì trước mạnh dạn nói: “Con xin lỗi thầy” hoặc “Con xin lỗi ba mẹ”. Nói được bằng tâm chân thành thì sẽ không ai phiền trách nữa, không khí sẽ nhẹ nhàng an vui, hòa hợp. Phải tập giống như gia đình họ Trương, cả nhà ai cũng là người xấu hết thì không khí an vui, còn ai cũng tốt hết thì cãi vã nhau hoài.

Nếu có ai lỡ làm phiền huynh đệ, phiền người chung quanh mà còn tự ái cố chấp, làm mặt lạnh thì cuộc sống làm sao có sự thông cảm? Có nhiều trường hợp, hai xe đụng nhau, không ai chịu nhận lỗi, người này đổ qua người kia, người kia đổ qua người nọ thành ra cãi nhau; nếu lỡ chạm nhau chỉ cần bước xuống xe nói lời: “Xin lỗi tôi lỡ chạm anh” thì chắc là sự việc nhẹ nhàng. Cũng vậy, trong cuộc sống nếu cứ lo đổ lỗi cho nhau, trở thành bất mãn với nhau, rồi tự sanh phiền não, cuộc sống càng đưa đến tình trạng đen tối hơn, nguyên do cũng chỉ vì cố chấp mà ra.

Cho nên, người học đạo phải khéo tự kiểm tra và phải biết nói được lời “xin lỗi”. Có miệng là nói được. Chỉ cần khéo buông bớt cái “tôi” này một chút thôi thì sống gần với nhau, thương nhau hơn. Sẵn sàng xin lỗi tất cả. Đó là bài học mà tất cả người tu chúng ta cần phải thực tập.

Bây giờ, tôi xin làm gương trước: “Tôi xin lỗi tất cả. Bởi vì lâu nay mỗi lần giảng dạy Phật pháp, phải nói thẳng nói thật, nên nhiều khi cũng đụng chạm, ít nhiều cũng làm mất lòng mọi người nên tôi xin lỗi tất cả”. Khi nói thật thì có khi cũng đụng chạm cái tôi của mọi người. Nhưng học Phật là học sự thật, thì phải nói lời thật để khéo sống chân thật cùng tiến lên. Nay xin được nói lời xin lỗi, vì đây là việc làm rất là bổ ích trong cuộc sống của bản thân mỗi người.

No comments: