Friday, October 15, 2010

CUỘC SỐNG TỈNH THỨC

CUỘC SỐNG TỈNH THỨC

ĐẠT LAI LẠT MA


Tôi thấy rằng con đường nuôi dưỡng tâm tỉnh thức (hay tâm chánh niệm) là nguồn gốc của tất cả mọi hạnh phúc. Đó là con đường đáp ứng và thỏa mãn được mục tiêu của đời ta và của chúng sinh. Làm sao mà chúng ta bỏ qua được chuyện này?

Những người trong chúng ta muốn đi theo con đường của Bồ Tát là những con người có tinh thần trách nhiệm cao: muốn giúp cho mọi loài trong vũ trụ được an vui. Chúng ta cần học hỏi những giới luật khác nhau, cần biết nên thực tập cách nào và tránh những lỗi lầm ra sao. Thực hành như vậy chưa đủ, ta cần phải sống đời hằng ngày sao cho thân, khẩu, ý của ta không tạo ra những nghiệp bất thiện. Chúng ta phải biết tự kiềm chế để không hành xử sai lầm. Ta phải phát triển phương cách tu tập sao cho ngay trong giấc mơ, ta cũng vẫn tỉnh thức. Làm được như vậy là chúng ta có thể giữ gìn được tâm chánh niệm, không để nó bị tàn hoại.

Cho dù chỉ trong khoảnh khắc, ta ngăn cản các chúng sinh khác không cho họ được hưởng phúc lợi; hoặc trong một vài giây phút nào đó, ta gây trở ngại cho tâm chánh niệm thì ta cũng đã cản bước các Bồ Tát đang muốn giúp đỡ muôn loài. Kết quả là trong nhiều kiếp sau, ta sẽ phải sống khổ sở. Nếu phá hoại an lạc của một chúng sanh có thể gây ra chuyện đọa sanh vào kiếp khác thấp kém hơn, thì việc phá hủy an lạc của vô số chúng sanh sẽ đưa ta tới đâu? Vậy nên nếu chúng ta cứ lẫn lộn tâm tỉnh thức với vọng tâm, lúc ngộ lúc mê, nuôi dưỡng tâm chánh niệm rồi có khi lại thất niệm, phạm lỗi nặng, thì còn lâu ta mới tinh tấn để tinh thần đạt tới mức cao hơn. Muốn dốc tâm tu tập một cách can đảm và tự tin, ta phải thực hiện đầy đủ các giới hạnh bồ tát.

Bạn nên quán tưởng là nếu bạn không nỗ lực trong việc học tập và thực hành Bồ Tát đạo, thì bạn còn bị luân hồi trong nhiều kiếp thấp kém. Nếu vì những phiền não và các hành nghiệp bất thiện, bạn bị rớt vào những kiếp sống khổ đau thì Phật cũng không giúp gì được bạn. Vô lượng chư Phật đại từ đại bi đã thị hiện để cứu giúp chúng sinh. Nhưng vì lầm lỗi của chính mình, bạn không được các ngài cứu độ cho. Nếu bạn không cẩn trọng, để những phiền não xâm lấn tâm trí mình, thì bạn sẽ tiếp tục bị đọa vào cõi bất an hoài, Phật cũng không cứu được bạn. Cho dù thoát được những kiếp tối tăm, thì bạn cũng sẽ là một sinh vật bị nhiều thương tích, bị đau ốm, hay các trở ngại khác. Vậy thì, điều quan trọng là chính bạn phải tự mình thu nhập được các nghiệp thiện và loại trừ được những nghiệp dữ.

Hiện nay chúng ta đang rất may mắn. Chúng ta được làm người và gặp được giáo pháp của Phật; ta có niềm tin và cơ hội để phát triển những tính thiện. Đây là điều hiếm có. Chúng ta có thể khỏe lúc này, có thể giàu có và không gặp hiểm nguy. Nhưng cuộc đời có nhiều bất ngờ cùng với năm tháng trôi quá. Thân này là thứ ta vay mượn. Nếu hiện nay ta bị vướng mắc vào những khổ đau và hành nghiệp bất thiện thì chắc chắn trong tương lai ta sẽ không được làm người. Nếu may mắn, sinh ra được làm người, thì cũng lại phải vào hoàn cảnh tệ hơn, và ta cũng chỉ tiếp tục gom nhặt được những hành nghiệp xấu mà không biết tới những nghiệp tốt. Trừ vài trường hợp ta gặp cơ may, nhưng sẽ phải cố gắng lắm ta mới làm được vài việc thiện. Ta sẽ rất đau khổ, tâm trí ta bối rối và mê mờ. Vậy nên ta không có may mắn làm được chuyện gì tốt đẹp. Sống đau khổ như thế, ta ngày càng tạo nhiều nghiệp bất thiện, có thể tai ta không hề được nghe tới tiếng “hạnh phúc”, nói gì tới chuyện tái sinh sang kiếp tốt lành hơn?

Phật Thích Ca từ bi đã dạy chúng ta một câu chuyện ngụ ngôn như sau. Hãy tưởng tượng trên đại dương có một cái vòng nhỏ bềnh bồng trên sóng. Dưới đáy biển có con rùa mù, mỗi trăm năm mới nổi lên mặt nước một lần. Cơ may được làm kiếp người của chúng sinh cũng giống như cơ may của con rùa khi nó nổi lên mà chui được vào cái vòng tròn đó. Chúng ta thường tạo nhiều ác nghiệp, vậy nên ta phải tái sinh trong địa ngục đầy khổ đau. Không phải cứ sống trong khổ đau là ta trả hết được quả xấu đâu. Vì khi sống trong hoàn cảnh tệ hại, chúng ta lại hay tạo thêm nghiệp dữ, lại càng đau khổ. Chúng ta có sẵn trong tâm thức những hạt giống và điều kiện để thêm phiền trược và tạo thêm nghiệp ác. Một khi bị đọa vào những cõi thấp kém, khó mà ta ra thoát được. Vậy nên khi đang được may mắn sống đời tự do, nếu chúng ta không nuôi dưỡng tâm linh, làm quen với tính thiện, thì cũng như ta vô tình làm hại chính mình vậy.

Chúng ta mong được hạnh phúc, không muốn bị khổ đau. Ta lại có cơ hội nuôi dưỡng các nhân duyên của hạnh phúc, hủy bỏ những gốc rễ khổ đau. Bỏ qua cơ duyên như vậy là chuyện điên rồ nhất đời. Nếu chúng ta thu thập nhiều ác nghiệp thì khi chết, ta sẽ nhìn thấy địa ngục khủng khiếp, và ta sẽ chết trong sợ hãi, lo lắng. Sau thời gian ngắn ở trong cõi Trung Ấm, ta sẽ bị tái sinh vào cảnh giới xấu xa. Rất có thể là bị đọa xuống địa ngục. Những niềm đau và nỗi khổ làm cho ta ân hận, tâm tư tràn đầy phiền não. Chúng ta đang có được cơ hội hãn hữu, do tình cờ hay do may mắn. Ta hãy nhận biết và phân biệt cái gì tốt đẹp tạm thời, cái gì là vĩnh cửu. Nếu chúng ta không chăm sóc phần hồn, chỉ sống buông thả vào cuộc đời thô trược thì tâm ta sẽ rơi vào mê lộ. Giống như ta là người không có đầu óc vậy.

Những cảm thọ phiền não tiềm ẩn lặng lẽ trong tâm thức, phá hoại ta. Hãy coi chúng làm hại ta ra sao. Chẳng hạn khi cái giận phát khởi lên thì nó giống như một người bạn tốt đến bảo ta: “Đừng lo, tôi tới giúp bạn đây”. Bạn có thể đã bỏ đối phương mà đi chỗ khác, nhưng cái giận phát khởi, làm như nó cho bạn vay mượn sự can đảm giả tạo, khiến cho bạn thấy mình táo bạo và trả đũa đối phương một cách điên rồ. Sự ngu muội (Si) cũng tới với ta như một người bạn nhỏ nhẹ, rồi nó là cho ta thất vọng và tàn hoại ta. Vì những sân si, ta mất chánh niệm về tính Bất Nhị. Khi giận, ta hầu như phát điên, và mất hết ý niệm về sự bất phân biệt. Bạn có thể đánh một người này nhưng lại trúng kẻ khác. Khi giận bạn nói ra những điều vô lý và gây hấn đáng lẽ không nên nói. Khi sự sân si giảm xuống, ta sẽ nhận ra lỗi lầm của mình và ân hận, nhưng ta đã tạo nghiệp xấu mất rồi!

KẺ THÙ LÀ AI?

Bình thường ta nghĩ tới kẻ thù như những người ở ngoài ta. Ta nghĩ tới những lực ma quái hay thù hận như những thứ ở đâu khác. Ta nhắm vào đối phương và các thứ bên ngoài để tìm cách bảo vệ mình. Nhưng theo giáo pháp của Phật, kẻ thù bên ngoài không hẳn là kẻ thù. Sự thù hận từ bên ngoài trong thời gian này có thể trở thành tình bằng hữu thân thiện sau đó. Dù cho đó là kẻ thù chăng nữa, thì họ cũng giống như mình, mong được hạnh phúc, không muốn khổ đau. Đó là những kẻ cần tới lòng từ bi của ta.

Nếu chúng ta nghĩ kẻ thù là những gì mang tai hại tới cho ta, dù chỉ có tác hại trong thời gian ngắn ngủi thì chính cái thân ta cũng là kẻ thù của ta nữa, vì khi thất vọng nản lòng, ta thật khổ sở. Kẻ thù bên ngoài mai kia có thể là bạn, không bao giờ là kẻ thù hoài hoài. Kẻ thù chính là tâm phiền não của chính ta. Đó chính là kẻ thù thật sự và nó sẽ hiện hữu vĩnh viễn trong ta. Trong kinh Phật dạy, những tâm tư phiền não là kẻ thù, là thứ gây họa cho ta. Muốn được giải thoát hay tới cõi Niết Bàn, ta phải chiến thắng kẻ thù phiền não đó. Đạt tới Niết Bàn không phải là thay đổi cái thân mạng này hay dọn tới một hành tinh khác. Người dân Tây Tạng thường nói về đời sống gia đình như: “tôi đang lang thang trong vòng luân hồi”, làm như nếu không có gia đình thì họ sẽ được giải thoát. Nhưng đó không phải là sự giải thoát đích thực. Vì chính thân mạng mình là một sinh hoạt luân hồi, và chính vì cái thân này mà chúng ta tích tụ nghiệp dữ. Tham, sân, si được coi là những kẻ thù nội tại, nằm ngay trong chúng ta. Dù chúng không có khí giới, chúng vẫn chế ngự và sai khiến ta được. Chúng tạo nên những ảnh hưởng và hậu quả tàn hại vô cùng.

Khi chúng ta không chống cự được nữa thì ta có thể chạy trốn những kẻ ngoại thù. Như năm 1959, khi bị quân Trung Quốc vây khốn, chúng tôi đã qua đèo, vượt núi trốn thoát. Thời xưa người ta có thể ẩn náu trong đồn lũy kiên cố nhưng ngày nay, nếu ẩn trong đồn, ta chỉ trở thành mục tiêu cho họ tấn công. Các vị vua chúa thời cổ xưa sống trong thành quách, tưởng như họ sẽ sống vĩnh viễn. Đó là lý do khiến ta còn thấy rất nhiều đồn lũy ở Ấn Độ. Vạn Lý Trường Thành bên Trung Hoa cũng vậy, xây dựng bằng bao nhiêu mạng người, cũng vì một lý do đó. Nhưng nấp sau các công trình kiến trúc, nếu kẻ thù vẫn còn hiện hữu ngay trong con người bạn, thì bạn không làm chi được. Bạn làm sao trốn chạy được kẻ thù này? Nếu có vài giống vi trùng độc hại ở trong bạn thì bạn có thể uống hay chích thuốc để diệt chúng, nhưng chúng ta không thể dùng một sức lực bên ngoài để diệt trừ phiền não trong tâm ta. Đó là những kẻ thù thứ thiệt.

Dù cho tất cả các vị thần trong vũ trụ hay tất cả các sinh vật trên thế gian thù nghịch với bạn họ cũng không thể đưa bạn vào địa ngục được. Phiền não, trái lại có thể đẩy bạn vô đó tức thời. Vậy nên từ thuở sơ khai, phiền não luôn luôn là kẻ thù làm hại và hủy diệt chúng ta. Không có kẻ thù nào dai sức như những tâm hành phiền não. Kẻ thù nào cũng sẽ chết và biến đi. Nếu ta chiều theo yêu cầu cũa một kẻ thù bình thường, thì từ từ họ sẽ trở thành bạn, mang lại lợi lạc cho ta. Nhưng ta càng nương tựa vào phiền não, thì chúng lại càng tác hại và mang đau khổ tới cho ta. Đó là thứ thù thường trực, lâu dài và là nguyên nhân duy nhất gây ra đau khổ của chúng ta. Còn để cho chúng hiện hữu yên ổn trong ta thì ta chưa thể có hạnh phúc.

Nếu để mình bị sa vào cái lưới vướng mắc, thì bạn đừng mong cầu hạnh phúc. Bạn phải nhận diện, biết cảm thọ phiền não là kẻ thù thật sự của mình. Nhận diện được chúng rồi, bạn phải dùng các chất giải độc và có can đảm đối diện để chống lại chúng. Bạn phải hiểu rằng đó là nguồn gốc của tất cả khổ lụy của mình.

Trong đời sống bình thường, khi gặp một chuyện nhỏ thôi là ta nổi giận và muốn trả đũa ngay. Khi không bỏ qua được chuyện gì là ta mất ngủ. Khi một người lính ra trận, họ tình nguyện chịu cảnh bi thương và chỉ trở về sau khi chiến tranh chấm dứt, tự hào khoe những vết thẹo trên mình họ. Vậy thì tại sao ta lại không kiêu hãnh về công trình khổ cực chiến đấu chống phiền não của ta? Để được hưởng lợi chút ít, người ngư phủ, người đồ tể hay nhà nông rất chịu thương chịu khó trong công việc. Vậy thì tại sao chúng ta không chịu cực với công tác khó khăn hơn: đó là việc đạt tới quả vị Phật để cứu độ chúng sanh?

Khi lâm chiến, chúng ta có thể thắng kẻ thù và đuổi họ ra khỏi bờ cõi xứ mình. Họ có thể tụ họp lại, tăng cường quân lực và trở lại trận tiền. Nhưng khi chiến đấu chống phiền não, một khi bạn đã thắng và loại được chúng thì chúng không thể quay lại nữa. Trong khía cạnh này, phiền não là một thứ kẻ thù yếu ớt. Ta cũng không cần võ khí nguyên tử hay bom đạn để phá hủy chúng. Chúng yếu ớt vì một khi ta đã nhìn thấy sự thật và nuôi dưỡng được tuệ nhãn đó, là ta có thể loại trừ được phiền não. Khi ta đã phá hủy được phiền não trong tâm, thì chúng sẽ đi đâu? Chúng biến mất vào hư vô, không có chỗ nào mà trú ẩn. Vậy nên chúng không thể trở lại làm hại ta.

Không có một thứ phiền não nào hiện hữu độc lập. Khi sân si nổi lên trong tâm ta, chúng khá mạnh và làm cho tâm ta rối loạn. Tuy vậy, nếu nhìn nó cho kỹ thì nó sẽ không còn chỗ trú. Nó không ở trong cơ thể hay trong các giác quan của ta được. Nếu ta cố tìm những cảm thọ phiền não trong các thành tố tinh thần hay vật chất của ta, thì ta sẽ không tìm thấy chúng. Chúng giống như những ảo giác mà thôi. Sao ta lại để chúng lôi ta xuống địa ngục?

ĐIỀU PHỤC TÂM

Nếu chúng ta luôn tỉnh thức và quán chiếu kỹ càng thì ta sẽ biết nên huân tạp hay nên bỏ bớt những tính khí nào. Khi biết được cái gì có giá trị rồi, thì ta sẽ nhận diện được các cảm thọ tiêu cực ngay mỗi khi chúng ta bắt đầu khởi lên. Và ta có thể tự kiềm chế được. Sự chú tâm và cẩn trọng cần thiết. Tùy theo mức độ tỉnh thức mà ta chú tâm được nhiều hay ít. Ta cần theo dõi thân, khẩu và ý của ta bất cứ lúc nào. Tâm ta giống như con voi. Nếu ta để nó lang bang, không điều khiển thì nó sẽ phá hoại. Tâm chưa được điều phục có sức tàn phá mạnh hơn loài voi rừng nhiều.

Vấn đề là làm sao cho được tâm vào kỷ luật? Bạn cần có chánh niệm, nó là sợi dây kiểm soát thân, khẩu và ý nghiệp của bạn. Sợi dây chánh niệm sẽ cột con voi tâm bạn vào đối tượng quán chiếu như vào một cái cột. Nói khác đi là ta buộc con voi tâm vào những tánh thiện, không để nó lang thang về những hướng bất thiện. Để ý coi tâm đi về hướng nào. Nếu là hướng thiện, thì bạn nên vui mừng và làm cho nó mạnh lên. Khi bạn hướng được tâm về phía tích cực, bạn sẽ vượt thoát được sợ hãi.

Thiện hay bất thiện đều khởi lên từ tâm, tùy theo tâm bạn đã được chuyển hóa hay chưa. Điều quan trọng nhất là phải điều phục được tâm, cho nó vào kỷ luật. Tất cả những khổ đau, sợ hãi đều phát khởi từ tâm ta. Đức Phật dạy rằng không có kẻ thù nào mạnh hơn tâm mình. Trong cuộc đời, không có gì đáng sợ, đáng chê cho bằng cái tâm mình. Đức Phật cũng nói rằng chính tâm mình là nơi phát khởi những đức tính tuyệt hảo. Nguồn gốc của hạnh phúc và khổ đau đều là tâm cả. Thực tập tính thiện, ta có hạnh phúc, huân tập tính ác, ta bị khổ đau. Dù chỉ mới thực tập, khi càng chế ngự và kiểm soát được tâm ý, ta càng được sung sướng thảnh thơi.

Khi ta an lạc, nhẹ nhõm, dù cho cả vũ trụ coi ta là kẻ thù, ta cũng không sợ hãi hay đau khổ. Mặt khác, khi trong nội tâm ta bị xáo động hay phiền não, thì cho dù có món ăn ngon tuyệt để trước mặt, ta cũng không thưởng thức được nó. Nghe những chuyện hay ho ta cũng chẳng thấy vui. Vậy nên tùy theo tâm ta có kỷ luật hay không, ta sẽ sung sướng hay đau khổ.

Khi ta đã chuyển hóa tâm ta không tham đắm, không chiếm hữu là ta đạt tới hạnh bố thí Ba La Mật. Bố thí Ba La Mật đây nghĩa là bạn cho chúng sinh hết thảy những gì bạn có, kể cả những quả lành do hạnh bố thí này. Sự tu chứng hoàn toàn tùy thuộc vào cái tâm mình. Trì giới cũng vậy, đó là một tâm thức bất hại đối với tất cả mọi chúng sinh. Đó là sự thực chứng vô ngã. Nhẫn nhục Ba La Mật cũng thế. Vọng tâm của chúng sinh thì vô lượng. Nhưng một khi bạn đã điều phục được tâm mình, thì bạn có thể loại bỏ được tất cả các kẻ thù từ ngoài tới. Khi tâm bạn an bình, dù cả vũ trụ thù nghịch với bạn, bạn cũng không phiền não. Để bảo vệ cho chân khỏi bị xước sát, bạn không thể che phủ tất cả mặt đất bằng da. Bạn lót một lớp da dưới gót chân bạn thì hữu hiệu hơn.

TÂM CHÁNH NIỆM.

Muốn bảo vệ tâm ý mình, bạn cần cố gắng giữ gìn chánh niệm. Khi bạn không để ý, chánh niệm bị hao hụt đi, thì công phu thu nhặt được trong quá khứ sẽ bị mất đi như bị kẻ trộm cướp đi vậy. Hệ quả là bạn sẽ sinh vào một cõi thấp kém. Những ác nghiệp giống như kẻ cướp, kẻ trộm. Chúng luôn luôn tỉnh táo chờ cơ hội. Nếu có dịp là chúng cướp ngay công đức bạn có. Chúng lấy đi cuộc đời hạnh phúc của bạn. Vậy nên đừng để cho chánh niệm bị yếu đi. Nếu đôi khi lỡ thất niệm, bạn nên nghĩ tới những khổ đau vô hạn của cuộc đời để nhớ tăng cường chánh niệm lên.

Làm sao để giữ được chánh niệm và tỉnh thức? Gần cận các bậc thầy và nghe họ giảng dạy để biết nên tu tập ra sao. Bạn càng kính trọng giáo pháp thì bạn càng tỉnh thức. Khi gần tăng thân tốt, bạn cũng có thêm chánh niệm. Bạn sẽ biết nên huân tập các đức tính nào, nên xả bớt những tính bất thiện nào khi được nghe Pháp và thân cận với các thiện tri thức. Khi quán chiếu về tánh chất Vô Thường và những khổ đau trong cõi ta bà, bạn sẽ thấy sợ, và từ đó, sẽ tập được chánh niệm.

Một phương pháp khác để thực tập chánh niệm là biết rằng Đức Phật và các Bồ Tát là những trí tuệ siêu quần. Họ luôn luôn biết rõ bạn đang làm gì. Nhớ tới sự hiện diện đó, bạn sẽ cẩn trọng hơn. Bạn sẽ mắc cỡ khi làm gì sai trái. Vì Đức Phật và chư Bồ Tát có chánh niệm thường trực, thông suốt, ta không thể giấu họ chuyện gì. Ta thực tập quán tưởng kính ngưỡng Đức Phật khi hiểu chuyện này. Bình thường chúng ta tưởng rằng Đức Phật và Bồ Tát chỉ để ý tới ta khi ta tụng kinh, cầu nguyện hay niệm hồng danh của họ. Không phải vậy. Trí Tuệ Đức Phật siêu việt, Ngài nhận biết mọi chuyện dù vi tế tới đâu. Ngài có đại trí, hiểu được mọi sự vật, vượt cả không gian lẫn thời gian. Khi quán tưởng Đức Phật, ta nên biết rằng Đức Phật và các Bồ Tát luôn hiện hữu bên ta. Đây là một điều quan trọng trong sự tu tập hằng ngày.

Nếu bạn có chánh niệm, thì mỗi khi một niệm bất thiện khởi lên, bạn có thể kiềm chế được mình. Tỷ dụ như khi nói chuyện với một người khác, bạn thấy mình bắt đầu nổi giận. Chánh niệm sẽ giúp bạn ngừng lại hoặc thay đổi đề tài. Bạn nghĩ tới bạn thì sẽ thấy là dù đối phương có vô lý và dùng những lời lẽ khiêu khích, bạn cũng không nên trả đũa. Thay vì đối phó với tình trạng đó, bạn chỉ để tâm tới khía cạnh tốt đẹp của đối phương. Làm vậy, bạn cũng sẽ bớt giận đi.

Tâm trí ta giống như một con voi, thường bị những cảm xúc lao xao đầu độc, bạn nên cột nó vào cái trụ vững chắc của sự tu tập tâm linh. Ráng cố gắng hết sức để quán sát tâm mình, đừng sơ hở phút nào hết. Coi xem nó sắp làm gì, đang làm gì. Chẳng hạn khi thiền quán, ngay từ lúc đầu, bạn nên chú tâm một cách cẩn thận, không để bị sao lãng chút nào. Thời gian đầu, có thể bạn chú tâm được khoảng 15 phút không thất niệm mà thôi. Sau khi đã có thói quen như vậy, bạn có thể thiền tọa lâu hơn.

Dĩ nhiên, điều phục tâm và chú tâm quán sát đề tại thiền quán là chuyện khó khăn. Buộc tâm mình làm điều mình muốn làm cũng không dễ. Nhưng dần dà quen đi, bạn sẽ thành công. Bạn có thể dùng bất kỳ phương pháp nào giúp cho bạn kiểm soát được tâm mình. Chẳng hạn như ngồi quay mặt vào vách giúp chó bạn ít bị chia trí hơn các cách khác. Lúc này nhắm mắt lại thì tốt, khi khác mở mắt ra lại dễ thực tập hơn. Tất cả tùy vào khuynh hướng cá nhân và cơ duyên của bạn.

Vậy nên cần phải tỉnh thức và cẩn thận đối với những phiền não và các hành động vô nghĩa lý. Nếu bạn muốn đi đâu hay làm chuyện gì thì trước hết phải biết việc đó có đáng làm chăng? Khi bạn bắt đầu bị tham đắm hay khi bắt đầu giận dữ ai thì bạn đừng làm gì cả. Không nói gì, không nghĩ gì, bạn làm như mình là khúc gỗ mà thôi. Khi bạn muốn cười cợt ba hoa về chuyện gì, hay muốn bàn về lầm lỗi của ai đó, muốn đánh lừa người khác, hoặc giả muốn nói những lời thô lỗ, muốn đưa ra những nhận xét cay chua hoặc tự khen mình, chê bai kẻ khác... những khi đó, bạn nên coi mình như khúc gỗ thì hơn. Khi thấy mình có khuynh hướng muốn đạt tới mục tiêu cá nhân mà không đếm xỉa người khác, mà lại muốn thảo luận về chuyện đó, thì cũng chỉ nên làm như mình là khúc củi. Khi bạn sắp mất kiên nhẫn, lười biếng hay chán nản, hoặc khi bạn muốn nói ra những nhận xét tàn nhẫn hay quá tự mãn, thì cũng hãy ráng làm như khúc gỗ đi.

Người thiếu trưởng thành về tâm linh có đầu óc hẹp hòi giống như những đứa trẻ con ưa tranh cãi, không thể chơi chung với ai khác. Đừng bực với họ mà nên từ bi với họ, quán để hiểu rằng tính khí khó chịu của những đứa trẻ ấy là do phiền não trong tâm trí chúng. Do đó ta hiểu chúng hơn. Đừng bắt chước chúng. Thiền quán về tính giác giúp bạn vượt thoát được ý niệm về cái Ngã riêng biệt. Bạn sẽ thấy bạn là một phần của Bồ Tát. Hãy luôn quán như vậy, và nhất quyết đạt tới Chân Như trong đời người quý giá này.

THÂN VAY MƯỢN

Chúng ta cũng cần đối diện với sự vướng mắc vào cái thân này. Khi chết đi, thân ta có thể được liệng cho chim kên kên ăn, ta đâu có quan tâm. Vậy cớ sao ngày nay ta lại vướng mắc vào cái thân mình đến thế? Nếu ta mượn món đồ gì của một người có thế lực, sớm muộn gì ta cũng phải trả nợ thôi. Cái thân này cũng là thứ vay mượn. Dù ta cố gắng giữ gìn nó tới đâu, sẽ có lúc ta phải bỏ nó lại. Vậy mà vì nó, ta tạo ra những hành nghiệp gây ra biết bao khổ đau.

Chúng ta hãy quán chiếu về cái thân này: trước hết là lớp da. Dưới nó nào là thịt, là gân cốt, mạch máu và vân vân... Quang tuyến cho ta thấy sự thật, thân ta là tập hợp của xương, da, thịt. Nhưng ta thường nghĩ: đây là thân thể đẹp đẽ lịch sự của tôi. Nhưng nếu nhìn sâu vào, dưới lớp da thịt hồng hào chỉ là thịt, xương rồi tủy... Căn bản của nó là gì? Sao ta phải yêu quý cái Thân đến thế? Ta cho là phải chăm sóc cái thân mình thật cẩn thận. Nó cần quần áo và thức ăn. Mà không phải bất kỳ quần áo nào, y phục phải là thứ đẹp nhất cơ. Dĩ nhiên ta cần quần áo che thân cho ấm hay đỡ nóng nực, nhưng sao lại cần tiêu nhiều tiền vào chuyện che thân đến vậy? Ngoài ra người giàu sang còn cần trang sức. Người thì xỏ lỗ tai, kẻ xỏ mũi để đeo những cái toòng teng vô đó?

Tất cả những điều trên là kết quả của vô minh. Nếu bạn quán chiếu chuyện này cho kỹ, bạn sẽ thấy rằng bạn không thể tìm được sự tánh của cái thân. Đó chỉ là do trí khôn mà con người tạo ra bao nhiêu thứ chuyện. Do vọng tưởng, ta gọi người này là giàu có, kẻ kia là đẹp đẽ. Người đời nghĩ như vậy thì còn được chứ tu sĩ mà đeo trang sức thì thật là tệ hại. Hãy nghĩ coi Đức Phật Thích Ca sống ra sao? Ngài chỉ là một vị tu sĩ giản dị, không có chút trang sức nào.

Vậy, khi bạn quán chiếu cái thân, bạn sẽ thấy nó không có tự tánh. Nó chỉ là tập hợp của nhiều chất dơ bẩn, giống như một bộ máy sản xuất rác rưởi. Sao mà ta còn vướng mắc vào nó đến thế? Vì sao mà bạn gìn giữ cái thân thể vật chất này? Bạn không ăn được thứ thịt đó, không uống được loại máy đó, và cũng chẳng gặm được loại ruột gan của mình. Cơ thể ta có ích lợi gì? Có phải ta ráng bảo vệ cái thân mình để tới khi chết cho kên kên ăn chăng? Thân chúng ta bắt đầu từ hai cái trứng của bố mẹ. Nhưng nếu chúng ta bước qua một vũng những thứ này trên sàn nhà, ta sẽ thấy nó gớm ghiếc vô cùng. Nếu nhìn xa nữa, ta sẽ thấy cơ thể mình được tạo ra nhờ những chất xấu xí đó từ bao đời trước. Cũng vậy, khi ta nhìn sâu vào tính chất của thân ta, thì xương, thịt, da... đều là những thứ đáng ghê tởm.

Mỗi ngày, cho tới khi chết, ta ăn uống để nuôi dưỡng cái thân. Tôi đã ngoài lục tuần rồi. Suốt hơn sáu mươi năm đó, tôi đã ăn bao nhiêu thực phẩm, ăn bao nhiêu thịt? Bao nhiêu sinh vật đã mất mạng vì tôi? Chúng ta dùng bao sức lực để nuôi cái thân. Nếu mục đích cuộc đời chỉ có thế thôi thì có lẽ ta chỉ nên làm loài thú hay sâu bọ, ít nhất là ta không làm hại loài khác.

Ý NGHĨA CUỘC ĐỜI.

Nếu chúng ta không thể dùng trí thông minh của con người một cách tích cực, thì có lẽ cuộc đời này không có mục tiêu nào cả. Ta chỉ là cái máy sản xuất ra phân bón. Làm người, chúng ta phải biết dùng trí tuệ và chánh niệm về Bất Nhị để làm gì lợi ích cho chúng sanh. Như vậy cuộc sống mới có ý nghĩa. Đó là con đường dẫn tới hòa bình tạm thời và hòa bình vĩnh cửu. Học cao hay giàu sang chẳng có gì là lạ hết. Nếu chúng ta không có lòng từ bi thương xót chúng sanh thì dù có phương tiện và tài năng tới đâu cũng vô ích và vô nghĩa. Vì thế, chúng ta phải dùng thân mình để nuôi dưỡng trí tuệ, thực tập để chứng nghiệm những tính thiện.

Hãy ráng tự kiềm chế và hiểu rằng giúp ích kẻ khác là mục đích của đời người. Khi hiểu vậy, bạn có thể luôn luôn kiểm soát được thân tâm và dùng nó để giúp ích chúng sanh. Những con người thông minh biết nuôi dưỡng chánh niệm, biết đánh đổi sự an lạc của họ lấy những đau khổ của kẻ khác. Đó là những con người có thể đạt tới quả vị Phật. Đó là con đường của tự do và độc lập. Với lòng can đảm, tự tin và thoải mái, họ tin sẽ đạt tới mục tiêu nên họ thường tươi cười với người khác thay vì giận giữ cau có. Họ từ bi với mọi người, thân thiện và thẳng thắn, đối xử với mọi người như bằng hữu.

Trong cách cư xử, đừng gây phiền não hay làm hại kẻ khác. Nên cư xử giản dị, khiêm tốn. Hãy bắt chước con mèo luôn luôn hành động nhẹ nhàng, lặng lẽ chứ không rối rít lên. Khi có người nào cho bạn những lời khuyên có ích, hãy tiếp nhận và kính trọng họ. Học lấy những đức tính nơi người khác, coi mình như học trò của tất cả chúng sanh. Khi người ta nói hay làm những điều tốt, hãy khen ngợi họ. Bạn có thể khen thẳng mặt, nhưng như vậy coi như nịnh người ta. Tốt hơn là nên khen họ với người khác. Khi có người nào được ca ngợi, thì hãy vỗ tay theo. Thường khi nghe người ta khen nhau, ta hay nói một cách bi quan: “Đúng vậy, tuy nhiên...” hoặc không công nhận những lời khen đó mà lại nêu lên vài khuyết điểm. Nếu có người nói tới những đức tánh của bạn, thì bạn nên xét lại coi mình có những tánh thiện đó chăng. Đừng để cái tôi nó phồng lên, coi mình là người rất quan trọng. Thay vì tự mãn, bạn hãy tỏ ra biết ơn khi được tán thưởng như vậy.

Khi tôi còn nhỏ, thầy trụ trì viện dạy tôi viết chữ. Thầy kể chuyện khi dạy học, có lần thầy nói tới bộ râu, cái bướu cổ và sói đầu là ba thứ trang sức của thầy tu. Trong chính chúng tôi có một tu sĩ cũng có đủ cả ba thứ ấy. Anh ta cảm thấy hãnh diện, duỗi dài đôi chân ra một cách tự mãn. Nhưng khi thầy tôi nói đó là ba dầu hiện của một số mệnh không tốt, anh bạn tôi vội rụt ngay chân lại. Khi được khen ngợi, bạn đừng phỉnh mũi lên. Chỉ nên nghĩ rằng người khen đó có thiện tâm vì họ nhận ra được những thiện tính.

Khi bắt đầu bất cứ dự án gì bạn cũng nên hướng vào việc mang phúc lợi cho chúng sanh. Hạnh phúc và an lạc trong tâm mình là chuyện không thể mua được. Ta chỉ có thể nuôi dưỡng chúng. Khi thấy có người hạnh phúc, ta nên chia sẻ niềm vui với họ. Hãy vui sướng khi thấy người khác hạnh phúc, không ghen tỵ, không cạnh tranh, chỉ vui thôi. Được như vậy, bạn sẽ tự nhiên được hài lòng, và sẽ thấy đời mình có ý nghĩa. Bạn có thể an tâm khi bạn không bao giờ là kẻ thù hay làm phiền người khác.

Những người hay gây hấn hoặc làm phiền người khác thường luôn luôn bất an, không phải chỉ khi thức mà ngay trong giấc mộng cũng vậy. Nếu bạn giúp đỡ người khác và tạo nên môi trường hòa bình an lạc, bạn sẽ được an lạc, ngay cả trong giấc mơ. Vui sướng khi thấy người khác hạnh phúc là niềm vui trong sáng, vô nhiễm. Nó cho ta phúc đức ngay lúc đó và trong tương lai. Nếu bạn khổ sở và ghen tỵ khi thấy kẻ khác hạnh phúc, thì mắt bạn sẽ cay, lưng bạn sẽ đau và áp huyết cao vọt lên ngay. Ngay lúc này, tại đây, bạn đã khổ tâm và đau đớn, tương lai còn tệ hai hơn nữa.

TA VÀ NGƯỜI KHÔNG KHÁC

Bạn nên nhìn tất cả chúng sanh cách nào? Khi nhìn thấy họ, bạn nên nghĩ là nhờ họ mà bạn có thể đạt tới Phật tánh. Hãy nhớ tới những tính thiện và nhìn họ bằng con mắt thương yêu. Nếu bạn giúp đỡ những người có thiện tâm, ủng hộ những ai đã tử tế với bạn hay đang đau khổ, thì bạn sẽ tích tụ được công đức. Tỷ dụ như bạn hãy kính trọng người lớn tuổi, hay cha mẹ bạn. Người già sẽ công nhận những tính thiện nơi bạn, và người trẻ sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm nơi người già. Liên hệ hòa hợp giữa cha mẹ và con cái là điều rất quan trọng. Cha mẹ có bổn phận chăm sóc con cái và con thì phải biết ơn cha mẹ. Ngày nay tại nhiều quốc gia, cha mẹ và con không gần nhau lắm. Cha mẹ không yêu con mấy và con thì không kính trọng phụ huynh. Những người con như vậy chỉ mong bố mẹ chết sớm, và bố mẹ thì muốn ở xa con.

Giúp đỡ người cùng khổ là chuyện quan trọng. Khi nhìn thấy một người ăn mặc tươm tất và hấp dẫn, ta thường muốn giúp đỡ họ ngay; nhưng khi nhìn thấy một người rách rưới, ốm yêu, ta thường quay đi. Như vậy không tốt. Bề ngoài tươm tất và hấp dẫn có thể làm ta lầm lẫn, nhưng người khốn khó không có gì đáng ngại. Mỗi khi nhìn thấy một người hành khất, tôi ráng không bao giờ nghĩ rằng họ thấp kém hơn tôi. Tôi không khi nào cho là mình hơn một người ăn mày. Nhưng khi gặp một người tỏ ra thông minh khôn khéo, tôi thường không bị họ chinh phục ngay. Người ta có thể thẳng thắn, dễ thương thì chúng ta cũng vậy. Nếu hai người cởi mở gặp nhau, thì bạn có thể trở thành bằng hữu. Nhưng khi bạn vồn vã, thành thực mà người kia đáp ứng ngược lại, thì dĩ nhiên bạn sẽ phải dùng một phương cách khác để đối phó. Dù sao, điều quan trọng là đừng bao giờ lừa dối hay làm tổn thương một người đã bị áp bức.

Hãy sáng suốt và khôn ngoan để biết nên huân tập những gì, xả bỏ những gì. Nên có lòng tin vào những sinh hoạt tích cực chứ đừng chỉ nương tựa vào sự hỗ trợ của người khác. Điều quan trọng nhất là mỗi hành động của bạn phải có lợi ích cho người khác và thỏa mãn những nguyện vọng của họ. Hiểu được then chốt này rồi, bạn sẽ luôn cố gắng giúp người. Phật là người thấy rất xa nên biết cái gì có ích lâu dài, cái gì ngắn hạn. Vì vậy lời khuyên của ngài có tính cách uyển chuyển và một vị Bồ Tát luôn luôn cứu độ chúng sanh thì đôi khi có thể làm một vài điều thường bị cấm kỵ.

Chúng ta nên chia sẻ thực phẩm với ba loại người: những người bị đày đọa như ma đói, những người không được ai bảo vệ như ăn mày, súc vật; và những người tu hành, trì giới như tăng ni. Chia thức ăn ra làm bốn phần, ta nên cho 3 phần đi, chỉ giữ lại một. Mỗi khi ta ăn uống, hãy cúng dường Phật, Pháp, Tăng và bố thí một phần cho ăn mày, một phần cho ma đói. Thân thể của bạn là môi trường cho phép bạn quán chiếu sự tu tập tâm linh.

Vậy nên đừng hy sinh cái thân một cách nhẹ dạ. Bạn nên tránh hai thái cực: Đừng sống xa hoa quá, mang đủ các đồ trang sức, mặc đủ thứ quần áo kỳ lạ, ăn uống quá bổ dưỡng, vì làm vậy là bạn tiêu hết công đức của mình. Nhưng cũng không nên rơi vào thái cực kia, sống hoàn toàn khổ hạnh, thì có thể bị kiệt lực. Những lối hành xác như ở trần dù thời tiết ra sao, xiên lình vào bắp đùi... đều là cực đoan. Đừng làm khổ mình trong khi không nhắm vào mục tiêu nào cả. Điều này chỉ làm cho thân mình trở nên vô dụng, nó sẽ cản trở việc tu tập. Vậy nên nếu bạn dùng chính cái thân này để tu tập Giới, Định Tuệ, bạn có thể nhanh chóng đáp ứng được nguyện vọng của các chúng sanh.

Thái độ phân biệt, bè phái cũng rất nguy hiểm cho sự tu tập vì giáo pháp của Đức Phật có nhiều trình độ để đạt tới giác ngộ. Nếu thay vì dùng Phật Pháp để thấy được Phật tánh, chúng ta lại dùng nó để tạo nên sự chống đối hay chia rẽ giữa các truyền thống hay các tôn giáo thì thật là bất hạnh. Việc quan trọng là chúng ta phải làm quen với các giáo pháp khác, bằng cách lắng nghe, nhìn sâu và quán chiếu mà không kỳ thị môn phái. Có hai quan điểm: trước đây người ta thường chỉ lo học hỏi truyền thống của mình mà không chú ý gì tới các truyền thống và trường phái khác. Lại có nhiều người tìm cách học hỏi những môn phái khác với mình. Phương pháp thứ hai này thích hợp với tình trạng thế giới ngày nay hơn.

Trong giới Phật Tử Tây Phương, nhiều người chỉ biết có truyền thống mình đã theo, ngoài ra không hiểu gì hết. Họ lo lắng bứt rứt khi tiếp xúc với các truyền thống khác. Tôi thường giảng để họ hiểu là cả 4 môn phái Phật giáo của Tây Tạng đều theo Phật Pháp hết, không hề trái chống nhau. Theo tôi, tôi đã nhận ra là nếu ta học theo cả 4 phái thì rất có ích và lời lạc. Nghe nói thế, nhiều người cho biết họ rất muốn học cả 4 môn phái, nhưng tìm được thầy dạy hết mọi môn như vậy rất khó. Vậy nên chúng ta cần phải hiểu thấu các trình độ khác nhau trong 4 cách tu tập để có thể giúp được hết thảy chúng sanh.

Tại xứ Tây Tạng, dân ít, không khí và nước trong lành. Trước khi người Hoa tràn sang, nước ở đâu cũng uống được cả. Với khí hậu và môi sinh như thế, nên chúng tôi ít phải chú ý tới vấn đề sức khỏe và vệ sinh. Ngày nay tại nhiều nước tân tiến, nạn ô nhiễm đã khiến dân chúng phải có nhiều biện pháp phòng ngừa để bảo vệ trẻ em. Chúng ta phải học tập với nhau về chuyện này. Chúng ta đã có đủ các thứ căn bản cho cuộc sống an lành rồi thì phải để tâm tới đời sống của chúng sanh khác. Tỷ dụ như nếu ta đào đất hay cắt cỏ không có mục tiêu, thì ta đã làm hại bao nhiều loài sâu cái kiến. Để ý tới loài vật nhỏ bé đó, là ta đã bảo vệ môi sinh. Những người đã hiểu biết chuyện này nên đứng ra giúp người khác hiểu vấn đề này.

Trong bộ sưu tập Bồ Tát Đạo, việc huấn luyện cái tâm là chuyện quan trọng nhất. Trong khi tu dưỡng, Bồ Tát không coi thường một chuyện gì. Vậy nên không có chuyện gì mà không mang phúc lợi tới cho Bồ Tát. Khi bạn hành trì phép tu này, nên nhớ mọi hành nghiệp đều chỉ để mang phúc lợi tới cho mọi loài, và nhớ hồi hướng mọi công đức của bạn cho họ. Nhìn kỹ vào các Bồ Tát ta sẽ thấy họ hành xử hoàn toàn vô ngã. Bạn cũng nên tỉnh thức để tu tập như vậy. Chỉ nói thôi thì có ích gì? Bạn phải thực chứng. Làm sao ta có thể giúp được một người bệnh bằng cách chỉ đọc sách y khoa? Bạn luận về hạnh nguyện Bồ Tát không đủ, ta phải hạ thủ công phu hành trì và thực tập.


No comments: