Saturday, October 16, 2010

TRÁNH ÁC, LÀM THIỆN, GIỮ TÂM THANH TỊNH

TRÁNH ÁC, LÀM THIỆN,

GIỮ TÂM THANH TỊNH

NARADA MAHA THERA

Bác PHẠM KIM KHÁNH Dịch

LST – Một nhà thơ đời Đường, thích nghiên cứu Phập Pháp, đến gặp một thiền sư hỏi, “Phật Pháp có điều gì hay, xin ngài chỉ dạy”. Vị thiền sư trả lời tóm tắt, “Đức Phật dạy, tránh ác, làm lành, giữ tâm thanh tịnh”. Nhà thơ lấy làm thất vọng, “Nếu vậy thì đứa trẻ nào cũng biết, cần gì ngài nói!”. Thiền sư thêm, “Đúng, đứa trẻ nào cũng biết, nhưng cụ già tám mươi chưa chắc làm được!”. Đây là một câu hỏi mà ai trong chúng ta cũng thường đặt ra. Nhân đây, chúng tôi xin trích đoạn trong Lời Mở Đầu của tập biên khảo Đức Phật và Phật Pháp của Narada Maha Thera, được Đạo Hữu Phạm Kim Khách dịch ra Việt ngữ.

Phật Pháp là một hệ thống triết học và luân lý truyền dạy con đường duy nhất đến Giác Ngộ, và như vậy, không phải là một đề tài để học hỏi hay nghiên cứu suông, hoặc để thõa mãn tri thức.

Có vài lời phê bình vội vã cho rằng Phật Giáo là một tôn giáo tiêu cực và thụ động. Lời chỉ trích vô căn cứ ấy hẳn còn xa sự thật.

Đức Phật là nhà truyền giáo đầu tiên hoạt động tích cực nhất trong lịch sử nhân loại. Trải qua bốn mươi lăm năm trường, Ngài đi từ nơi này sang nơi khác để hoằng dương giáo lý, đến hàng đại chúng cũng như các bậc thiện thiện trí. Chí đến giây phút cuối cùng, Ngài phục vụ nhân loại bằng gương lành trong sạch và giáo huấn cao thượng. Hàng môn đệ lỗi lạc của Ngài cũng bước đúng theo dấu chân Ngài. Không một xu trong túi, các vị ấy đi đến những phương trời xa lạ để truyền bá giáo pháp mà không bao giờ cầu mong đền đáp.

“Liên tục và kiên trì nỗ lực”, là di huấn tối hậu của Đức Phật. Không có sự giải thoát nào, không thanh lọc nào có thể thực hiện được, nếu không có cố gắng cá nhân. Như vậy, Phật Giáo không chủ trương van vái nguyện cầu, mà thay vào đó, dạy thực hành thiền tập, là một phương pháp tự kiểm soát, tự thanh lọc và giác ngộ. Hai đặc điểm nổi bật nhất của Phật Giáo là hành thiền và phục vụ.

Không hành ác”, tức không làm cho mình trở thành một tội khổ cho mình và cho kẻ khác, là lời khuyên nhủ đầu tiên của Đức Phật. Lời dạy tiếp theo – “Hành thiện” – là hãy trở nên một phước lành, cho mình và cho kẻ khác. Và lời kêu gọi cuối cùng – “Thanh lọc tâm” – thật vô cùng quan trọng và cực kỳ thiết yếu.

Có thể một tôn giáo như vậy là thụ động và tiêu cực không?

Cũng nên ghi nhận là trong ba mươi bảy yếu tố dẫn đến Giác Ngộ (Bhodhipakkhiya Dhamma, Ba Mươi Bảy Pháp Trợ Đạo), Tinh Tân (Viriya) được nhắc đến chín lần.

Để minh định rõ ràng mối tương quan giữa Ngài và hàng đệ tử, Đức Phật dạy:

Các con hãy tự mình cố gắng,

Các đấng Như Lai chỉ là những đạo sư

Đức Phật vạch ra con đường. Phần chúng ta là có noi theo con đường ấy để tự thanh lọc hay không. Cố gắng là yếu tố rất quan trọng trong Phật Giáo.

“Chính ta làm cho ta trong sạch; Chính ta làm cho ta ô nhiễm”.

Hiểu một cách khác, tất cả Phật Tử là những chiến sĩ can đảm. Họ chiến đấu, nhưng không phải bằng súng ống và bom đạn. Họ giết chóc, nhưng không phải giết đàn ông, đàn bà và trẻ con vô tội. Vậy người Phật Tử chiến đấu chống ai, và bằng khí giới nào?

Họ chiến đấu chống chính họ, bởi vì con người là kẻ thù tệ hại nhất của con người. Tâm là địch thủ nguy hiểm nhất, mà cũng là người bạn tốt nhất. Không chút xót thương, người Phật Tử tàn sát và tận diệt những khát vọng tham ái, sân hận si mê ở trong Tâm của họ bằng vũ khí Giới, Định, Tuệ.

Những ai thích một mình chiến đấu chống lại khát vọng của mình trong cảnh tịch mịch vắng vẻ, hoàn toàn được tự do làm theo ý mình. Chư Tỳ Khưu sống ẩn dật là những gương lành đáng kính nể. Đối với hạng người biết tri túc, trạng thái cô đơn là một nguồn hạnh phúc. Những vị nào muốn chiến đấu với những vấn đề khó khăn của đời để cố gắng tạo nên tạo nên một thế gian hữu phúc, trong ấy, con người có thể sống như những công dân lý tưởng, thanh bình, và hòa hợp, cũng có thể nhận lãnh trách nhiệm, dấn thân trên con đường gian truân ấy.

Con người sanh ra, không phải để phục vụ Phật Pháp. Nhưng Phật Pháp được thành lập để phục vụ con người.

Phật Pháp thích hợp với cả hai giai cấp, nghèo và giàu. Phật Pháp thích hợp với cả hai hạng người, đại chúng và trí thức.

Hạng người kém học, hướng về Phật Giáo do tình cảm nhiệt thành với đạo pháp và phần luân lý giản dị. Người trí thức thì say mê trong giáo lý thâm diệu và phương pháp trau dồi trí tuệ.

Một du khách không quen thuộc với tập tục của các dân tộc Phật Giáo ắt có những cảm nghĩ lầm lạc khi bước chân vào chùa lần đầu tiên, và cho rằng Phật Giáo chỉ là những nghi thức lễ bái, là một tôn giáo có tánh cách dị đoan, chứa đựng những hình thức cúng tế sùng bái tượng gỗ và cây cối.

Là một tôn giáo từ bi, Phật Giáo không phủ nhận hay bác bỏ những hình thức kỉnh mộ bề ngoài ấy, vì nó cần thiết cho đại chúng. Ta có thể nhìn thấy phần đông thiện tín thành tâm kính cẩn như thế nào lúc đến chùa dự lễ. Do thái độ tôn kính ấy, đức tin càng tăng trưởng. Người Phật Tử quỳ trước pho tượng Phật và tỏ lòng kính mộ của mình đối với giáo lý mà pho tượng ấy biểu hiện. Người Phật Tử hiểu biết, suy niệm về những phẩm hạnh cao cả của Đức Phật và không cầu mong một ân huệ vật chất hay tinh thần nào. Cây Bồ Đề, đàng khác, tượng trưng cho sự Giác Ngộ.

Đức Phật không trông chờ hàng thiện tín mãi sống trong những lễ nghi, mà trái lại, khuyên dạy nên thực hành đúng theo Giáo Pháp của Ngài.

“Người thực hành đúng giáo pháp của Như Lai nhất, là tôn sùng Như Lai nhất”, lời dạy của Đức Phật.

Sứ mạng của Đức Phật nhằm vào sự giải thoát chúng sanh ra khỏi khổ đau phiền não, bằng cách tận diệt nguồn gốc của phiền não, và vạch ra con đường, nếu ai muốn, có thể chấm dứt cả sanh lẫn tử. Tuy nhiên, đôi khi Đức Phật cũng truyền dạy những bài kinh hướng về tiến bộ vật chất. Cả hai tiến bộ – vật chất và tinh thần – đều cần thiết cho sự phát triển của một quốc gia. Không nên tách rời cái nầy ra khỏi cái kia. Cũng không nên hy sinh tiến bộ tinh thần để thành đạt những mức tiến vật chất như chúng ta đang mục kích tại một vài quốc gia quá thiên về đời sống vật chất. Nhiệm của các chánh phủ và các hội từ thiện là phát triển đời sống vật chất và tạo điều kiện thuận lợi cho dnâ chúng. Trong khi ấy, các tôn giáo, như Phật Giáo chẳng hạn, có phận sự chăm lo phát huy tinh thần đạo đức, giúp cho mỗi người có thể trở thành một công dân lý tưởng.

Phật Giáo đi ngược chiều với phần đôngcác tộn giáo khác khi khai mở ra con đường “Trung Đạo” và truyền bá giáo lý lấy nhân bản làm trung tâm, thay vì giáo điều lấy thần linh làm trụ cốt. Như vậy Phật giáo hướng nội và nhằm vào sự giải thoát từng cá nhân. Giáo Pháp (Dhamma) phải được tự mình chứng ngộ (sanditiihiko)!

(Trích ĐỨC PHẬT VÀ PHẬT PHÁP của Narada Maha Thera, Bác Phạm Kim Khánh dịch)

No comments: