Friday, October 15, 2010

SỰ TỨC GIẬN VÀ HẬN THÙ

SỰ TỨC GIẬN VÀ HẬN THÙ

Nguyên Tác: ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA


Sự tức giận và hận thù là hai ác tính độc hại nhất đối với người thực hành Tâm Bô Đề. Chư vị Bồ Tát không bao giờ sanh tâm sân hận mà các ngài luôn luôn tìm cách khống chế diệt trừ chúng. Muốn thực hiện điều này hành giả phải tu tập hạnh nhẫn nhục và hỷ xả. Trong tác phẩm "Bồ Tát Đạo Hành" mở đầu chương sáu nói về hạnh Nhẫn Nhục, ngài Tịch Thiên (Shantideva) dạy rằng tánh giận dữ và hận thù không chỉ gây tai hại cho chúng ta trong hiện tại mà cả tương lai nữa. Ngoài ra chúng cũng sẽ tiêu diệt những công đức quá khứ của chúng ta.

Người thực hành hạnh nhẫn nhục cần phải chống trả và điều phục cái tâm sân hận. Ngài Tịch Thiên bảo rằng việc quan trọng nhất là tìm lý do gây nên sự giận dữ và thù hận. Nguyên nhân chính là vì con người gặp điều không như ý và bất mãn. Khi quá khổ đau và tuyệt vọng chúng ta dễ dàng bị quẫn trí để rồi đưa đến sự tức giận và căm hờn.

Ngài Tịch Thiên dạy rằng điều căn bản lúc tu tập hạnh nhẫn nhục để tinh thần không bị xáo trộn bất an, hành giả không nên nghĩ đến các sự việc như chính mình hay người thân gặp cảnh khó khăn, điều rủi ro xảy đến cho mình hay người khác đang phá hoại, ngăn cản công việc của chính mình v.v... Trong hoàn cảnh bất mãn và phiền muộn này đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa căm giận và hận thù nơi tâm con người. Cho nên ngay từ lúc đầu, việc quan trọng là đừng để cho tình trạng trên xảy ra khiến cho tâm của bạn không còn thanh tịnh. Ngài cũng khuyên bảo bằng mọi cách chúng ta cố gắng khống chế và loại trừ ý tưởng sân hận gây tai hại cho chính mình và kẻ khác. Đây là lời dạy rất bổ ích.

Nếu giữ được tâm an lạc tự tại khi gặp phải nghịch cảnh chướng duyên sẽ là bí quyết giúp bạn chế ngự không để các ác tính giận dữ và thù hận phát khởi. Ngài Tịch Thiên dạy rằng khi đối đầu với cuộc sống không như ý, bạn đâm ra chán nản bực bội; điều điều đó sẽ không giúp bạn giải quyết được gì để vượt qua nổi khó khăn mà đôi khi nó con gây thêm phiên não dẫn đến hậu quả là tâm cua bạn không bao giờ cảm thấy an lạc.

Sự lo lắng và buồn phiền sẽ gây ảnh hưởng tai hại đến giấc ngủ của bạn không được thẳng giấc, ăn uống không biết ngon và sức khỏe của bạn dần dần bị suy sụp. Ngài Tịch Thiên cũng khuyên rằng nếu xét thấy vấn đề có thể giải quyết thì bạn không nên quá bận tâm hay suy nghĩ. Trái lại, trường hợp nếu biết rằng không cách gì khắc phục được sự khó khăn đó thì bạn có sanh tâm phiền muộn khổ đau cũng chẳng ích lợi gì. Bởi thế, trong mọi hoàn cảnh thuận nghịch vui buồn, bạn cố gắng làm chủ, giữ tâm mình an nhiên tự tại không để ngoại cảnh chi phối bạn mới có được sự an lạc lâu dài.

Đại để có hại loại sân giận và hận thù gây nên do sự bất mãn và thiếu hạnh phúc nơi con người . Trước nhất là loại khi có ai gay hại đến mình, bạn cảm thấy không vui khiến bạn nổi giận hận thù kè đó. Thứ hai là mặc dù người ta không làm gì hại mình nhưng vì thấy họ kinh doanh thành công trở nên giàu có rồi bạn sinh tâm đố kỵ thù ghét họ.

Ngoài ra cũng có vài trường hợp khác nữa. Chẳng hạn gặp người hành hung gây hấn đã thương đến thân xác mình khiến bạn tức giận oán thù. Có kẻ tranh đoạt của cải tài sản hay chửi bới nhục mạ khiến bạn nổi sân thù ghét họ.

Khi bạn giận dữ với người không trực tiếp gây đau đớn hay thương tích gì đến thân thể của bạn mà họ chỉ làm mất danh dự, tiếng tăm hoặc xâm phạm đến của cải vật chất của bạn thì bạn nên bình tĩnh tự hỏi như thế này:

"Tại sao ta lại bực tức, giận hờn về các sự việc không như ý trên? Phân tích bản chất đích thực của những điều như tiếng tăm và tài sản v.v... ở trần gian, ta nhận thấy tất cả chúng đều vô thưởng giả dối, có gì vĩnh cửu đâu mà các bạn phải bận tâm. Như vậy tại sao chúng ta lại nổi sân với người ấy?"

Lúc bạn tức giận vì thấy kẻ thù của mình thành công và giàu có, lúc ấy bạn nên biết rằng sự ganh ghét đố kỵ của bạn chẳng có ảnh hưởng hay gây tổn hại gì đến của cải vật chất và cuộc sống hạnh phúc của người đó cho nên sự buồn phiền và bực tức của bạn trong trường hợp như vậy, thực ra nó chẳng có lợi ích gì.

Nếu quán chiếu sâu sắc hơn, chúng ta nhận thấy rằng chúng ta nên cảm ơn những kẻ thù muốn làm hại mình. Tại sao, bởi lẽ chính họ đã trợ duyên giúp chúng ta tu tập hạnh nhẫn nhục. Điều quý báu hơn nữa là nhờ thực hành đức tánh nhẫn nhục mà chúng ta có thể tiến lên một bước nữa là thực hiện ý tưởng độ sánh của Bồ Tát. Nhờ vậy mà chúng ta đã tạo được nhiều phước đức mang lại lợi ích cho chính mình và tha nhân.

Trái lại, kẻ thù của chúng ta, vì có tâm xấu ác muốn hại người khác, cho nên họ sẽ gặt lấy quả báo không tốt. Trong khi chúng ta nhờ nương vào họ để tu hạnh nhẫn nhục mà có phước đức.

Do đó, theo lời dạy của tôn sư Tịch Thiên (Shantideva) trong cuốn "Bồ Tát Đạo Hành" là chúng ta nên hồi hướng công đức đến những kẻ thù của chúng ta để họ cùng được hưởng sự an lạc.

Kết thúc chương nói về hạnh "Nhẫn Nhục" trong tác phẩm "Bồ Tát Đạo Hành", ngài Tịch Thiên đã giảng giải về lợi ích của hạnh tu "nhẫn nhục". Nói tóm, nhờ thực hành hạnh nhẫn nhục mà chúng ta có thể đạt được quả vị giác ngộ và giải thoát ở kiếp tương lai. Ngay cả hiện tại nếu chúng ta biết tu hạnh nhẫn nhục trong đời sống hằng ngày thì chúng ta cũng sẽ gặt hái được nhiều phước đức và an lạc.

(Trích từ cuốn sách The Heart Of Compassion)

No comments: