ĐỐI TRỊ VỚI LO ÂU VÀ
XÂY DỰNG LÒNG TỰ TRỌNG
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA VÀ BÁC SĨ HOWARD C. CUTLER
Người ta đánh giá rằng trong một đời người, ít nhất một phần tư người Mỹ bị suy nhược bởi lo âu hay lo lắng đủ nghiêm trọng theo tiêu chuẩn chẩn bệnh y tế về chứng lo âu. Nhưng ngay cả những người chưa bao giờ bị chứng bệnh lo âu hay tình trạng bất lực trước lo âu vào lúc này hay lúc khác, sẽ trải qua nhiều mức độ phiền muộn và lo âu thái quá mà không đáp ứng được mục đích hữu ích nào cả và chẳng tác dụng gì cả ngoài việc xói mòn hạnh phúc và ngăn cản khả năng đạt mục tiêu.
Bộ não con người được trang bị với một hệ thống phức tạp dành để ghi nhận những cảm xúc sợ sệt và lo lắng. Hệ thống này đáp ứng một chức năng quan trọng - nó huy động chúng ta phản ứng với nguy hiểm bằng cách phát động hàng loạt những phản ứng sinh lý và sinh hóa. Khía cạnh thích ứng cho lo lắng là làm cho chúng ta biết trước nguy hiểm và có hành động phòng ngừa. Cho nên, một số loại sợ hãi, và mức lo âu nào đó có thể là lành mạnh. Tuy nhiên, cảm xúc sợ hãi và lo ậu có thể dai dẳng và thậm chí leo thang khi không có đe dọa đích thực, và khi những cảm xúc này phát triển không cân xứng với bất cứ nguy hiểm thực sự nào, chúng trở thành thích ứng sai. Lo âu và lo lắng thái quá giống như giận dữ và sân hận có thể có những tác động tàn phá đến tâm và thân, trở thành nguồn khổ đau nhiều về xúc cảm và cả đến bệnh về thể chất.
Về mặt tinh thần lo âu kinh niên có thể làm suy yếu phán xét, tăng tính dễ nổi cáu, và cản trở toàn bộ tính hiệu quả của ta. Nó cũng dẫn đến những vấn đề về thể chất gồm có giảm chức năng miễn dịch, bệnh tim, rối loạn ruột dạ dày, mệt mỏi, cơ bắp căng thẳng và đau đớn. Những rối loạn của lo âu chẳng hạn, cho thấy đã gây còi cọc cho sự phát triển của các thiếu nữ..
Trong việc tìm các chiến lược đối trị với lo âu, trước hết chúng ta phải công nhận rằng như Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ vạch ra, có nhiều nhân tố góp phần làm tăng thêm sự lo âu. Trong một vài trường hợp, có thể là một thành tố sinh học mạnh mẽ. Một số người dễ bị thương tổn thần kinh khi trải qua trạng thái lo nghĩ và lo âu. Các nhà khoa học gia mới khám phá ra, "gien" (di truyền) liên quan đến những người hay lo lắng và suy nghĩ tiêu cực. Tuy nhiên không phải tất cả mọi trường hợp về độc tố lo lắng đều do nguyên nhân di truyền, mà hầu như chắc chắn là học tập và tình huống cũng đóng một vai trò lớn trong nguyên nhân gây bệnh.
Nhưng dù cho sự lo âu của chúng ta chủ yếu là bẩm sinh thể chất hay tâm lý đi nữa, thì tin vui là chúng ta vẫn có cách để chữa trị. Trong những trường hợp lo âu trầm trọng, thuốc men có thể là một phần hữu dụng trong chế độ điều trị. Nhưng hầu hết trong chúng ta phiền muộn bởi lo nghĩ và lo âu dai dẳng hàng ngày sẽ không cần can thiệp bằng thuốc. Những chuyên viên về điều trị lo âu nhận thấy phương pháp giải quyết đa diện là tốt nhất. Trước hết nó gồm có việc loại bỏ việc xem tình trạng sức khỏe cơ bản có phải là nguyên nhân gây ra lo âu. Tác động cải thiện bằng cách ăn uống cho thích hợp và tập luyện cũng rất kiến hiệu. Và, như Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhân mạnh, trau dồi tình thương và tăng cường quan hệ với người khác cũng thúc đẩy tinh thần phân khởi và chống lại được trạng thái lo âu.
Tuy nhiên trong công việc tìm kiếm những chiến lược thực tiễn để khắc phục lo âu, một kỹ thuật nổi bật là có hiệu quả đặc biệt: can thiệp bằng nhận thức. Đó là một trong những phương pháp chính mà Đức Đạt Lai Lạt Ma áp dụng để khắc phục phiền muộn và lo âu hàng ngày. Áp dụng cùng một phương pháp để chế ngự giận dữ và sân hận, kỹ thuật này đòi hỏi tích cực không chấp nhận những ý nghĩ phát sanh lo âu và thay thế chúng bằng ý nghĩ và thái độ tích cực và hợp lý.
Vì lo âu lan tràn trong văn hóa của chúng ta, tôi hăm hở nêu đề tài này ra với Đức Đạt Lai Lạt Ma để xem Ngài đối trị nó ra sao. Lịch trình của Ngài vào ngày đó rất bận nên tôi cảm thấy sự lo lắng của chính tôi cũng tăng lên, trước cuộc phỏng vấn, tôi được người thư ký của Ngài báo phải rút ngắn cuộc nói chuyện ngày hôm nay. Cảm thấy bị áp lực vì thời giờ và lo không thể nói hết những đề tài mong muốn,, tôi ngồi nhanh xuống và bắt dầu trở lại xu hướng lúc hỏi lúc không để cố lấy ra được những câu trả lời đơn giản của Ngài.
"Ngài biết, sợ hãi và lo âu là chướng ngại chính trong việc hoàn thành mục tiêu của chúng ta,liệu chúng là mục tiêu bên ngoài hay là sự tiến triển bên trong. Trong khoa tâm thần chúng tôi có nhiều phương pháp giải quyết vấn đề này, nhưng tôi vẫn muốn biết quan điểm của Ngài, cách tốt nhất để khắc phục sợ hãi và lo âu là gì ?
Không đồng ý việc quá đơn giản hóa vấn đề theo ý tôi, Ngài trả lời bằng phương pháp rất đặc trưng.
"Khi đối trị với sợ hãi, trước nhất chúng ta cần phải biết có nhiều loại lo sợ. Có những loại sợ rất chính đáng, căn cứ vào những lý do hợp lý, thí dụ như sợ bạo lực, sợ đổ máu. Chúng ta có thể thấy những điều ấy rất là xấu. Rồi có những sự lo sợ về những hậu quả tiêu cực xẩy ra sau này từ những hành động tiêu cực của ta, sợ khổ sở, sợ những cảm xúc tiêu cực như sân hận. Tôi nghĩ đó là những loại sợ hãi đứng đắn, những loại sợ hãi này đưa chúng ta vào chánh đạo, giúp chúng ta tiến tới thành người có lòng tốt." Ngài ngừng lại suy nghĩ và trầm ngâm: "Mặc dù trong một ý nghĩa nào đó đây là những loại lo sợ, tôi nghĩ có khác biệt giữa sự lo sợ những điều ấy và sự tìm hiểu của tâm về tính chất phá hoại của những điều ấy".
Ngài ngừng lại hồi lâu, và có vẻ cân nhắc, trong khi tôi lén nhìn vào đồng hồ đeo tay. Rõ ràng là Ngài không cảm thấy thì giờ đã hết như tôi. Cuối cùng Ngài tiếp tục nói một cách thong thả.
"Mặt khác có những loại sợ hãi do chính tinh thần chúng ta tạo nên. Những loại lo sợ này hoàn toàn dựa trên hình chiếu tinh thần. Thí dụ như có nhiều cái sợ hãi rất con nít; Ngài cười, "như khi còn nhỏ, đi qua chỗ tối, nhất là các phòng tối trong điện Potola thì thấy sợ [*] -- cái sợ này hoàn toàn do tưởng tượng. Hay khi còn nhỏ những người quét tước và trông nom tôi thường khuyến cáo tôi có con chim cú hay bắt trẻ con ăn thịt", Đức Đạt Lai Lạt Ma cười to hơn nữa ."Và tôi tin là họ đã nói thật".
[*] Potola là cung điện mùa đông truyền thống của Đức Đạt Lai Lạt Ma, biểu tượng của di sản lịch sử và tôn giáo Tây Tạng. Dược Vua Tây Tạng là Song-Tsen Gampo xây dựng vào thế kỷ thứ 7, sau này bị phá hủy và không được xây dựng lại đến tận thế kỷ thứ 17 của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5. Công trình hiện thời đứng uy nghiêm với chiều cao 440 feet trên đỉnh "Đồi Đỏ ở Lhasa. Dài hơn 1/4 dặm, có trên 1000 phòng, lễ đường, và phòng nhỏ.
Ngài tiếp tục, " Có những loại lo sợ khác căn cứ vào tưởng tượng, Thí dụ nếu bạn có những cảm tưởng tiêu cực do tình trạng tinh thần, rồi bạn suy bụng ta ra bụng người, thấy người này có vẻ tiêu cực và thù nghịch. Kết quả, bạn cảm thấy sợ hãi. Loại sợ hãi này, tôi nghĩ liên quan đến sân hận và hầu như dẫn đến sự sáng tạo tinh thần. Cho nên, đối trị lo sợ trước hết bạn cần phải sử dụng khả năng suy luận và cố gắng khám phá xem có cơ sở vững vàng nào để bạn sợ không"
Tôi hỏi, "Vậy thì, thay vì quá lo sợ, hay tập trung lo sợ vào một cá nhân hay tình huống, nhiều người trong chúng tôi bị khó chịu nhiều hơn là những lo lắng lan truyền đang diễn ra về nhiều vấn đề hàng ngày. Vậy Ngài có gợi ý gì về cách giải quyết chúng không?"
Gật đầu Ngài đáp, "Một trong những cách giải quyết mà chính tôi thấy rất hữu hiệu để giảm bớt loại lo lắng này là trau dồi tư tưởng: nếu thấy tình huống hay khó khăn có thể sửa chữa được thì không cần phải lo lắng. Nói một cách khác, nếu có giải pháp hay có lối thoát khỏi khó khăn, thì ta không cần để nó áp đảo. Hành động thích hợp là tìm ra giải pháp. Sáng suốt hơn là tập trung năng lực tìm giải pháp hơn là lo lắng về vấn đề. Còn nếu không có cách giải quyết nào thoát ra khỏi khó khăn, thì cũng không có lý do gì phải lo, vì dù sao đi nữa ta cũng đâu làm được điều gì hơn. Trong trường hợp đó, nếu bạn chấp nhận sự thật càng sớm thì bạn càng cảm thấy dễ chịu hơn. Dĩ nhiên công thức này ngụ ý, ta nên trực tiếp đương đầu với vấn đề. Nếu không bạn sẽ không thể thấy liệu có cách nào để giải quyết không."
"Còn như đã nghĩ như vậy mà vẫn không làm dịu bớt được sự lo lắng thì ta phải làm sao?"
"Vậy thì bạn phải suy nghĩ về những ý nghĩ này một chút nữa và phải củng cố những ý nghĩ này. Hãy liên tục tự nhắc nhở mình. Dù sao tôi nghĩ rằng phương pháp này có thể giúp giảm lo lắng, nhưng không phải lúc nào nó cũng có kết quả. Nếu bạn đang đối phó với sự lo lắng đang diễn ra, tôi nghĩ bạn cần phải xét đến vấn đề một cách cụ thể. Có nhiều loại lo lắng và nguyên nhân khác nhau. Thí dụ như có những loại lo lắng và bối rối có thể vì lý do sinh học; như có người bị mồ hôi ướt lòng bàn tay mà hệ thống y khoa Tây Tạng cho đó là sự mất quân bình tinh vi về mức độ sinh lực. Có vài loại lo lắng giống như suy nhược, có thể có nguồn gốc sinh học, và đối với những loại này, cách điều trị y tế có thể có ích cho loại này. Do đó, để đương đầu với lo lắng một cách có hiệu quả, bạn cần xem xét về kiểu loại và nguyên nhân.
Giống như sợ sệt, lo lắng có nhiều loại khác nhau. Thí dụ như loại lo lắng mà tôi cho là thông thường bao gồm sự lo sợ tỏ ra khờ dại truớc mặt người khác hay sợ người khác nghĩ xấu về mình."
Tôi ngắt lời: "Ngài có bao giờ sợ hay lo lắng như thế không?"
Đức Đạt Lai Lạt Ma cười phá lên và không hề do dự, trả lời: "Có chứ"
"Xin Ngài cho một thí dụ"
Ngài nghĩ một chút rồi nói: "Thí dụ như năm 1954, ở Trung Quốc, vào ngày đầu tiên gặp Chủ Tịch Mao Trạch Đông, và trong một dịp khác gặp Chu Ân Lai. Lúc ấy tôi không biết hết mọi nghi thức và tập quán ngoại giao. Thủ tục thông thường của cuộc gặp là bắt đầu bằng vài câu xã giao rồi mới đi vào phần thảo luận công việc. Nhưng lúc đó, tôi bối rối đến nỗi mới ngồi xuống đã nhảy ngay vào công việc! Đức Đạt Lai Lạt Ma cười khi nhớ lại chuyện này."Tôi còn nhớ là sau đó, người phiên dịch của tôi, một người cộng sản Tây Tạng, rất đáng tin cậy và là người bạn tốt, đã nhìn tôi cười và chế nhạo tôi về chuyện ấy.
"Tôi nghĩ rằng ngay cả bây giờ, trước buổi thuyết giảng hay nói chuyện trước công chúng, tôi vẫn cảm thấy hơi lo, cho nên những phụ tá của tôi hay nói, "Nếu vậy tại sao Ngài lại nhận lời mời thuyết giảng.?" Ngài lại cười.
Tôi hỏi: "Vậy bản thân Ngài, Ngài làm sao để đối phó với loại lo lắng này?"
Với giọng nói bình thản, Ngài nhỏ nhẹ: "Tôi không biết" .. Ngài ngập ngừng, và chúng tôi ngồi lặng thinh một lúc lâu, và một lần nữa, Ngài có vẻ cân nhắc và ngẫm nghĩ thận trọng. Cuối cùng, Ngài nói: "Tôi nghĩ rằng có một động cơ thích hợp và thành thật là những điều chủ yếu để chế ngự những loại sợ hãi và lo lắng này. Do đó, nếu tôi lo lắng trước buổi nói chuyện thì tôi sẽ tự nhắc nhở mình lý do chính yếu, mục đích của buổi giảng, là ít ra cũng trình bày được một vài lợi ích cho người khác chứ không phải là khoe kiến thức của mình. Vậy thì cái gì tôi biết, tôi sẽ giải thích. Còn những gì tôi không hiểu rõ ràng - thì đâu có hề gì; tôi chỉ cần nói "cái này khó đối với tôi". Không có lý do gì phải dấu diếm hay giả vờ. Từ quan điểm này với động cơ đó tôi không phải lo lắng về điệu bộ ngờ nghệch hay quan tâm đến chuyện người khác nghĩ gì về tôi. Do đó tôi thấy rằng động cơ thành thật là một loại thuốc giải để giảm bớt sợ hãi và lo lắng."
Vậy đôi khi sự lo lắng còn hơn là sợ cái vẻ khờ dại trước mặt người khác. Còn hơn cả sợ thất bại, cảm tưởng kém cỏi..." Tôi suy nghĩ một lúc để xem bộc lộ được bao nhiêu ý riêng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma chăm chú lắng nghe, gật đầu im lặng trong khi tôi nói, tôi không biết chắc Ngài nghĩ gì. Có thể đó là thái độ đồng tình, nhưng trước khi hiểu được, tôi đã chuyển việc thảo luận những vấn đề chung sang khẩn khoản xin lời khuyên của Ngài về cách đối phó với sợ hãi và lo lắng của chính tôi.
"Tôi không biết sao... đối với bệnh nhân có khi tôi thấy thật khó điều trị... những trường hợp không thể nào chẩn đoán được rõ ràng, như là suy nhược thần kinh hay những bệnh dễ trị khác. Có những bệnh nhân bị rối loạn tính cách nghiêm trọng như những người không chữa được bằng thuốc hay không có tiến triển nhiều với tâm lý trị liệu dù tôi đã hết sức cố gắng. Đôi khi tôi không biết làm gì với những người này, làm sao để giúp đỡ họ. Hình như tôi không thể nắm được chuyện gì xẩy ra cho họ. Việc này làm tôi tê liệt, phần nào bất lực." Tôi than phiền: "Tôi cảm thấy bất tài, và điều này thực sự gây ra một loại lo lắng nào đó",
Ngài lắng nghe tôi một cách nghiêm trang rồi hỏi với giọng thân mật: "Có phải ông nói rằng ông có thể giúp cho bẩy mươi phần trăm bệnh nhân của ông?"
Tôi trả lời: "Ít nhất là như vậy"
Vỗ nhẹ vào tay tôi, Ngài nói: "Vậy tôi nghĩ không có vấn đề gì ở đây. Nếu ông chỉ có thể giúp cho ba mươi phần trăm bệnh nhân, thì tôi khuyên ông nên nghĩ đến việc đổi sang nghề khác. Nhưng tôi nghĩ ông làm tốt lắm. Người ta cũng thường đến nhờ tôi giúp đỡ. Có nhiều người tìm kiếm phép mầu, hay phép lạ vân vân... và tôi không thể nào giúp hết mọi người. Nhưng tôi nghĩ vấn đề chính là động cơ thúc đẩy - có một động cơ thực sự trong việc giúp người. Rồi thì hãy cố làm hết sức của mình và không phải lo lắng gì nữa.
Về trường hợp của tôi, dĩ nhiên cũng có những tình thế dễ bị tổn thương hay nghiêm trọng, và một trách nhiệm nặng nề. Tôi nghĩ điều tồi tệ nhất là khi người ta đặt quá nhiều tin tưởng vào tôi trong những trường hợp ngoài khả năng của tôi. Trong trường hợp này, đôi khi tôi đấm ra lo lắng. Một lần nữa, chúng tôi quay trở lại ý nghĩa quan trọng của sự động cơ. Rồi tôi có gắng nhắc nhở mình trong chừng mực liên quan đến động cơ, hãy thành thật và cố gắng hết sức mình. Bằng động cơ thành thực, động cơ từ bi, cho dù tôi có gây lỗi lầm, hay thất bại thì cũng không có lý do gì để hối tiếc. Tôi đã cố hết sức làm tốt phần của tôi. Rồi, bạn sẽ thấy, nếu tôi thất bại, đó là vì tình thế vượt quá những cố gắng hết sức của tôi. Vậy động cơ thúc đẩy thành thật đó loại bỏ sợ hãi và cho bạn lòng tự tin. Mặt khác, nếu động cơ thầm kín là để lường gạt người ta, khi thất bại, bạn thực sự trở nên bối rối. Nhưng nếu bạn trau dồi động cơ từ bi, nếu bạn có thất bại, bạn không hối tiếc.
"Cho nên, nói đi nói lại, tôi nghĩ động cơ thích hợp có thể là cái bảo vệ, che chở cho bạn chống lại những cảm nghĩ sợ hãi và lo lắng. Động cơ quan trọng như vậy. Thực ra tất cả hành động của con người có thể được nhìn thấy bằng hoạt động, và động lực đằng sau tất cả những hành động là động cơ của ta. Nếu bạn phát triển một động cơ trong sáng và thành thật, nếu bạn được thúc đẩy bởi mong muốn giúp đỡ trên cơ sở của lòng nhân ái, từ bi và tôn trọng, thì bạn có thể thi hành bất cứ công việc gì, trong bất cứ lãnh vực nào, và hoạt động một cách hữu hiệu hơn với ít sợ hãi và lo lắng hơn, không sợ hãi gì về điều người ta nghĩ về bạn hay liêu cuối cùng bạn có đạt được mục tiêu hay không. Cho dù bạn không đạt được mục tiêu, bạn vẫn cảm thấy hài lòng vì bạn đã hết sức cố gắng. Nhưng bằng một động cơ xấu, người ta có thể khen bạn, hay bạn có thể đạt được mục tiêu, nhưng bạn vẫn không cảm thấy vui".
Trong việc bàn luận thuốc giải bệnh lo lắng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa ra hai phương cách trị liệu, mỗi phương cách tốt ở một mức độ. Cách thứ nhất liên quan đến việc tranh đấu tích cực chống lại sự tư lự và lo lắng kinh niên bằng cách áp dụng tư duy đề kháng: hãy nhắc nhở mình, nếu có cách giải quyết vấn đề thì không cần phải lo. Nếu không có cách giải quyết, thì cũng không có lý do gì phải lo.
Phương thuốc giải thứ hai là phương pháp trị liệu có tính cách bao quát hơn. Nó liên quan đến việc biến đổi động cơ tiềm ẩn của ta. Có một sự trái ngược đáng lưu ý giữa cách giải quyết về động cơ thúc đẩy con người của Đức Đạt Lai Lạt Ma với tâm lý học Tây Phương Như đã thảo luận trước đây, các nhà nghiên cứu chuyện về động cơ thúc đẩy con người đã điều tra về những động cơ bình thường của con người, nhìn vào cả hai nhu cầu bẩm sinh và nhu cầu do biết được. Ở mức độ này, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhắm vào sự phát triển và sử dụng lòng ham học được để nâng cao "nhiệt tình và quyết tâm" của ta. Trong một số khía cạnh, nó giống như quan điểm của nhiều "chuyên gia về động cơ " truyền thống Tây Phương, tìm cách đẩy mạnh tinh thần hăng hái và quyết tâm đạt mục đích. Nhưng điều khác biệt là Đức Đạt Lai Lạt Ma tìm cách xấy dựng quyết tâm và niềm say mê làm những hành động thiện nhiều hơn nữa, và loại bỏ những nét tinh thần tiêu cực hơn là nhân mạnh vào sự đạt được những thành công vật chất, tiền bạc hay quyền thế. Và có lẽ sự khác biệt nổi bật nhất là trong khi "những phát ngôn viên về động cơ" bận bịu thổi phồng lên ngọn lửa của những động cơ hiện có về những thành công vật chất, và những lý thuyết gia Tây Phương bận tâm đến việc phân loại những động cơ tiêu chuẩn của con người, thì mối quan tâm hàng đầu về động cơ con người của Đức Đạt Lai Lạt Ma lại nằm trong việc uốn nắn và thay đổi động cơ tiềm ẩn thành động cơ của từ bi và nhân ái.
Trong hệ thống huân luyện tâm và đạt hạnh phúc của Đức Đạt Lai Lạt Ma, càng được thúc đẩy bởi lòng vị tha, thì càng ít sợ trước những hoàn cảnh thậm chí cực kỳ lo âu dằn vặt. Nhưng có một ít cách có thể áp dụng như nguyên tắc này ngay cả khi động cơ thúc đẩy của bạn không hoàn toàn do lòng vị tha.Đứng xa ra và xem xét và chỉ cần chắc chắn là bạn không có ý hại người và động cơ thúc đẩy của bạn thành thực có thể giúp bạn giảm thiểu lo âu trong hoàn cảnh bình thường hàng ngày.
Không bao lâu sau lần đàm thoại trên với Đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi ăn trưa cùng với một nhóm người gồm có một thanh niên trẻ mà tôi tôi chưa gặp trước đây, một sinh viên của một trường đại học địa phương. Trong bữa ăn này, có người hỏi tôi về đợt đàm luận với Đức Đạt Lai Lạt Ma tiến triển ra sao và tôi có kể lại cuộc đàm thoại về việc khắc phục lo lắng. Sau khi im lặng nghe tôi miêu tả khái niệm về "động cơ thành thực là một thuốc giải cho bệnh lo lắng", người sinh viên giãi bày là anh thường khổ tâm vì nhút nhát và rất lo lắng trong giao tiếp xã hội. Suy nghĩ về cách áp dụng kỹ thuật này để vượt qua sự lo lắng của mình, người học sinh này thì thầm "Tốt tất cả điều đó rất hay. Nhưng tôi nghĩ rằng phần khó khăn thường là phải có động cơ cao thượng về nhân ái và từ bi.
"Tôi nghĩ điều đó rất đúng", Tôi phải thừa nhận.
Cấu chuyện chuyển qua những đề tài khác, và chúng tôi chấm dứt bữa ăn trưa. Tuần lễ sau đó tôi tình cờ lại gặp người sinh viên này cũng tại quán ăn này.
Lại gần tôi một cách niềm nở, anh ta nói, " ông có nhớ bữa trước chúng ta có nói về động cơ thúc đẩy và lo lắng? Tôi có đem thực hành và nó thực sự hữu hiệu! Có một thiếu nữ làm việc trong tiệm bán đồ tại khu bán hàng mà tôi đã gặp cô rất nhiều lần, lúc nào tôi cũng định mời cô đi chơi, vì quá e thẹn và lo lắng sợ cô từ chối nên không bao giờ dám hỏi cô. Vậy mà, hôm nọ, tôi đến gặp cô, nhưng lần này tôi bắt đầu nghĩ đến động cơ thúc đẩy đã mời cô đi chơi. Đương nhiên động cơ thúc đẩy là muốn hẹn hò với cô. Nhưng đằng sau đó chính là lòng mong ước của tôi có thể tìm thấy một người mà tôi thương yêu và người ấy cũng yêu tôi. Khi tôi nghĩ như vậy, tôi nhận thấy không có gì sai trái trong việc này, và động cơ thúc đẩy của tôi thành thực. Tôi không muốn làm hại cô hay chính tôi, mà chỉ mong những điều tốt lành. Ghi nhớ điều này trong tâm và tự nhắc nhở một đôi lần không hiểu sao nó có vẻ có ích khiến cho tôi đã có can đảm bắt chuyện với cô. Tim tôi đập mạnh, nhưng tôi cảm thấy tuyệt vời vì đã có thể can đảm để nói chuyện với cô"
Tôi nói, "Tôi rất vui được biết việc đó" "Rồi chuyện ra sao nữa?
"À thì ra cô ấy đã có bạn trai chính thức rồi. Tôi hơi thất vọng một chút nhưng không sao. Tôi cảm thấy vui vì đã có thể vượt qua được sự rụt rè e thẹn của tôi. Và việc này làm cho tôi hiểu rằng nếu tôi chắc chắn không có gì sai trái trong động cơ thức đẩy của tôi, và ghi nhớ điều này trong tâm, nó sẽ giúp tôi lần sau ở trong hoàn cảnh như vậy."
No comments:
Post a Comment