Saturday, October 16, 2010

MỘT KINH NGHIỆM TRÊN HY MÃ LẠP SƠN






Một kinh-nghiệm trên Hy-Mã Lạp Sơn

altMatthieu Ricard là người đã sống trên triền núi Hy-mã-lạp-sơn từ bốn mươi năm nay. Ông sẽ kể cho chúng ta nghe cuộc sống hàng ngày của một người tu hành, và cả những kinh nghiệm của ông về thiền định và khoa học.

(Đây là bài báo do chính ông M. Ricard viết và đăng trên nguyệt san quốc tế nổi tiếng của Mỹ là tờ National Geographic, qua ấn bản tiếng Pháp, số 100 kỷ niêm đầu năm 2008. Các hình ảnh trong bài báo cũng do chính ông chụp. Trong số báo này còn có các bài khác nói vể dân tộc Tây tạng và kinh đô Lhassa. Hoang Phong lược dịch.)

Đối với tôi, Phật giáo đã trở thành những gì thật căn bản cho đời tôi. Cố gắng đạt được sự hiểu biết nội tâm, tìm hiểu bản chất của tâm thức, nắm vững được sự vận hành của hạnh phúc và khổ đau, là những gì khơi động trong tôi từng giây phút một trên đường tu tập hầu cải thiện cuộc sống của chính tôi. Con đường ấy mang những sắc thái triết học và những suy tư sâu xa, và thêm cả sự thành kính nữa, nó đã giúp tôi hướng về thể dạng « Giác ngộ », biểu hiện của một vị thầy tâm linh là Đức Phật.

Cuộc đời tôi bổng nhiên đổi hướng, sự đổi hướng ấy xảy ra vào ngày 2 tháng 6 năm 1967. Ngày hôm đó, tôi có dịp làm quen với một người mà sau này đã trở thành vị thầy tâm linh của tôi, đó là vị đại sư Kangyour Rinpoché. Lúc ấy tôi mới 20 tuổi và đang chuẩn bị bước vào viện Pasteur để soạn một luận án tiến sĩ (1) về khoa tế bào di truyền học trong phòng thí nghiệm của Giáo sư François Jacob, người đoạt giải Nobel về y khoa năm 1965 (cùng với hai vị giáo sư khác là André Lwoff và Jacques Monod). Nhưng thật ra trước đó, từ năm 1966 tôi đã quyết tâm lên đường sang Ấn độ, sau khi xem các bộ phim hết sức ngoạn mục của một người bạn là Arnaud Desjardin nói về các vị đại sư Tây tạng phải rời bỏ xứ sở của mình bị Trung quốc xâm chiếm và họ đang sinh sống trên các triền núi phía Nam của Hy-mã-lạp-sơn. Vào thời bấy giờ, tìm đến những nơi này quả thật là một sự phiêu lưu. Tôi phải chọn các chuyến bay rẻ tiền và vì thế mà chuyến du hành phải mất nhiều tuần, hơn nữa tôi lại không nói được tiếng Anh sành sỏi. Sau những chuyến du lịch bằng tưởng tượng qua sách vở thì giờ đây tôi đang bắt đầu một chuyến du hành tâm linh thật sự.

Vị đại sư Kangyour Rinpoché quả thật là một vị thánh, một sinh linh hoàn hảo, một nhà hiền triết. Có thể nói đó là hình ảnh của thánh Françoise d’Assise hay của các nhà hiền triết thuộc thời kỳ Cổ đại đã từng ám ảnh đầu óc tôi trong những ngày thơ ấu.

Bạn bè nói cho tôi biết tên của ông ta, và khi vừa đến Darjeeling, tôi đã tìm ngay được ông. Gần như suốt ngày hôm ấy tôi ngồi trước mặt ông, cố gắng chập chửng « thiền định », nhưng thật sự ra là ngồi trầm tư bên cạnh ông thì đúng hơn. Sự hiện diện của ông đã đem đến cho tôi thật nhiều xúc cảm… Cái sâu xa, cái sức mạnh, cái trong sáng và nhất là cái tình thương toả rộng từ thân xác ông đã khai mở tâm trí cho tôi. Ông là một trong số những sinh linh đã hiểu được thế nào bản thể đích thực của sự hiện hữu. Một vị thầy đích thực không phải chỉ biết giảng dạy mà còn phải biết đem cả sự hiện hữu của chính mình để làm gương sáng. Sau vài tuần bên cạnh ông, tôi quyết định tiếp tục khám phá thêm vùng đất mới này : từ Bắc Ấn, Ba-la-nại cho đến Cachemire…Vào thời bấy giờ, Darjeeling và Katmandou chỉ là những thị trấn nhỏ bé và êm đềm, không giống như ngày nay đã trở thành những đô thị đông đúc, kẹt xe và chật cứng người.

Tôi ngao du ba tháng trong khu vực đó của thế giới. Và chính ba tháng ấy đã thay đổi cả cuộc đời tôi sau này.

Khi trở về quê hương để bắt đầu năm khảo cứu đầu tiên ở Viện Pasteur thì tôi mới chợt nhận ra rằng cuộc gặp gở với thầy tôi đã tác động trong tôi một cách thật sâu xa. Những phẩm tính của ông cứ vương vấn mãi trong tâm hồn tôi. Tôi đã ý thức được chính đó là một một cái gì thật đích thực thu hút sự hiện hữu của tôi và sẽ mang lại cho cuộc sống của tôi một ý nghĩa, mặc dù trong lúc ấy tôi cũng chưa đủ sức để hình dung được cái ý nghĩa ấy như thế nào.

Năm sau vào dịp nghỉ hè, tôi vội vã trở lại Darjeeling. Và cứ tiếp tục như thế, mỗi năm tôi trở lại đây, rồi đến năm thứ sáu tôi nhất quyết chọn lấy cho mình một quyết định, một quyết định mà không bao giờ tôi hối tiếc : tôi muốn được sống trong một nơi mà tôi hằng mong ước, và thế đó tôi đã lưu lại Darjeeling từ năm 1972. Dĩ nhiên là việc ấy đã làm cho vị thầy của tôi là Giáo sư François Jacob vô cùng sửng sốt. Về phần cha tôi là triết gia Jean-François Rével thì ông rụng rời cả tay chân. Riêng mẹ tôi là họa sĩ Yhane Le Tourmelin, cũng như người cậu của tôi là Jaques-Yves Le Toumelin, một nhà đi biển phiêu lưu và đơn độc, lại tán thành lý tưởng của tôi. Sau này mẹ tôi cũng sang Ấn độ và cùng tôi tu học với các vị thầy của tôi.

Sau khi vị đại sư Kangyour Rinpoché qua đời vào năm 1975, tôi tiếp tục tu tập trong một chiếc am nhỏ trên núi, cũng không xa tu viện của tôi bao nhiêu. Chính trong khoảng thời gian này, tôi đã gặp được vị thầy thứ hai là Dilgo Khyentsé Rinpoché, và tôi đã theo bên cạnh vị sư này mười hai năm không rời bước, từ Bhoutan đến Ấn độ, từ Népal đến Tây tạng. Tôi lắng nghe ông giảng dạy, hầu hạ ông và cùng ông du hành. Sau đó, từ năm 1979 thì tôi đã trở thành một nhà sư thật thụ. Khi vị thầy thứ hai của tôi rời bỏ thế giới này vào năm 1991 thì tôi lui về một am nhỏ ở Népal, trong một vùng núi cách Katmandou vài giờ đường bộ, đây là một nơi ẩn cư do tu viện Schéchén quản lý, và tu viện này cũng chính là nơi cư ngụ thường xuyên của tôi. Những khoảng thời gian trên đây đã mang lại cho tôi những gì phong phú nhất trong suốt cuộc sống của tôi. Từ đó mỗi năm tôi sống ít nhất là tám tháng ở Á châu (Népal, Tây tạng, Bhoutan, Ấn độ) và phần thời gian còn lại tôi thường lưu trú tại Âu châu và Hoa kỳ.

« Quyển sách Một nhà sư và một triết gia, ghi lại cuộc đối thoại với cha tôi, đã gặt hái được kết quả tốt, và tôi đã dùng toàn bộ tiền bản quyền vào việc từ thiện »

Trong khoảng thời gian gần hai mươi năm, từ các miền Darjeeling đến Bhoutan, tôi chỉ cần vỏn vẹn khoảng 30 euros mỗi tháng là đủ sống. Nhưng khi quyển sách « Một nhà sư và một triết gia » được xuất bản, ghi lại cuộc đối thoại giữa cha tôi là Jean-François Rével (2) và tôi, thì bổng nhiên tôi nhận được một khoản tài chính quan trọng nhờ vào sự thành công của quyển sách mà số bán đã lên đến 350 000 quyển chỉ riêng trên đất Pháp. Tôi không hề có một thoáng ý định nào dùng số tiền ấy để mua một căn nhà hay mua một chiếc xe, trái lại tôi quyết định cống hiến tất cả tiền nhuận bút của quyển sách trên đây và cả những quyển sách khác xuất bản sau này cho các chương trình từ thiện. Đây là dịp đem ra thực hành những lời giảng huấn về lòng từ bi mà tôi từng được học từ nhiều năm nay. Nhờ đó mà các dự án Karuna-Schéchèn có thể bước sang giai đoạn thực hiện. Karuna trong tiếng Phạn có nghĩa là Từ bi và Scéchèn là tên của tu viện mà tôi đang tu học. Ngoài số bạn bè tình nguyện tham gia vào các chương trình này, còn có một số người hảo tâm khác nữa đã ủng hộ chúng tôi. Đến nay chúng tôi đã thiết lập được ba mươi dự án do chính chúng tôi đứng ra điều hành – gồm sáu bệnh viện, mười trường học, các trung tâm chăm sóc người già và trẻ mồ côi, xây cầu đường v.v. ở các miền Tây tạng, Népal, Ấn độ và Bhoutan. Chúng tôi đã chăm sóc cho 1 500 trẻ em và chữa trị cho 90 000 ngàn bệnh nhân, hơn một nữa số bệnh nhân này được hoàn toàn miễn phí. Ngoài niềm vui sướng khi được dịp phục vụ cho người khác, tôi còn rất hãnh diện khi thấy lòng từ bi đã mang lại nhiều hiệu quả, vì chi phí điều hành chỉ mất có 2% trên tổng số ngân khoản chung. Tu viện Schéchèn nơi lưu ngụ chính thức của tôi cũng là một nơi để gặp gỡ và học hỏi. Ngoài tu viện với 300 tỳ kheo, chúng tôi còn quản lý một trường trung học giảng dạy triết học với học kỳ kéo dài chín năm, một trường hội họa chuyên về tranh ảnh tôn giáo với số học viên hiện nay là sáu mươi người, cả nam lẫn nữ, cả sư sãi và người thế tục, họ đang theo một khoá đào tạo kéo dài sáu năm. Thêm vào đó lại có cả một trung tâm ấn hành kinh sách Tây tạng và trung tâm này đã in được 400 bộ kinh trong thời gian ba mươi năm vừa qua, các kinh sách ấy được trích ra từ kho tài liệu đồ sộ của tu viện. Một trong số những tài liệu quan trọng, nhất là bộ sưu tập về nghệ thuật Tây tạng bằng phóng ảnh. Vì thế sinh hoạt của tu viện lúc nào bận rộn, mỗi lần về đây tôi làm việc suốt bảy ngày một tuần từ sáng cho đến tối.

Tuy nhiên cũng phải tu tập, và thật may mắn tôi được cấp một cái am nhỏ nhìn lên Hy-mã-lạp-sơn để làm nơi tĩnh tâm, am chỉ cách Katmandou vài giờ đường bộ. Thật vậy niềm phúc hạnh chân thật, vẹn toàn và vững bền mà tiếng Phạn gọi là sukha chỉ có thê đạt được khi nào loại bỏ được sự u mê tâm thần và những xúc cảm đối nghịch. Niềm phúc hạnh đó là một thứ trí tuệ giúp nhận biết được thế giới này đúng với bản chất của nó, không bị che lấp cũng không bị méo mó. Và niềm phúc hạnh đó cũng tượng trưng cho sự hân hoan được bước vào con đường giải thoát nội tâm và lòng nhân từ tràn đầy yêu thương toả rộng đến mọi người chung quanh.

« Người ta thường gán cho tôi cái biệt danh là ‘’người sung sướng nhất trên đời’’. Nhưng thật ra bất cứ ai cũng có đều thể trở nên sung sướng nhất trên đời khi họ biết tìm cái hạnh phúc ấy vào đúng chỗ của nó »

Trước đây tôi có tham gia vào các buổi họp của nhóm Tâm linh và Sự sống tại Dharamsala, nơi lưu ngụ của Đức Đạt-lai Lạt-ma trên đất Ấn. Và từ đó sự hợp tác càng trở nên chặt chẻ hơn. Chúng tôi đưa ra một chương trình quy định việc nghiên cứu thiền định. Chúng tôi hợp tác với một số các chuyên gia lỗi lạc nhất trên thế giới về thần kinh học, trong đó có những chuyên gia thuộc các đại học như Madison ở Wisconsin, Princeton, Harvard, và gần đây hơn là đại học Maastrich tại Hòa lan. Chúng tôi nghiên cứu về lòng vị tha và từ bi, vì đó là những xúc cảm mang tính cách tích cực hơn hết trong số các xúc cảm, những xúc cảm này làm phát sinh những làn sóng gamma cực mạnh trong não bộ.

Đối tượng của các công cuộc nghiên cứu trên đây gồn có các ảnh hưởng ngắn và dài hạn do thiền định mang lại trong việc biến cải tâm linh, các công cuộc nghiên cứu này có mục đích tìm kiếm một giải pháp thực tiển để giải quyết các khó khăn muôn thuở và điên đầu do những xúc cảm mang tính cách tệ hại gây ra. Nhu cầu khảo cứu đòi hỏi tôi phải chịu đựng năm mươi giờ IRM (3). Kết quả do việc nghiên cứu này đã làm cho một số cơ quan truyền tin và báo chí đem gán cho tôi cái biệt danh là « người sung sướng nhất trên đời ». Điều ấy chẳng có nghĩa gì cả. Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể là « người sung sướng nhất trên đời » nếu họ biết đi tìm cái hạnh phúc ấy đúng vào chỗ của nó.

Bures-Sur-Yvette

Ghi chú của người dịch :

1- Hai mươi tuổi đã soạn luận án tiến sĩ có nghĩa ông là một sinh viên khác thường. Muốn soạn luận án tiến sĩ ít nhất trước đó phải thi đậu các bằng cử nhân và cao học. Người ta cho biết là ông đậu tú tài lúc mới mười ba tuổi. Ngoài ra, cũng không phải là dễ để được một giáo sư đoạt giải Nobel nhận làm học trò.

2- Jean-François Rével (1924-1992) : không phải là tên thật mà chỉ là bút hiệu, vì chính ông không muốn giữ cùng một họ với con mình vì cả hai đều rất nổi tiếng. Ông là triết gia, học giả, nhà văn, nhà báo, bình luận gia…và cũng là thành viên của Hàn lâm Viện Pháp.

3- Máy ghi nhận hình ảnh bằng cộng hưởng từ, tiếng Anh viết là MRI. Trong trường hợp trên đây, các khoa học gia về thần kinh học quan sát bộ nảo của ông M. Ricard bằng IRM trong khi ông thiền định và nhận thấy ông đang chìm trong một trạng thái sâu xa và êm ả nhất của sinh hoạt não bộ.

Phần đóng khung trong bài báo :

Thầy và đệ tử

Hai vị thầy, đồng thời cũng là hai sinh linh khác thường, đã đưa tôi vào con đường Phật pháp : vị thầy thứ nhất của tôi là Kangyour Rinpoché, sau khi vỉ này qua đời vào năm 1975 thì tôi gặp được vị thầy thứ hai Dilgo Khyentsé Rinpoché.
Vào những năm đầu của thập niên 1980, nhờ vào vị thầy thứ hai mà tôi đã gặp được Đức Đạt-lai Lạt-ma. Chính Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng xem Khyentsé Rinpoché là một trong những vị thầy chính thức của Ngài và mỗi năm Ngài đều mời ông về ở chung với Ngài từ một đến hai tuần để có dịp học hỏi thêm. Cũng giống như vị thầy trước đây của tôi, Khyentsé Rinpoché có một chiều rộng tâm linh và một tấm lòng nhân ái khác thường, những phẩm tính đó đã giúp ông cảm nhận được được bản chất đích thực của mọi sự hiện hữu. Tuy ông ban ra những lời giáo huấn, nhưng thật ra và đúng hơn thì ông là hiện thân của chính những lời giáo huấn ấy.

altKhi tôi gặp Đức Đạt-lai Lạt-ma tại Paris vào năm 1989, Ngài có nhờ tôi thông dịch tiếng Tây tạng sang tiếng Pháp, và kể từ đó tôi đã trở thành người thông dịch cho Ngài, mỗi năm độ một hai lần. Dù trước công chúng hay trong cuộc sống riêng tư, Đức Đạt-lai Lạt-ma luôn luôn là một tấm gương, đúng với những gì Ngài giảng dạy : đơn sơ, từ bi và trí tuệ. Nhờ Ngài, tôi được tiếp xúc với rất nhiều khoa học gia, nhất là trong lãnh vực thần kinh học, họ chuyên khảo cứu về những ảnh hưởng của thiền định đối với não bộ. (Hình trên: Matthieu Ricard (trái) và Đạt Lai Lạt Ma, April 17, 1997, trước khi cuộc họp báo của ông tại Đài tưởng niệm Hòa bình ở Caen. Ảnh AFP)

alt
Hình 1: Nhà sư Matthieu Ricard ngồi thiền trước băng hà của
ngọn núi Chomo Lhari (7326m), một trong những ngọn nuí cao nhất của xứ Bhoutan

alt alt
Hìng 2a và 2b: Tu viện Schéchèn, trong vùng lãnh thổ Kham, thuộc Tây tạng miền đông alt

Hình 3: Một Dzong trong thung lũng Paro, thuộc xứ Bhoutan,
dzong là một nơi vừa làm tu viện vừa làm cơ quan hành chánh địa phương.
alt

Hình 4: Kangyour Rinpoché: vị thầy thứ nhất của ông Matthieu Ricard
alt

Hình 5: Ông Matthieu Ricard vào năm 1981, tại Thang Rémochèn,
một thánh địa của xứ Bhoutan
alt

Hình 6: Đức Đạt-lai Lạt-ma và ông M. Ricard trong dịp gặp gỡ
Quốc hội Âu châu tại Strasbourg, vào tháng 10 năm 2001
alt

Hình 7: Vùng Boumthang, xứ Bhoutan, cao 3 000 m.
Buổi lễ cống hiến cho vô thường của sự sống vừa chấm dứt. altalt

Hình 8a và 8b: Những thửa ruộng trên triền núi, thuộc tỉnh Amdo, Tây Bắc Tây tạng.
alt alt

Hình 9a và 9b: Từ trái sang phải và từ trên xuống dưới: 1) Một đứa bé trai, Tây tạng miền Đông, 2) Một người thợ mộc làm nhà, Dzongsar, Tây tạng miền Đông, 3) Một người đàn ông, Dzongsar, Tây tạng miền Đông, 4) Một vị lương y, Tây tạng miền Đông, 5) Một phụ nữ vùng Golok, Tây tạng miền Đông, 6) Một người sống ẩn dật, Tây tạng miền Đông, 7) Một đứ bé vùng Dzonsar, Tây tạng miền Đông. alt

Hình 10: Một rừng cờ dùng vào việc tụng niệm, các lá cờ buộc vào các thân tre.

No comments: